pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dấu hiệu tăng độ cận nhất định bạn phải biết
Nhận biết được dấu hiệu tăng độ cận là một trong những chìa khóa giúp người bệnh có cách kiểm soát tình trạng bệnh hiệu quả nhất. Vậy làm cách nào để phát hiện được mắt của bạn đang có dấu hiệu tăng độ cận, hãy cùng theo dõi bài viết tổng quan dưới đây!
Cận thị được định nghĩa đơn giản là tình trạng mắt của một người không thể nhìn rõ mọi vật trừ khi chúng được đặt ở gần với vị trí của mắt người đó. Cận thị còn là tật khúc xạ phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Tình trạng cận thị xảy ra khi nhãn cầu của mắt phát triển quá dài từ trước ra sau, khiến ánh sáng tập trung ở phía trước nhãn cầu thay vì chiếu trực tiếp vào nó. Cận thị thường bắt đầu phát triển ở trẻ em và có thể tiến triển bệnh dần dần khi trẻ lớn lên. Các triệu chứng của cận thị phổ biến thường là mỏi mắt, nheo mắt và nhức đầu.
Cận thị cũng được đánh giá là vấn đề về thị lực phổ biến nhất. Hiện nay, khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới (gần 1/4 dân số toàn cầu) bị cận thị. Tật khúc xạ đặc biệt phổ biến ở Đông Á, nơi 70 - 80% cư dân của một số quốc gia mắc phải tật cận thị. Người ta ước tính rằng, vào năm 2050, khoảng một nửa dân số thế giới sẽ bị cận thị.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm được nguyên nhân tại sao cận thị lại trở nên phổ biến, nhưng nhiều bác sĩ nhãn khoa cho rằng, căn bệnh này xuất phát do mỏi mắt khi làm việc, học tập, sử dụng máy tính và các thiết bị điện tử cầm tay quá nhiều; trong khi đó, thời gian hoạt động ở ngoài trời bị giảm đi.
Cận thị có thể được điều chỉnh bằng kính đeo mắt theo toa của bác sĩ hoặc kính áp tròng. Kính mắt có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh cận thị. Tuy nhiên, độ cận thị cũng có thể tăng lên và bạn hoàn toàn có khả năng nhận biết được các dấu hiệu đó.
1. Dấu hiệu tăng độ cận
Các bác sĩ nhãn khoa tiết lộ, có một số dấu hiệu tăng độ cận khá rõ ràng. Đó cũng là các dấu hiệu cho thấy bạn cần thay đổi kính đeo mới. Vậy dấu hiệu tăng độ cận bao gồm những gì?
1.1. Nhức mỏi mắt
Nếu bạn được xác định mắc tật khúc xạ cận thị và được chỉ định đeo kính hỗ trợ thị lực, và tới một khoảng thời gian nào đó, bạn cảm thấy nhức mỏi mắt dù đang đeo kính thì đó có thể là dấu hiệu tăng độ cận. Bởi nếu thấu kính không phù hợp, cơ mắt bạn sẽ hoạt động tích cực hơn khiến mắt có dấu hiệu bị mỏi.
1.2. Cảm thấy đau đầu
Khi bạn đeo kính cận và thực hiện các công việc, chẳng hạn như đọc báo, làm việc trên máy tính hoặc nhìn bảng đen mà cảm thấy đau đầu thì đó cũng có thể là dấu hiệu tăng độ cận.
Bởi khi bạn tập trung nhìn vào vật gì đó, cơ mắt sẽ hoạt động chăm chỉ hơn; và nếu thấu kính bạn đeo không còn phù hợp với độ của bạn, mắt sẽ phải hoạt động cố gắng hơn. Cuối cùng, bạn có thể đau đầu do mắt phải làm việc quá sức.
1.3. Bạn phải nheo mắt dù đang đeo kính cận
Đôi khi nheo mắt cũng là một cách hay để giảm bớt những căng thẳng cho đôi mắt, tuy nhiên nếu bạn cần nheo mắt để nhìn rõ vật ở khoảng cách xa dù đang đeo kính thì lại là dấu hiệu tăng độ cận.
Các bác sĩ nhãn khoa cho biết, ban đầu việc nheo mắt để nhìn rõ hơn có thể chỉ là bản năng; nhưng khi mắt bạn bị tăng độ cận và mắt kính không còn phù hợp thì việc nheo mắt sẽ diễn ra thường xuyên hơn.
