“Cẩn tắc vô áy náy!”
Quê ở Ninh Bình, không quá xa Hà Nội, hè này vợ chồng chị Thu Anh (Q.Ba Đình, Hà Nội) tính cho con gái 7 tuổi về quê chơi với ông bà và các bác tầm 10 ngày. Lần đầu cho con về quê lâu vậy nên chị băn khoăn rất nhiều, dù có ông bà nội ở bên nhưng không thể không nghĩ đến những sự cố mà con có thể gặp phải khi ở quê.
Theo chị Thu Anh, về quê thì trẻ con rất thích vì được hưởng không khí dễ thở, trong lành hơn, không gian rộng rãi với đường làng ngõ xóm, tha hồ chạy nhảy. Trẻ con ở quê cũng lắm trò chơi hơn thay vì cứ dúi mắt vào tivi, điện thoại vào những ngày hè. Tình cảm ông bà, họ hàng cũng theo đó được thắt chặt khi không mấy dịp con được gần gũi người thân.
Tuy nhiên, chị Thu Anh vẫn không tránh khỏi những lo lắng. Từ những đồng nghiệp, chị mới thấy không phải cứ “thả” con về quê là có thể hoàn toàn yên tâm. “Có chị bạn bị sốc toàn tập khi gặp lại con chỉ sau một tháng nghỉ hè với ông bà. Con chị ấy xưng hô rất thiếu lễ phép, cứ tao - mày, hỏi cũng không thưa dạ gì, toàn nói trống không. Cảm giác cứ như kiểu bất cần, khiến tôi nghe mà hoang mang!” – chị Thu Anh chia sẻ.
Những quy tắc “nằm lòng”
Từ những kinh nghiệm học được ở bạn bè đồng nghiệp, nữ phụ huynh cho biết trước khi thả con về quê vào tháng 6 tới, chị đã phải lên một kế hoạch tổng thể, gạch đầu dòng những lưu ý để nhắc nhở, dặn dò, rèn luyện con, và cả nhắc nhở ông bà ở quê để tránh những nguy cơ, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Trước hết, muốn cho con về quê, chắc chắn 100% là con phải biết bơi, điều này tránh được nguy cơ con bị đuối nước khi ở quê có rất nhiều ao hồ, kênh rạch. Con theo anh chị, các bạn trong làng đi tắm sông, tắm ao là chuyện mà ông bà không thể quản nổi, vì thế trước hết con phải biết bơi thì mới yên tâm. Tất nhiên, ông bà phải quản lý thời gian đi chơi của con, nếu biết con đi bơi, chắc chắn phải bố trí người lớn đi cùng. Nên dạy con xin phép người thân trước khi tham gia một hoạt động nào đó.
Thứ hai, con cần có kỹ năng phòng vệ, điển hình như phòng chó căn, chống côn trùng đốt. Theo chị Thu Anh, chị đã phải lên mạng để học cách phòng vệ khi đột nhiên bị chó dữ xông vào cắn, rồi sau đó chỉ dẫn cho con, bắt con học thuộc lòng cho mình nghe, hoặc giả làm… chó dữ để thử phản ứng của con. Hãy chuẩn bị cho con một số loại kem chống côn trùng cắn và mang theo khi đi chơi để có thể sử dụng khi sự cố xảy ra.
Một lưu ý nữa là giao thông ở đường làng. Thường ở những vùng quê có rải đường nhựa, không quá nhiều xe cộ qua lại ở thành phố nên nhiều người chủ quan, phóng nhanh vượt ẩu. Khi con về quê, cha mẹ cần căn dặn thường xuyên việc qua đường, đi lại ở đường làng ngõ xóm, tránh va chạm, tai nạn. Tốt nhất là không nên để trẻ đi một mình, cần có giám sát của người lớn hoặc anh chị lớn tuổi khi đi lại.
Cũng theo nữ phụ huynh, để mùa hè của con được hiệu quả, tránh việc thả con một cách thụ động, cha mẹ cần thống nhất trước với người thân của con ở quê về những hoạt động hè của con, gần như là một thời khóa biểu và mọi người cố gắng theo lịch để hoạt động đạt hiệu quả.
“Ví dụ có thể chia chủ đề, tìm hiểu các loại cây, các con vật, đi thăm nhà họ hàng, làm quen với những anh chị em họ hàng mới, ẩm thực đặc sản quê hương, cách làm một số món ăn sản vật địa phương… Nếu con về lâu tầm một tháng, bố mẹ cần lên kế hoạch cho con, tránh lãng phí thời gian và mất kiểm soát hoạt động của con” – chị chia sẻ.
Hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhất
Theo TS tâm lý Nguyễn Kim Quý (cố vấn chuyên môn Văn phòng Tư vấn và Trị liệu Tâm lý trẻ em, Hội khoa học Tâm lý giáo dục), cho trẻ về quê là một trải nghiệm rất thú vị. Việc làm này giúp trẻ gắn bó với quê hương, hướng trẻ trở về với nguồn cội, cho trẻ thấy được những người quanh mình sống như thế nào.
Tuy nhiên, việc để trẻ ở lại quê quá lâu mà không có kế hoạch cụ thể sẽ khiến trẻ dễ nhàm chán, điều này khiến chúng sẽ không thích về quê. Nguyên nhân là do bản tính của trẻ ưa khám phá, chinh phục. Nếu trẻ chán về quê thì đó là dấu hiệu ở quê không còn điều gì mới mẻ cho trẻ tìm hiểu nữa.
TS Quý gợi ý, trước khi để con ở lại bố mẹ cần kể cho chúng nghe về những kỷ niệm, những việc làm của mình thời nhỏ. Từ đó vẽ cho chúng thấy sự thú vị đằng sau những việc làm ấy. Sau đó, cần có sự phối hợp với người thân ở quê vạch ra thời gian biểu cụ thể mỗi ngày cho trẻ.
“Hãy để trẻ bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt như: quét nhà, cho gà ăn vào buổi sáng sớm, ra vườn hái rau buổi trưa, buổi chiều có thể đi thả diều… Khi trẻ dần quen với cuộc sống nơi thôn dã có thể cho trẻ theo người lớn ra đồng, cho đi chăn vịt, chăn trâu cùng với các anh chị hoặc chiều về có thể cho đi tắm sông” – bà nói.
Theo nữ tiến sĩ, hãy vẽ cho trẻ về một miền quê ở đó có không gian sống trong lành với những trò chơi thú vị. Không nên “nhồi nhét” vào đầu trẻ ở quê là bẩn, là lạc hậu, nhàm chán thì ắt hẳn trẻ sẽ hòa mình và cảm nhận được cuộc sống dân quê, khi ấy vốn sống của trẻ sẽ được lấp đầy. Muốn làm được điều này, các bà mẹ hãy làm gương, đừng trốn tránh mà hãy thường xuyên cho con về quê, và lý tưởng nhất là ở bên cạnh con càng nhiều càng tốt trong quãng thời gian ở quê.