Dạy con những tiếng đầu tiên

13/04/2016 - 14:15
Nhiều bậc phụ huynh thường lo lắng về việc không biết dạy con nói như thế nào và làm cách nào để trẻ yêu những cuộc nói chuyện và ngôn ngữ.

Nhiều bậc phụ huynh thường rất lo lắng khi thấy trẻ đến tuổi tập nói nhưng lại không nói một tiếng nào. Thậm chí, để thúc đẩy kỹ năng ngôn ngữ ở trẻ, cha mẹ vẫn rất thường xuyên trò chuyện với trẻ mỗi ngày. Tuy nhiên, cái mà họ nhận lại được chỉ là những tràng cười khoái trí của trẻ. Rõ ràng là trẻ hiểu bạn, thế nhưng trẻ lại không nói. Nhiều bậc cha mẹ khi thấy con đến tuổi nói mà không nói một tiếng nào là liền tìm đến các bác sỹ khoa nhi để nhờ tư vấn. Vậy nhưng, trên thực tế thì việc giúp trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ có vẻ đơn giản, dễ dàng và tự nhiên hơn các bậc phụ huynh vẫn thường nghĩ.

Để thúc đẩy quá trình tập nói ở trẻ trước tiên cha mẹ phải xây dựng được một môi trường tích cực và đừng quên hoan nghênh những thành công bước đầu dù chỉ là rất nhỏ bé của trẻ. Bên cạnh đó, quá trình này đòi hỏi sự kiên trì bởi phải bạn sẽ phải lặp đi lặp lại hàng ngày, thậm chí là hàng giờ. Và quan trọng nhất là quá trình này phải được bao trùm bởi sự vui vẻ.

day-be-tap-noi-1.jpg
 Thực tế, trể bắt đầu phát triển những kỹ năng ngôn ngữ ngay từ trong bụng mẹ.

Bắt đầu trò chuyện từ sớm

Không bao giờ là quá sớm để xây dựng một tình yêu ngôn ngữ cho trẻ. Nghiên cứu của đại học Amsterdam đã chỉ ra rằng hầu hết trẻ em bắt đầu phát triển các kỹ năng ngôn ngữ thô sơ từ khi còn ở trong bụng mẹ. Sau khi ra đời, mặc dù kỹ năng giao tiếp của trẻ không thể nào hoạt động ngay lập tức, tuy nhiên những khớp thần kinh não đã bắt đầu được kích hoạt. Trẻ sẽ phải mất vài tuần để có thể quen với những từ ngữ mà chúng nghe thấy. Và dần dần kỹ năng ngôn ngữ của trẻ sẽ được trau dồi như vậy.

Việc mà cha mẹ cần làm ở đây chính là phải luôn tăng cường tiếp xúc ngôn ngữ với trẻ từ những tháng đầu trẻ mới lọt lòng. Hãy nói chuyện thường xuyên với trẻ. Hãy sáng tạo bằng các cách khác nhau như kể chuyện hay hát. Và hãy kiên nhẫn chờ đợi.

Nói nhiều hơn theo thời gian

Trẻ càng lớn, thì cha mẹ nói với trẻ càng nhiều càng tốt. Sự lặp lại là rất cần thiết, thế nhưng không phải là lặp lại y hệt ngày qua ngày, mà cha mẹ cần phải bổ sung thường xuyên những từ ngữ khác để tăng vốn từ của trẻ. Đồng thời điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ đáng kể.

Điều này không khó như bạn nghĩ. Cách tuyệt vời nhất mà bạn có thể thực hiện đó là tự nói chuyện. Hãy cứ tưởng tượng bạn như một chiếc đài phát thanh thông báo với trẻ tất cả các thông tin về thế giới xung quanh chúng. Có thể ban đầu bạn sẽ thấy điều này thật kỳ lạ và ngớ ngẩn, thế nhưng công việc đơn giản này đã giúp cha mẹ truyền đến não bộ của trẻ hàng ngàn từ một giờ trong vô thức.

day-be-tap-noi-2.jpg
 Trẻ càng lớn, thì cha mẹ càng cần phải nói nhiều hơn với trẻ, không chỉ là về thời gian mà cả về số lượng từ ngữ.

Đối thoại

Nói chuyện và lắng nghe chính là cách đơn giản nhất để phát triển ngôn ngữ ở trẻ. Ngôn ngữ không phải đến một cách tự do mà nó cần phải trải qua một quá trình tiếp xúc lâu dài. Việc trò chuyện với trẻ không chỉ giúp tăng sự tương tác và phản ứng của trẻ với ngôn ngữ, chúng còn có tác dụng thắt chặt tình cảm và tạo thói quen giao tiếp giữa bạn và trẻ.

Không có gì phát triển ngôn ngữ tốt hơn việc giao tiếp trực tiếp, mặt đối mặt vì vậy điều mà các bậc phụ huynh cần phải nhớ ở đây, thứ nhất là bạn phải là người trực tiếp nói chuyện với trẻ. Thứ hai, hãy kiên nhẫn chờ đợi và thúc đẩy những phản ứng từ trẻ. Thứ ba, không nên cho trẻ giao tiếp quá nhiều với tivi, thay vào đó cha mẹ nên dành nhiều thời gian để nói chuyện với trẻ.

Tận dụng thời gian vui chơi

Như đã đề cập đến ở trên thì quá trình phát triển ngôn ngữ ở trẻ không thể thiếu đi sự vui vẻ. Bạn có thể hỗ trợ trẻ bằng cách cùng trẻ nghe và hát theo một bài hát, cùng ngắm một bức hình và đặt vài câu hỏi đơn giản cho trẻ. Trong quá trình này, cha mẹ cần phải để cho con có đủ khoảng thời gian để tự mình suy nghĩ, hãy dùng ánh mắt để truyền đạt tâm tư tình cảm của mình. Trong cách này, sự im lặng đôi khi cũng được đánh giá cao vì mục tiêu chính của phương cách này là tìm kiếm sự phản ứng ngôn ngữ từ trẻ.

day-be-tap-noi.jpg
 Mỗi đứa trẻ đều có một lộ trình phát triển riêng, thế nhưng việc nắm bắt những giai đoạn phát triển quan trọng vẫn là rất cần thiết để cha mẹ lên kế hoạch thúc đẩy sự phát triển của trẻ.

Nắm bắt những giai đoạn phát triển ngôn ngữ ở trẻ

Mặc dù mỗi đứa trẻ lại có sự phát triển khác nhau, tuy nhiên cha mẹ hoàn toàn có thể đoán trước được quá trình phát triển kỹ năng ngôn ngữ của bé. Dưới đây là đặc điểm của từng giai đoạn phát triển mà cha mẹ nên nắm rõ:

Từ 0 đến 4 tháng: chủ yếu vẫn là những lời thủ thỉ hay những tiếng rít. Trong giai đoạn này, trẻ tập bắt chước một tiếng động nhất định và đặc biệt quan tâm đến giọng nói của bạn.

Từ 4 đến 7 tháng: trẻ đã có thể bập bẹ một số chữ cái cơ bản như A, B, D và M.

Từ 7 đến 12 tháng: âm thanh mà trẻ phát ra dần dần được đa dạng hóa hơn. Và những lời nói đầu tiên thường xuất hiện khi bé được 1 tuổi.

Từ 12 đến 18 tháng: vốn từ vựng của bé sẽ phát triển theo cấp số nhân và trở nên dần phức tạp hơn.

Từ 18 đến 30 tháng: trẻ bắt đầu có thể nối từ thành những cụm từ ngắn hoặc những câu nói đơn giản.

Trong trường hợp, bé được 18 tháng nhưng lại chưa nói được tối thiểu là 15 từ, bạn nên liên hệ với bác sỹ khoa nhi để được tư vấn. Phát hiện vấn đề càng sớm, con bạn sẽ càng có cơ hội tốt hơn để phát triển ngôn ngữ. Tuy nhiên trên thực tế thì mỗi đứa trẻ đều có một lộ trình phát triển rất riêng vì vậy các bậc phụ huynh cũng không nên quá sốt sắng trong việc dạy bé tập nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm