Chị Hà Hoài Hương (ở Sơn Tây, Hà Nội) bước vào tuổi trung niên khá nhẹ nhàng. Chị không bị những cơn bốc hỏa hành hạ. Chị không bị mất ngủ hay cáu gắt như các bạn đồng niên gặp phải. Song chị cũng có những trục trặc về sức khỏe, phải đau đầu đối phó.
Chị vốn không có làn da mịn màng, trắng hồng. Da chị hơi sần, hậu quả của chuỗi ngày nặn mụn và đen vì cháy nắng. Chị quan điểm, thà để đen đến mức không thể đen hơn chứ tính đểnh đoảng như chị, khó mà giữ gìn, bịt mặt, hay dùng mỹ phẩm dưỡng da... Cứ thế, thời con gái của chị trôi qua trong làn da rắn rỏi, ít “mối mọt”. Nhưng thời gian gần đây, chị thấy cơ thể xuất hiện những “vị khách không mời”-mụn cơm nổi lên nhiều ở tay chân, lưng, cổ, mặt, ngực... khiến chị rất ngại ngùng. Mụn còn mọc ở gan bàn chân, bàn tay, mọc ở cả nơi “hiểm trở” như ống tai...
Hạt mụn cơm mọc trên người chị có màu sẫm hơn màu da, hơi nhô lên, hơi ngứa. Đặc biệt chị thấy nó lây lan khá nhanh. Tuy không ảnh hưởng gì lắm tới sức khỏe, không gây sốt, ngứa nhưng lại khiến chị mất tự tin, nhan sắc bị ảnh hưởng. Chị vội vàng tìm đến bác sĩ để nghe tư vấn, hướng xử lý. Chị vẫn đùa với bạn bè, sợ không khéo một ngày, chị biến thành một “cô cóc” xinh xắn chứ chả chơi.
Bị mắc mụn hạt cơm, chị em tuyệt đối không được tự ý cậy, tẩy, bóc gây tổn thương, nhiễm khuẩn. Ảnh minh họa: shutterstock
Bác sĩ da liễu cho chị biết, mụn cơm thường gặp ở người trung niên, khi sức đề kháng trong cơ thể bị giảm sút. Mụn hạt cơm thực chất do virus gây ra. Hiện đã xác định có đến trên 40 loại virus gây bệnh mụn cơm ở người. Cho đến nay, chưa có biện pháp điều trị nào có thể khỏi hẳn mụn cơm mà không tái phát, bởi tất cả là do virus đang có trong người phát tác ra. Khi cơ thể khỏe mạnh, có thể chế ngự được virus. Nhưng khi có tuổi, sức đề kháng kém, tùy vào từng người, virus sẽ tấn công.
Thế nên, việc điều trị hiện nay là tạo ra những khoảng thời gian "không có hạt cơm" càng lâu càng tốt và không tạo sẹo. Bác sĩ tư vấn cho chị biết, hiện có nhiều phương pháp loại bỏ hạt cơm thông thường như dùng nitrogen lỏng, acid salicylic.
Với mụn cơm có tại lòng bàn chân, bác sĩ có thể cắt bớt mụn cơm, sau đó bôi thuốc chống nhiễm khuẩn; hoặc dùng liệu pháp laser dùng laser CO2 đặc biệt có hiệu quả để điều trị mụn cơm tái phát, mụn cơm dưới móng, mụn cơm gan bàn chân...
Người bị mắc mụn hạt cơm, tuyệt đối không được tự ý cậy, tẩy, bóc gây tổn thương, nhiễm khuẩn. Cần tìm đến cơ sở có chuyên môn để điều trị càng sớm càng tốt.