Đau thương chưa nguôi về Trân Châu Cảng

09/12/2016 - 14:42
75 năm qua, Trân Châu Cảng ở Hawaii (Mỹ) vẫn mãi ghi dấu ấn trong lòng người Mỹ về những khoảnh khắc bi thảm, đau thương.

Nhân chứng sống

Ngày 7/12/1941, hải quân và không quân Đế quốc Nhật Bản bất ngờ tấn công căn cứ Mỹ tại Trân Châu Cảng, Hawaii, khiến Mỹ thiệt hại nặng nề và quyết định tham gia Thế Chiến II. Cuộc chiến hôm ấy vẫn đọng lại trong tâm trí ông Robert Van Druff (97 tuổi) - một sĩ quan trẻ trên tàu khu trục USS Aylwin.

cuu-binh-my.jpg
Cựu binh Mỹ Robert Van Druff

Ông Robert kể rằng ngày hôm đó, trời trong xanh và bình yên như bao ngày khác khi ông cùng đồng đội vui vẻ đọc truyện cười trên báo địa phương Honolulu. “Đột nhiên, chúng tôi thấy rất nhiều khói và nhiều máy bay lao đến. Chúng tôi đã không biết chuyện sẽ tồi tệ đến thế nào mãi đến khi trận đánh bắt đầu. Đó là khi chúng tôi nhìn thấy toàn bộ sự phá hủy và mặt nước đầy thi thể. Những tiếng máy bay gầm rú đinh tai đã nhấn chìm hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ trong biển lửa. Trận Trân Châu Cảng khiến niềm kiêu hãnh của chúng tôi bị tổn thương nghiêm trọng”, ông Robert chua xót kể.

Nỗi ám ảnh đó vẫn vương mãi trong đầu khiến vợ ông, bà Helen Van Druff, và con gái Carmen luôn lo lắng. Bà Helen kể lại câu chuyện 75 trước rằng bà đã khóc, đã lo sợ người chồng yêu quý không thể trở lại vì ở đâu người ta cũng bảo Trân Châu Cảng nhuốm màu tang tóc.

robert-van-druff-2.jpg
Vợ chồng ông Robert và bà Helen Van Druff năm 1941

May mắn với bà là ông Robert đã sống sót trở về. Có hơn 2.400 người Mỹ, trong đó có những đồng đội ông Robert, dân thường, phụ nữ, trẻ em thiệt mạng trong vụ Trân Châu Cảng bị tấn công. 1.178 người bị thương. Hai mẹ con bà Helen mong lịch sử đừng lập lại để mọi người được sống yên bình. Với họ, cuộc tấn công Trân Châu Cảng chỉ diễn ra trong 90 phút nhưng đã tàn phá cả vùng biển xinh đẹp thành bình địa. Carmen Harding sẽ đưa cha đến The Coast Guard Cutter Tane - tàu bảo tàng ở Cảng Inner lưu giữ những kỷ niệm đau đớn của những người lính Mỹ.

robert-van-druff-3.jpg
Con gái Carmen (trái) và bà Helen luôn lo lắng vì những ám ảnh chiến tranh của ông Robert Van Druff

Nơi đâu cũng đổ nát, tàu bốc cháy ngùn ngụt...

Những cảm xúc, những nỗi sợ hãi về cuộc tấn công 75 năm trước vẫn hiển hiện trên từng trang nhật ký của một cô nữ sinh 17 tuổi Ginger năm nào. Ginger từng sống gần căn cứ quân sự Hickam Field của Mỹ tại quần đảo Hawaii. Ginger đã mô tả khung cảnh Trân Châu Cảng sau vụ đánh bom của Nhật Bản và những dòng nhật ký của Ginger cho thấy sự thảm khốc của chiến tranh: "Đó là thời gian tôi sắp tốt nghiệp nhưng mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của mình. Tôi tỉnh giấc vào sáng 7/12/1941 bởi tiếng bom rền vang từ phía Trân Châu Cảng. Nhìn về phía xưởng đóng tàu của hải quân, chúng tôi thấy những cột khói đen bốc lên. Bên ngoài, máy bay lượn lờ và thả bom khắp Hickam. Các tòa nhà bốc cháy, còn những toán lính di chuyển hết tốc lực từ các doanh trại. Thành phố chìm trong khói lửa. Tôi cảm thấy sợ hãi trước hàng loạt đợt bom dữ dội. 

tran-chau-cang-2.jpg
Trân Châu Cảng bị tấn công ngày 7/12/1941

Đợt ném bom thứ 2 xảy ra sau vài phút với những chớp lửa sáng lòa. Các doanh trại bốc cháy và nhiều người bị thương. Những xe bò được huy động để chở nạn nhân tới trạm cứu thương. Tiếng súng máy ở ngay ngoài cửa sổ. Những máy bay vẫn lượn lờ và đạn có thể xuyên qua mái nhà của chúng tôi. Gia đình tôi chuẩn bị hành lý sẵn sàng để sơ tán bất cứ lúc nào. 2 tiếng sau, những máy bay đã biến mất và gia đình tôi di tản đến nơi khác… Nơi đâu cũng đổ nát, tàu bốc cháy ngùn ngụt. Người dân đứng dọc các con phố với vẻ bàng hoàng”.

tran-chau-cang-3.jpg
Lính Mỹ ở Trân Châu Cảng bị bất ngờ trước đòn tấn công của Nhật Bản

Còn ông Michael Lilly - cựu Tổng chương lý Hawaii - đã kể câu chuyện về người mẹ Ginger Lilly - một nhân viên tình nguyện Hội Chữ thập đỏ đã lăn lộn cứu người, ngày 7/12/1941, qua cuốn nhật ký mẹ ông để lại. Ginger Lilly cùng 41 nữ y tá ở Bệnh viện Queen tham gia đội xe Tình nguyện viên Chữ thập đỏ. Vào 8h sáng ngày 6/12/1941, một ngày trước khi Trân Châu Cảng bị tấn công, Ginger Lilly đã mặc đồng phục Chữ thập đỏ lái xe đưa 6 phi công người Australia đi dọc kè biển Aiea Heights, ở đó họ có thể nhìn rõ Trân Châu Cảng với 96 tàu chiến.

ginger-lilly-1.jpg
Bà Ginger Lilly trong trang phục cứu hộ

Sáng hôm sau, khi tỉnh giấc, bà nhìn thấy những cột khói bốc lên phía Trân Châu Cảng. Ginger vội vàng mặc đồng phục, đội mũ bảo hiểm và mặt nạ chống độc lái xe lao về phía Trân Châu Cảng. Bà dùng xe vận chuyển những binh lính bị thương, những người đang đau đớn quằn quại nhưng vẫn lo nghĩ về vợ con. “Họ xin giấy viết nguệch ngoạc tên mình, tên vợ con rồi năn nỉ tôi đi tìm những người thân yêu ấy”, Ginger kể lại. Đó là động lực để Ginger lăn xả vào nơi hiểm nguy để cứu người, để tìm kiếm và đưa phụ nữ, trẻ em đến nơi trú ẩn an toàn. Suốt ngày hôm đó và nhiều tuần kế tiếp, Ginger đã cùng đội Chữ thập đỏ mải mê với công việc thiện nguyện…

ginger-lilly-2.jpg
Bà Ginger Lilly cùng đồng nghiệp tích cực cứu người
Ngày 26 và 27/12 tới đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm Trân Châu Cảng. Ông Abe là lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên thăm Trân Châu Cảng từ sau Thế chiến thứ II. Nhà Trắng cho biết chuyến thăm của ông Abe và ông Obama sẽ cho thấy sức mạnh của hòa giải đã đưa hai cựu thù trở thành đồng minh thân thiết nhất, liên kết với nhau bởi lợi ích chung, tiếp tục sát cánh vì một thế giới hòa bình và an ninh hơn. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho rằng việc các cựu binh Mỹ có thể cảm thấy “cay đắng” với chuyến thăm của Thủ tướng Nhật đến Trân Châu Cảng, tuy nhiên, phải để lòng yêu nước vượt qua cảm xúc cá nhân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm