Đau vai gáy là bệnh gì? Nguyên nhân gây bệnh và các hướng điều trị

Lê Cường
28/09/2020 - 13:44
Đau vai gáy là bệnh gì? Nguyên nhân gây bệnh và các hướng điều trị
Đau vai gáy là tình trạng phổ biến ở những người thường xuyên phải ngồi nhiều hoặc hoạt động sai tư thế. Đôi khi đau vai gáy còn là dấu hiệu của một số bệnh lý.

1. Đau mỏi vai gáy là gì?

Đau mỏi vai gáy là một bệnh lý về cơ xương khớp. Bệnh xảy ra ở nhiều lứa tuổi và nhiều ngành nghề khác nhau. Khi bị đau mỏi vai gáy, người bệnh sẽ có những cơn đau ở vùng vai gáy bên trái hoặc bên phải hoặc đau cả hai bên.

Đau mỏi vai gáy thường xảy ra khi bạn ngồi không đúng tư thế, khiến cột sống bị cong vẹo. Tình trạng này có thể khiến các dây thần kinh và khu phần mềm xung quanh bị chèn ép, gây ra những cơn đau mỏi vai gáy. 

đau mỏi vai gáy

Khi bị đau mỏi vai gáy, người bệnh sẽ có những cơn đau ở vùng vai gáy bên trái, bên phải hoặc đau cả hai bên. (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Ngủ sai tư thế - nguyên nhân gây đau mỏi vai gáy

Đau mỏi vai gáy là dấu hiệu của những bệnh lý nào?

Theo số liệu thống kê, đa số những người bị đau mỏi vai gáy là nhân viên văn phòng, công nhân may mặc, lái xe,.... Tình trạng đau mỏi vai gáy sẽ càng trở nên trầm trọng hơn khi người bệnh ngồi quá lâu mà lại ít vận động. Những người có thói quen xấu khi ngủ như: gục đầu xuống bàn để ngủ, ngủ nghiêng người quá lâu hoặc gối đầu quá cao cũng có nguy cơ mắc chứng đau mỏi vai gáy. 

Nếu tình trạng đau mỏi vai gáy lặp đi lặp lại nhiều lần, các cơn đau xảy ra thường xuyên hơn thì người bệnh không được chủ quan. Đây là một dấu hiệu nguy hiểm của bệnh, nếu người bệnh không được điều trị kịp thời sẽ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí có thể gây bại liệt suốt đời. 

2. Nguyên nhân gây đau mỏi vai gáy

Những nguyên nhân chủ yếu gây bệnh đau mỏi vai gáy gồm:

- Rối loạn vận động xương bả vai: Do bạn làm việc quá lâu ở một tư thế hoặc do bạn vận động tay liên tục

- Rối loạn dây thần kinh: nguyên nhân là do dây thần kinh chạy qua vùng vai bị tổn thương hoặc bị kéo giãn quá mức

- Lao xương: vi khuẩn lao tấn công xương khớp có thể gây viêm nhiễm đốt sống, dẫn đến đau mỏi vai gáy

- Viêm gân chóp xoay ở khớp vai: khi bạn chơi thể dục thể thao, vung tay quá mạnh dẫn đến gân ở khớp vai bị tổn thương, do đó làm đau mỏi vai gáy

- Chấn thương: các chấn thương ở vùng vai gáy như tập luyện sai tư thế, vùng vai gáy bị va đập mạnh cũng có thể dẫn đến đau mỏi vai gáy âm ỉ

- Bệnh tim mạch: Do xương lồng ngực và xương bả vai có sự liên kết chặt chẽ với nhau nên khi mắc bệnh tim, người bệnh cũng sẽ bị đau thắt ngực và đau mỏi vai gáy. 

Một số nguyên nhân khác gây bệnh đau mỏi vai gáy bao gồm:

- Nằm xem TV gối đầu cao

- Ngủ gối đầu cao

- Lái xe sai tư thế

- Làm việc nhiều giờ với máy tính

- Ngồi dưới điều hòa quá lạnh, gió điều hòa phả vào gáy

- Ngủ gục xuống bàn khi làm việc

hội chứng đau mỏi vai gáy

Nguyên nhân gây đau mỏi vai gáy gồm: rối loạn vận động bả vai, lao xương, chấn thương,.... (Ảnh: Internet)

3. Đối tượng có nguy cơ bị đau mỏi vai gáy

Những người có nguy cơ bị đau mỏi vai gáy bao gồm:

- Người mắc các bệnh về thoái hóa đốt sống cổ, ung thư vùng cổ, lao, thoát vị đĩa đệm

- Người bị dị tật bẩm sinh vùng gáy, cổ do thay đổi thời tiết

- Người thường xuyên lao động nặng, làm việc văn phòng hoặc lái xe

4. Triệu chứng đau mỏi vai gáy

Người bị đau mỏi vai gáy thường có những triệu chứng sau:

- Bị đau mỏi khu vực vai gáy sau khi ngủ dậy hoặc sau khi làm việc nặng, ngồi làm việc quá lâu ở cùng 1 tư thế

- Cơn đau vai gáy có thể lan xuống bả vai, cánh tay (một hoặc hai bên) khiến cho tay và vai luôn có cảm giác bị tê mỏi, nặng nề, khó cử động.

