pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đau mắt đỏ và viêm củng mạc: Những điều cần biết để tránh nhầm lẫn
Đau mắt đỏ là bệnh cấp tính, phát triển nhanh, dễ điều trị. Ngược lại viêm củng mạc là bệnh kinh niên, tiến triển chậm, có thể gây mù loà. Phân biệt đau mắt đỏ và viêm củng mạc đúng cách giúp bạn phát hiện bệnh kịp thời và hạn chế nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm.
Giữa đau mắt đỏ và viêm củng mạc có những điểm gì giống và khác nhau? Tại sao nhiều người lại nhầm lẫn giữa hai loại bệnh dẫn đến điều trị sai cách? Hiểu rõ bản chất của từng loại bệnh giúp chúng ta phân biệt dễ dàng hơn.
1. Điểm giống nhau giữa đau mắt đỏ và viêm củng mạc
Biểu hiện bệnh của đau mắt đỏ và viêm củng mạc có nhiều điểm tương tự. Cả hai loại bệnh đều gây tổn thương cho lớp màng bảo vệ của mắt dẫn đến các dấu hiệu như đỏ mắt, chảy nước mắt nhẹ kèm theo sưng đau, khó chịu.
Dù bị đau mắt đỏ hay viêm củng mạc, người bệnh đều sợ ánh sáng từ trung bình đến mạnh tùy theo trạng thái của bệnh.
2. Đau mắt đỏ và viêm củng mạc khác nhau như thế nào?
Đau mắt đỏ và viêm củng mạc là hai loại bệnh hoàn toàn khác nhau. Mức độ nguy hiểm của viêm củng mạc cao hơn nhiều so với đau mắt đỏ. Bên cạnh đó, nguyên nhân, triệu chứng, đối tượng của bệnh đau mắt đỏ và viêm củng mạc cũng rất đặc trưng.
Do đó, mọi người hoàn toàn có thể phân biệt đau mắt đỏ và viêm củng mạc thông qua những dấu hiệu dưới đây:
2.1. Nguyên nhân gây bệnh
Nếu nguyên nhân gây bệnh của đau mắt đỏ chủ yếu là virus, vi khuẩn, dị ứng,... thì nguyên nhân gây viêm củng mạc lại phức tạp hơn nhiều. Nguyên nhân gây viêm củng mạc có liên quan chặt chẽ đến hệ miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể.
Bệnh thường xuất hiện ở những người có vấn đề về mô liên kết như: Viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ, viêm đa khớp, u hạt với viêm đa mạch hoặc viêm đa sụn tái phát. Một vài trường hợp bị bệnh do nhiễm trùng mắt hoặc không rõ nguyên nhân.
2.2. Đối tượng dễ mắc bệnh và tính lây lan
Đối tượng mắc bệnh của đau mắt đỏ và viêm củng mạc cũng khác nhau.
- Đau mắt đỏ:
Đối tượng bị đau mắt đỏ không phân biệt tuổi tác, giới tính. Bất cứ ai cũng có thể bị lây nhiễm, nhất là vào mùa dịch. Đau mắt đỏ có khả năng lây lan nhanh và dễ bùng phát thành dịch.
- Viêm củng mạc:
Trái ngược với đau mắt đỏ, bệnh viêm củng mạc thường chỉ xuất hiện ở phụ nữ có độ tuổi từ 30 - 60. Bệnh hiếm khi gặp ở trẻ em và không có tính chất di truyền. Viêm củng mạc bắt nguồn từ bên trong cơ thể của người bệnh. Do đó, bệnh viêm củng mạc không có tính lây lan như đau mắt đỏ.
2.3. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh
Mặc dù giữa đau mắt đỏ và viêm củng mạc có vài triệu chứng tương tự như đã nêu ở trên. Nhưng về cơ bản dấu hiệu của hai loại bệnh này có rất nhiều điểm riêng biệt.
- Triệu chứng đau mắt đỏ:
Triệu chứng cơ bản của đau mắt đỏ là sưng nhẹ mi mắt. Phần lòng trắng và bên trong mi mắt bị đỏ. Có nhiều ghèn, mủ, nhầy và chảy nước mắt.
Kèm theo đó, người bệnh đau mắt đỏ có cảm giác bị cộm như có vật lạ ở trong mắt, ngứa ngáy, khó chịu. Bên cạnh đó là giảm tầm nhìn, khó mở mắt khi ngủ dậy. Đây là những triệu chứng thường gặp ở hầu hết các bệnh về mắt.
=>> Đọc thêm bài viết: Những hình ảnh chi tiết nhất về triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ.
- Viêm củng mạc có triệu chứng thế nào?
Triệu chứng của viêm củng mạc với các đặc trưng như đau dữ dội, đau nhiều và sâu, ít phản ứng với thuốc giảm đau. Cơn đau thường lan ra vùng trán, gò má, xoang. Đau âm ỉ và có những cơn kịch phát khi chạm vào vùng thái dương của người bệnh.
Cơn đau có thể tăng lên về đêm khiến người bệnh lo lắng, mất ngủ. Ngoài ra nó còn có thể phá hủy dây thần kinh cảm thụ trong củng mạc dẫn đến viêm nhiễm, hoại tử.
Dấu hiệu thường thấy là đỏ mắt. Màu đỏ hơi xanh khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Nó có thể khu trú ở vùng khe mi hoặc toàn bộ củng mạc. Sau mỗi đợt viêm tái phát củng mạc trở nên trong hơn.
Sắc tố hắc mạc bên dưới có màu xám xanh nhìn rõ nhất dưới ánh sáng tự nhiên. Người bệnh thường chảy nước mắt nhẹ, không kèm theo gỉ như đau mắt đỏ.
Bệnh có thể gây ra co thắt cơ vòng mống mắt dẫn đến co đồng tử và cận thị thoáng qua trong trường hợp bị viêm nặng.
Triệu chứng của bệnh có thể thay đổi theo từng loại và nguyên nhân mắc phải. Chỉ các bác sĩ chuyên nghiệp mới chẩn đoán được chính xác từng loại bệnh.
3. Phương pháp điều trị và cách phòng tránh bệnh
Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ và viêm củng mạc, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị và cách phòng tránh thích hợp.
3.1. Phương pháp điều trị
- Với đau mắt đỏ do virus, các triệu chứng có thể biến mất sau vài ngày phát bệnh. Trong quá trình bị bệnh, bạn có thể tự chườm nóng hoặc chườm lạnh để làm giảm triệu chứng phù nề. Rửa mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý, nhỏ nước mắt nhân tạo để bổ sung độ ẩm.
Trong trường hợp bị đau mắt đỏ do vi khuẩn, cần tiến hành điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thực hiện vệ sinh mắt, thuốc kháng sinh, kháng viêm theo hướng dẫn điều trị.
Với đau mắt đỏ do dị ứng, người bệnh cần tránh tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Sử dụng thuốc nhỏ mắt do bác sĩ kê đơn để làm giảm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
- Điều trị viêm củng mạc phức tạp hơn nhiều so với đau mắt đỏ. Các phương pháp trị liệu gồm điều trị nội khoa và ngoại khoa.
Điều trị nội khoa đối với bệnh nhân không hoại tử thường chỉ dùng thuốc chống viêm non steroid tại chỗ hoặc toàn thân.
Đối với trường hợp có hoại tử kèm viêm tấy và viêm củng mạc phía sau thường sử dụng corticoid toàn thân hạn chế đau nhức. Trong trường hợp thuốc không hiệu quả sẽ phải chuyển sang dùng ức chế miễn dịch mạnh hơn.
Đối với các bệnh nhân có bệnh phối hợp như cơ địa dị ứng atopy, trứng cá đỏ, gout cần trị liệu đặc hiệu riêng biệt.
Điều trị ngoại khoa với các trường hợp viêm củng mạc hoại tử dẫn tới dọa thủng hoặc thủng nhãn cầu. Người bệnh phải tiến hành điều trị kiểm soát quá trình viêm trước phẫu thuật.
3.2. Cách phòng tránh
- Cách phòng tránh bệnh đau mắt đỏ:
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn.
Không dùng chung đồ cá nhân như khăn, chậu rửa mặt, thuốc nhỏ mắt,...
Hạn chế đến nơi đông người hoặc đi bơi vào mùa dịch.
Bỏ các thói quen xấu như dụi mắt, đeo kính áp tròng qua đêm, lười vệ sinh hộp kính,...
- Cách phòng tránh bệnh viêm củng mạc.
Nâng cao hệ thống miễn dịch của cơ thể, xây dựng lối sống lành mạnh.
Thực hiện chế độ dinh dưỡng, tập luyện khoa học.
Phòng tránh các bệnh viêm tự miễn như viêm khớp dạng thấp và lupus ban đỏ hệ thống.
Kiểm tra sức khỏe thường xuyên khi bạn bước sang tuổi 40 để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời ngay khi có dấu hiệu khác thường trên cơ thể.
Trên đây là một số điểm giống và khác nhau giữa đau mắt đỏ và viêm củng mạc bạn nên biết. Tìm hiểu kỹ thông tin về bệnh, kịp thời thăm khám, điều trị nếu xuất hiện triệu chứng không bình thường để bệnh không gây ra biến chứng nguy hiểm.