1.4. Nhìn kém hơn vào ban đêm
Việc bạn đeo kính cận nhưng tầm nhìn vào ban đêm của bạn bị kém đi, đó là dấu hiệu tăng độ cận và mắt kính của bạn đã không còn phù hợp.
2. Làm sao để kiểm soát độ cận thị?
Kiểm soát độ cận thị là thuật ngữ được sử dụng để mô tả các phương pháp điều trị cụ thể để làm chậm sự tiến triển của bệnh cận thị ở trẻ em.
Các biện pháp giúp kiểm soát cận thị thường được bác sĩ nhãn khoa chỉ định tùy theo tình trạng của người bệnh. Hiện nay, có 4 phương pháp điều trị cận thị chính, bao gồm: thuốc nhỏ mắt atropine, kính áp tròng đa tiêu cự, kính kiểm soát cận thị và chỉnh hình (ortho-k).
Việc kiểm soát độ cận thị rất quan trọng bởi nó có thể làm giảm bớt nguy cơ biến chứng cận thị đe dọa đến thị lực của người bệnh; chẳng hạn như làm giảm nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp, bong võng mạc, đục thủy tinh thể và thậm chí mất thị lực hoàn toàn.
Dưới đây là các phương án giúp kiểm soát độ cận thị mà bác sĩ có thể chỉ định:
2.1. Thuốc nhỏ mắt Atropine
Thuốc nhỏ mắt Atropine thường được sử dụng giúp giảm đau mắt do một số loại viêm gây ra. Loại thuốc nhỏ mắt này cũng giúp mắt bớt mệt mỏi khi tập trung nhìn vào vật gì đó. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dùng thuốc nhỏ mắt atropine là cách hiệu quả nhất để kiểm soát độ cận thị. Và việc sử dụng loại thuốc nhỏ mắt này có thể làm giảm sự tiến triển của bệnh cận thị lên đến 77%.
2.2. Kính áp tròng đa tiêu cự
Kính áp tròng đa tiêu cự là loại kính được thiết kế dành riêng cho những người mắc các tật khúc xạ về mắt như cận thị. Khi sử dụng loại kính này, người bệnh cận thị có thể nhìn mọi vật ở mọi khoảng cách một cách rõ ràng.
Một số nghiên cứu cho thấy, kính áp tròng đa tiêu cự cũng có khả năng giúp làm giảm sự phát triển độ cận thị đối với trẻ em. Một khảo sát lớn cho thấy, trẻ em mắc cận thị đeo kính áp tròng đa tiêu cự hàng ngày có thể giảm bớt đi 50% sự tiến triển của căn bệnh này so với trẻ em đeo kính cận có gọng thường xuyên.
2.3. Kính mắt đa tròng
Kính mắt đã trong hoạt động giống như các loại kính áp tròng, chúng cũng giúp người mắc bệnh cận thị có thể nhìn rõ vật ở xa. Và chúng cũng được chứng minh có khả năng giúp làm chậm việc tăng độ cận thị đối với trẻ em.
2.4. Kính áp tròng Orthokeratology (Ortho-k)
Kính áp tròng Ortho-k còn được gọi là thấu kính giúp định hình lại giác mạc của người mặc bệnh cận thị. Đây là loại kính đeo áp tròng thấm khí được đeo vào mắt người bệnh trong suốt thời gian ban đêm khi họ ngủ. Vào buổi sáng hôm sau, người bệnh có thể tháo kính ra và hiệu chỉnh tạm thời đã đủ tốt nên không cần đeo thêm kính trong suốt thời gian ban ngày.
Một nghiên cứu kéo dài 2 năm ở trẻ em Trung Quốc độ tuổi từ 6-10 bị cận thị, cho thấy rằng kính áp tròng ortho-k giúp làm giảm độ dài nhãn cầu lên đến 43% so với những trẻ em đeo kính cận thường xuyên để điều chỉnh cận thị.
Nguồn tham khảo:
1. https://www.allaboutvision.com/conditions/myopia-faq/what-is-myopia-control.htm
2. https://www.allaboutvision.com/conditions/myopia-faq/what-is-myopia.htm
3. https://eye-see-mag.com/en/focus/5-signs-its-time-to-change-your-glasses/