- Mức độ đau sẽ càng tăng nếu người bệnh ngồi lâu, đi đứng, hắt hơi, ho, vận động cổ. 

- Ở một số trường hợp, người bệnh có thể bị ù tai, hoa mắt, chóng mặt,...

5. Điều trị đau mỏi vai gáy

Khi bị đau mỏi vai gáy, người bệnh nên đến các cơ sở y tế, phòng khám chuyên khoa để bác sĩ chẩn đoán, xác định và phát hiện ra nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời, bác sĩ cũng đánh giá mức độ bệnh nặng hay nhẹ, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. 

5.1. Trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ

Khi bệnh còn ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể thực hiện các biện pháp sau:

- Khi tắm, nên tắm bằng nước ấm, không tắm bằng nước lạnh

- Có thể chiếu đèn hồng ngoại hoặc chườm ấm vùng cổ vai

- Có thể nhờ người xoa bóp nhẹ nhàng vùng cổ vai gáy trong khoảng 10-15 phút. Thực hiện việc xoa bóp thường xuyên sẽ giúp máu lưu thông tốt, giảm đau và cơ được thư giãn.

- Không nên cố gắng quay cổ hoặc quay đầu. Khi bị đau vai gáy, người bệnh chỉ nên vận động xoay cổ nhẹ nhàng, không nên cố xoay nhiều hơn biên độ bình thường. Người bệnh cũng nên hạn chế việc nghiêng đầu và quay đầu để bệnh nhanh tự hồi phục. 

- Không ngồi dưới điều hòa hoặc quạt , vì càng ngồi dưới điều hòa hoặc dưới quạt sẽ làm cho cơ bị co và đau nhiều hơn. 

- Đối với trường hợp người bệnh bị đau mỏi vai gáy do co mạch hoặc do thiếu máu thì các biện pháp trên sẽ nhanh chóng làm giảm tình trạng đau trong 2-3 ngày. 

5.2. Trường hợp bệnh ở mức độ vừa

Với các trường hợp bệnh ở mức độ vừa, sau khi người bệnh thực hiện các biện pháp nêu trên mà không đỡ, người bệnh có thể phải sử dụng một số loại thuốc điều trị sau:

- Dùng miếng dán Salonpas để làm giảm cơn đau vì trong miếng dán có chứa chất chống viêm non-steriod dưới dạng thấm qua da là Methyl Salicylat. 

- Dùng thuốc giảm đau, chống viêm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa như: Diclofenac, Ibuprofen, Paracetamol,... Các loại thuốc này vừa có tác dụng giảm đau, vừa có tác dụng chống viêm. 

- Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng thuốc giãn cơ như Decontractyl để chống các cơ bị co thắt quá mức, đồng thời cũng làm giảm cơn đau. 

- Người bệnh cũng có thể sử dụng các vitamin nhóm B như vitamin B1, B6, B12 vì những vitamin này có tác dụng làm tăng dẫn truyền thần kinh, qua đó làm giảm cơn đau. 

- Nếu nguyên nhân gây đau mỏi không phải là do co thắt mạch máu hoặc do thoái hóa thì không nên xoa bóp trong trường hợp này, vì xoa bóp sẽ chỉ làm cho bệnh nặng thêm. 

Lưu ý: thuốc chống viêm dạng uống Corticoid có rất ít tác dụng trong điều trị đau mỏi vai gáy. 

5.3. Trường hợp bệnh ở mức độ nặng

Nếu bệnh ở mức độ nặng, người bệnh cần được điều trị bằng các biện pháp mạnh tay hơn như:

- Sử dụng thuốc ức chế dẫn truyền thần kinh như Novocain, Lidocain,... sẽ tạm thời cắt đứt các cơn kích thích thần kinh mạnh và làm mềm cơ. Tuy nhiên, việc tiêm thuốc cần phải được thực hiện bởi các bác sĩ và phải có đầy đủ thiết bị cấp cứu khi có sự cố xảy ra. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về dùng. 

- Châm cứu: biện pháp này sẽ giúp điều hòa hoạt động của các dây thần kinh. Khi châm cứu, cần phải châm chính xác vào vị trí của các huyệt, khi đó có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa làm giảm co thắt, qua đó làm giảm cơn đau. 

6. Phòng tránh bệnh đau mỏi vai gáy

Duy trì chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Nên vận động nhẹ, nghỉ giải lao khi phải ngồi lâu

- Thường xuyên tập thể dục, thể thao, nên chọn các bài tập phù hợp với mình

- Giữ cố thẳng, không cúi gập cổ quá lâu, ngồi đúng tư thế khi đọc sách, học bài hoặc khi làm việc với máy tính

- Cần ăn đủ và bổ sung một số khoáng chất thiết yếu cho cơ thể như các vitamin nhóm B, C, E, kali, canxi,...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm