Đầu tư vào ăn mặc để tăng thu nhập

Tô Diệp - Thiết kế: Trường Dương - Ảnh: NVCC
27/11/2022 - 16:15
Chia sẻ của các gia đình với những quan điểm độc đáo cũng như kinh nghiệm thực tế trong câu chuyện quản lý tài chính.

Lập ngân sách cụ thể cho khoản chi tiêu “Ăn - Mặc"

Gia đình Thu Hiền (hơn 30 tuổi) gồm 3 thành viên, hiện đang sinh sống ở Hà Nội. Trong kế hoạch chi tiêu, có một điều Thu Hiền cho rằng mỗi gia đình cần lập ngân sách đúng cách là khoản "Ăn-Mặc", bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập cá nhân.

Về khoản "Ăn", quan điểm của Thu Hiền, đôi lúc, thực chất ăn chính là cách tốt nhất để ngoại giao - giao tiếp xã hội. Nhiều người cho rằng không nên chi quá nhiều tiền để ăn ngoài, song cô cho rằng quan điểm này không đúng hoàn toàn 100%. Bởi vì đi ăn và giao tiếp với những người có thể giúp mình tiến bộ trong sự nghiệp hay học được nhiều về kiến thức, rất xứng đáng với khoản tiền đã bỏ ra.

"Chỉ sau khi làm được những điều này, dùng việc "ăn" để có những mối quan hệ tốt hơn, phần tiền dư mới nên dùng cho các cuộc vui chơi cá nhân. Đây là việc khó và cũng phải tùy tính cách mỗi người mới làm được. Nhưng người xưa đã có một câu nói: Tính cách quyết định vận mệnh, mỗi người nên cân nhắc hướng đi phù hợp cho khoản ngoại giao". 

Đầu tư vào “ăn - mặc" để tăng thu nhập và loạt quan điểm tài chính gia đình  - Ảnh 1.

Thu Hiền

Bên cạnh đó, về khoản chi tiêu cho quần áo, Thu Hiền cho rằng hãy luôn ăn mặc giống như công việc bạn muốn có tiếp theo. Về cơ bản, nếu bạn là phó phòng và muốn được lên trưởng phòng - hãy mặc quần áo chỉnh tề như một người trưởng phòng. Đừng mặc như nhân viên và cũng không mặc như Tổng giám đốc hay Chủ tịch. Đầu tư xứng đáng vào vẻ bề ngoài để có thể được coi trọng và có cơ hội lên chức ngắn nhất. Chức vụ đi liền với thu nhập, hãy tái đầu tư vào bản thân một cách đúng đắn để có thể tăng thu nhập của mình.

Chuẩn bị sẵn học phí 5 năm Tiểu học cho con 

Gia đình Hoàng Thảo hiện đang làm tự do và kinh doanh, sinh sống ở Việt Trì, Phú Thọ. Do vậy, dòng tiền thu về của gia đình cô thường từ nhiều nguồn. Trong đó, với những nguồn luôn cố định chẳng hạn tiền cho thuê nhà, Hoàng Thảo sẽ sử dụng để gửi vào tài khoản tiết kiệm cho cả gia đình.

Bên cạnh đó, cô cũng có một khoản tích lũy khác, không được chi tiêu tới dành để đầu tư cho con cái. "Ví dụ, bé lớn nhà mình sắp lên tiểu học. Mình dự tính cho con theo học ở một trường chất lượng, học phí cũng cao hơn so với mặt bằng chung. Để đạt được điều đó, mình đã tiết kiệm một khoản tiền, bỏ ra riêng vừa đủ cho học phí trong suốt 5 năm cấp 1 của con. Như vậy, kể cả khi dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh doanh, mình vẫn có thể đảm bảo việc học hành của con". 

Đầu tư vào “ăn - mặc" để tăng thu nhập và loạt quan điểm tài chính gia đình  - Ảnh 2.

Hoàng Thảo

Trong chi tiêu, quản lý dòng tiền, cô phân chia thành 2 loại, một phần dành cho gia đình và vốn để kinh doanh. Hoàng Thảo luôn tuân theo nguyên tắc đặt ra từ đầu đó là không được phép lấy tiền dành cho gia đình đem đi kinh doanh. 

"Hãy cắt giảm những chi phí nhỏ nhặt. Bởi vì, nhiều khi mình tưởng đó chỉ là khoản chi nhỏ nhưng cộng dồn lại chúng sẽ trở thành một khoản tiền khá lớn. Dù là một ly cà phê bạn mua vì thấy giá bình dân, duy trì thói quen ấy hàng ngày sẽ là một số tiền khá lớn. Thay vào đó, tự pha chế hoặc uống cà phê gói tại văn phòng sẽ tiết kiệm hơn", quan điểm của Hoàng Thảo trong chuyện tiết kiệm.

Kế hoạch tài chính chi tiết cho tương lai

Trần Trang (34 tuổi) đang sống cùng chồng và con nhỏ đang sống ở Hà Nội. Vợ chồng cô luôn có kế hoạch tiền bạc chi tiết. Cụ thể trong tương lai gần, tức 2-3 năm tới, gia đình cô sẽ duy trì cách quản lý chi tiêu hiện tại để có thể giữ được mức tích lũy 30-50% hàng tháng. Song song đó, đầu tư vào các hình thức an toàn để “tiền đẻ ra tiền” dù với mức lợi nhuận không cao nhưng có thể giảm bớt tính rủi ro.

Tương lai xa 5-10 năm, khi có tích lũy vừa đủ, sẽ đầu tư các khoản lớn như mua bất động sản, kinh doanh để tạo thu nhập thụ động. “Chẳng hạn như bất động sản sẽ phải mất 2-3 năm để tích lũy mới có thể mua được bất động sản từ 2-3 tỷ đồng. Còn đầu tư kinh doanh cũng tùy quy mô như cà phê bánh sẽ mất 1-2 năm tích lũy để có vốn 500 triệu-1 tỷ đồng để mở quán”.

Từ 10-15 năm tới, gia đình Trần Trang cố gắng tự do tài chính nhờ những khoản thu nhập thụ động trên.

Đầu tư vào “ăn - mặc" để tăng thu nhập và loạt quan điểm tài chính gia đình  - Ảnh 3.

Trần Trang

Đối với những bạn trẻ vừa mới lập gia đình, Trần Trang cho rằng nên áp dụng nguyên tắc ngân sách chia nhỏ thu nhập 30/50/20 để quản lý tài chính. Trong đó 30% thu nhập sẽ dành cho tiết kiệm, 50% tiếp theo dành cho nhu cầu thiết yếu và 20% cuối cùng cho nhu cầu mua sắm, du lịch, đi lại và các khoản phí cho con.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm