pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đau họng khi nào thì uống kháng sinh?
Tình trạng đau họng được mô tả là cảm giác đau, khô rát hoặc ngứa trong cổ họng. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra đau họng là gì mà triệu chứng cũng sẽ có sự khác biệt nhất định. Chẳng hạn một người bị đau họng có thể bị:
- Ngứa, rát họng
- Nóng họng
- Khô họng
- Sưng viêm vùng họng hoặc amidan
- Đau đớn khi nuốt
- Xuất hiện các vùng mủ tại amidan (mảng trắng) thường phổ biến ở viêm họng do khuẩn liên cầu,...
Bên cạnh biểu hiện đau họng thì bạn cũng có thể gặp các triệu chứng như nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi, ho, sốt, ớn lạnh, sưng hạch vùng cổ, khàn giọng, nhức mỏi cơ thể, đau đầu và chán ăn.
1. Đau họng khi nào thì uống kháng sinh?
Đau họng tuy thường không đáng lo ngại nhưng có thể gây ra khó chịu và ảnh hưởng tới sinh hoạt nên nhiều người thường tìm đến kháng sinh chữa đau họng. Tuy nhiên không phải mọi trường hợp đau họng đều cần dùng kháng sinh.
Đau họng thường phổ biến là do virus bao gồm virus gây cảm lạnh thông thường, virus cúm, sởi, quai bị, bạch cầu đơn nhân, COVID-19 và thủy đậu. Và trong hầu hết các trường hợp thì đau họng do nhiễm virus sẽ cải thiện theo thời gian mà không cần điều trị. Tiến triển của đau họng do virus khác hoàn toàn với viêm họng do nhiễm khuẩn, mặc dù nó vẫn dễ lây lan nhưng nó không phản ứng với thuốc kháng sinh như đau họng do vi khuẩn.
Mặt khác, đau/viêm họng do nhiễm vi khuẩn có thể phải điều trị bằng kháng sinh để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm phổi, viêm phế quản và sốt thấp khớp. Vi khuẩn gây viêm họng phổ biến là liên cầu khuẩn (Streptococcus pyogenes), đặc biệt là liên cầu nhóm A. Bệnh dễ lây lan trong không khí qua các giọt bắn thông qua ho, hắt hơi hoặc trên các bề mặt mà người bị nhiễm khuẩn chạm vào. Các biến chứng nguy hiểm mà viêm họng do vi khuẩn có thể gây ra như:
- Áp xe gần amidan
- Nhiễm trùng tai
- Viêm xoang
- Thấp khớp.
Một lộ trình điều trị viêm họng do vi khuẩn bằng kháng sinh thường kéo dài khoảng 10 ngày và điều quan trọng là bạn phải sử dụng đúng đơn thuốc mà bác sĩ chỉ định ngay cả khi bắt đầu cảm thấy tốt hơn. Ngừng thuốc kháng sinh quá sớm có thể khiến một số vi khuẩn không bị tiêu diệt gây tái bệnh trở lại và cũng có thể dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh khiến việc điều trị trong tương lai trở nên khó khăn hơn.
2. Vậy làm cách nào để phân biệt đau họng do virus và vi khuẩn?
Thực tế thì không có cách nào giúp bạn phân biệt chính xác nhất nguyên nhân gây đau họng do virus hay vi khuẩn mà không qua thăm khám. Tại các cơ sở y tế, bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân.
Tuy nhiên, có một số dấu hiệu đau họng phổ biến mà bạn có thể tham khảo:
- Viêm họng do vi khuẩn
+ Nuốt đau
Triệu chứng này phổ biến với cả viêm họng do vi khuẩn và virus nhưng viêm họng do vi khuẩn sẽ đi kèm với việc amidan bị sưng đỏ ở vùng sau cổ họng. Bạn cũng có thể thấy những mảng trắng hoặc vệt mủ ở amidan.
+ Sốt
Sốt cũng phổ biến ở hai loại đau họng nhưng sốt do vi khuẩn thường cao hơn và có xu hướng nghiêm trọng hơn so với nhiễm virus.
+ Xuất hiện các chấm xuất huyết
Một số người cho biết, khi nhiễm khuẩn liên cầu họ thường xuất hiện các chấm đỏ xuất huyết trên vòm miệng. Nguyên nhân là do những mạch máu nhỏ bị vỡ do nhiễm trùng và xuất huyết nhỏ.
+ Buồn nôn và nôn, chán ăn
+ Đau dạ dày
Mặc dù cổ họng và dạ dày có vẻ không liên quann nhưng đau bụng đã được cho thấy là một dấu hiệu phổ biến của viêm họng do khuẩn liên cầu. Nhiễm trùng gây ra một loạt các triệu chứng liên quan đến đường tiêu hóa như khó tiêu.
- Viêm họng do virus
Viêm họng do virus có biểu hiện rất khác và thường thấy nhất là các triệu chứng tương tự như khi bạn bị cảm lạnh thông thường, bao gồm:
+ Ho
Viêm họng do virus hầu như đều đi kèm với ho, điều này cũng khác với đau viêm họng do vi khuẩn. Ho là cách mà cơ thể bạn "tống" các chất lạ ra khỏi phổi và tình trạng ho có thể kéo dài tới hai tuần.
+ Sưng họng
Khi quan sát khoang miệng có thể thấy phía sau miệng bị sưng và đỏ nhưng không xuất hiện các đốm đỏ và trắng như khi bị nhiễm khuẩn.
+ Sổ mũi
Viêm họng do virus thường đi kèm với các triệu chứng cảm lạnh thông thường khác, đặc biệt là chảy nước mũi và khàn giọng.
3. Khi nào đau họng cần thăm khám bác sĩ?
Nhìn chung là bạn nên tới các cơ sở y tế thăm khám nếu:
- Bạn bị sốt kèm theo đau họng cần thăm khám sớm để xem xét nguyên nhân có phải do liên cầu khuẩn hay không, nhất là với trẻ em và thanh thiếu niên
- Bạn cho rằng có thể bạn bị COVID-19 khi xem xét các yếu tố nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh
- Tình trạng viêm đau họng ngày càng tệ hơn sau vài ngày (thường là 2 - 3 ngày), ngay cả khi các biện pháp giảm đau tại nhà có thể giúp bạn giảm đau nhưng chỉ là tạm thời, cần nhanh chóng tìm kiếm nguyên nhân để có phương án điều trị phù hợp
- Phát triển thêm các triệu chứng liên quan như sưng cổ, khó nuốt, thay đổi giọng nói, khó nói hoặc các cơn đau khiến cổ bạn khó cử động như bình thường
- Trong nước bọt có lẫn máu hoặc chất nhầy màu đỏ
- Khàn giọng trên 2 tuần
- Đau tai
- Phát ban.
4. Biện pháp khắc phục cơn đau họng tại nhà
Nếu bạn không bị sốt hay bất kì triệu chứng đáng lo ngại nào khác thì bạn có thể thử khắc phục tình trạng viêm đau họng tại nhà. Trong trường hợp cơn đau họng là do virus thì các biện pháp này có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
Hầu hết các cơn đau họng tự khỏi mà không cần điều trị và biến mất hoàn toàn trong vòng 1 tuần nhưng thời gian này còn phụ thuộc vào nguyên nhân khiến bạn bị đau họng là gì.
Một số cách giảm đau họng tại nhà mà bạn có thể tham khảo:
- Ưu tiên nghỉ ngơi và uống đủ nước để cổ họng luôn ẩm và ngăn ngừa mất nước. Bạn có thể sử dụng thêm các thiết bị bù ẩm như máy phun sương, máy lọc không khí
- Súc miệng bằng nước muối ấm
- Sử dụng viên kẹo ngậm dịu họng cho trẻ trên 5 tuổi và người lớn
- Rửa xoang mũi bằng nước muối ấm và bình rửa mũi chuyên dụng
- Bổ sung vitamin C
- Uống đồ uống ấm như nước chanh mật ong (trừ trẻ dưới 12 tháng tuổi), trà gừng, trà chanh ấm, trà cam thảo, trà xanh,...
Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cơn đau họng sẽ khiến trẻ khó chịu và cần những biện pháp giảm đau họng khác với người lớn. Đầu tiên bạn vẫn cần làm ẩm không khí mà trẻ hít thở, lưu ý vệ sinh máy bù ẩm hay phun sương sạch sẽ; khuyến khích con uống càng nhiều nước càng tốt, tránh nước trái cây hoặc nước đá có tính axit cao có thể gây kích ứng họng; không nên cho trẻ dưới 5 tuổi ngậm kẹo cứng vì có thể gây nghẹn,...
Nhìn chung, khi thời tiết thay đổi kèm theo nguy cơ các bệnh hô hấp gia tăng thì nguy cơ gặp phải các triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, đau họng, sổ mũi,... là phổ biến hơn cả. Điều quan trọng là bạn phải nhận định được nguyên nhân gây ra các biểu hiện đó là gì, từ đó có các biện pháp can thiệp phù hợp.
Và mặc dù không phải lúc nào bạn cũng có thể phòng ngừa được đau họng nhưng bạn có thể giảm thiểu nguy cơ nhờ việc rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc với những người đang có các triệu chứng hô hấp, cân nhắc tới việc bỏ thuốc lá và hạn chế hút thuốc lá thụ động,...