Cuốn sách ‘Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu’ với hơn 700 trang khi ra mắt đã tạo được rất nhiều sự quan tâm và kỳ vọng của các bậc cha mẹ về một cuốn cẩm nang đưa con tới Havard.
Giáo dục con là chặng đường ‘dài hơi’
Hình như độc giả quá kỳ vọng về “cách thức đưa con đến với Havard” trong cuốn sách “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu”?
Tôi không kỳ vọng con sẽ thành đạt để sau nuôi mình, cũng không kỳ vọng con phải vào Havard. Hồi lớp 8-9, Minh Khuê mơ ước sẽ thành một thợ bánh giỏi, và tôi cũng gửi con gái vào một xưởng bánh của một anh bạn, giúp con khởi đầu hiện thực một ước mơ. Nếu bất cứ cha mẹ nào cũng suy nghĩ giản dị thôi, đừng kỳ vọng gì cả, thì cuốn sách này rất có ích.
Cuốn sách của tôi không dùng Havard để tham chiếu. Khi Minh Khuê chọn Havard và Havard chọn bạn ấy, tôi cũng nghĩ đó là tùy duyên. Tất nhiên là tôi vô cùng vui mừng vì Minh Khuê được vào Harvard, vì con gái toại nguyện ước mơ của bạn ấy, nhưng nếu con muốn trở thành một người thợ làm bánh giỏi tôi cũng hạnh phúc cơ mà! Viết cuốn sách, tôi và Minh Khuê không bao giờ nhấn mạnh hình ảnh trường đại học Havard. Đấy cũng là lý do vì sao không có hình ảnh của tôi và Minh Khuê trên trang bìa, ngoài cái tên tác giả. Vì nếu vậy thì đó là câu chuyện của riêng tôi, chứ không phải câu chuyện mà ở trong đó người mẹ Việt nào cũng thấy hình bóng bản thân mình.
Với tôi, nuôi con là sự nghiệp quan trọng và thiêng liêng của đời mình, nhưng là sự nghiệp dễ nhất vì đó là sự nghiệp thuận với tự nhiên, thuận với quy luật, là sự nghiệp mình khao khát từ trong dòng máu nuôi sống đời mình, là sự nghiệp mình chủ động dấn thân. Giáo dục con là một “dự án dài hơi” nên bạn cứ bình tĩnh và đừng quá kỳ vọng, hãy cứ dấn thân rồi một ngày thành quả sẽ đến.
Một vài người mẹ lo lắng rằng Havard là một môi trường đầy áp lực, chị có chia sẻ với họ?
Nhiều khi tôi cảm thấy “ghen tị” với Havard vì họ chăm sóc con mình quá chu đáo, hơn cả mình. Minh Khuê kể rằng, mùa ôn thi, sinh viên Havard phải học rất nhiều. Có những đêm, Minh Khuê cũng như các bạn, học xuyên đêm tại thư viện, phải ôm theo chăn mỏng và bàn chải đánh răng để lúc mệt quá thì lăn ra sàn thư viện tranh thủ ngủ, rồi sáng mai từ thư viện các bạn ấy lên giảng đường luôn. Có những hôm, học tới 4h sáng, quá mệt, Khuê gọi điện cho nhà trường bảo muốn về phòng để ngủ, trường lập tức đưa ô tô đến đón bạn ấy về tận nhà. Bài vở có thắc mắc gì, Minh Khuê e-mail cho thầy giáo lúc 3h30’ sáng, thì 30 phút sau giáo sư đã gửi e-mail trả lời ngay, chu đáo, tận tụy. Như vậy, không chỉ sinh viên làm việc hết mình, mà những người thầy, giáo sư cũng làm việc đầy trách nhiệm và yêu thương chân thành.
Mỗi sinh viên đều có một nhà bảo trợ, một người bạn khóa trên, một tư vấn tâm lý, một tư vấn học thuật, một tư vấn tài chính... tất cả những nhà bảo trợ và tư vấn này đều là cựu sinh viên Harvard đang làm việc tại Cambrigh và Boston, họ làm công việc tư vấn ấy một cách thiện nguyện do sự bố trí của nhà trường. Bất kể khi nào bạn sinh viên cần gặp, lập tức họ sẽ bố trí hẹn gặp để trò chuyện, chia sẻ, hoặc tư vấn… Phòng lab, thư viện, nhà ăn mở cửa 24/24 để tạo mọi thuận lợi nhất cho sinh viên. Sự ân cần, chu đáo ấy là nhằm giúp sinh viên luôn có đầy đủ sức khỏe tâm lý - thể lý để tự khám phá bản thân ở những môn học mà sinh viên được quyền tự chọn. Quan trọng hơn, đó là sinh viên gắn bó với trường như gắn bó với ngôi nhà của họ, khiến họ có cơ hội hoan hỷ hưởng thụ những tháng ngày sinh viên tươi đẹp nhất của cuộc đời. Khuê cũng có những người bạn rất tuyệt vời ở nơi bạn ấy đang theo học, bất kể họ có xuất thân giản dị như Khuê hay từ những gia đình tỷ phú, triệu phú… họ đều rất khiêm nhường, từ ái và cởi mở… đón nhận tình bạn trong sự khác biệt và tràn đầy yêu thương trí tuệ. Tôi rất an lòng khi Minh Khuê nói rằng, bạn ấy thấy mình rất “khớp” với ngôi trường đại học mà bạn ấy đã chọn và được chọn.
"Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu"- cuốn sách 700 trang gồm nhiều phần, nhà văn Hải Âu chia sẻ những trải nghiệm bản thân và động viên tinh thần cha mẹ Việt hãy cùng vững tin trên chặng đường giáo dục con vất vả nhưng nhiều quả ngọt.
Dường như quan điểm nuôi dạy con của chị mang màu sắc “thuận tự nhiên”. Chị có tin tưởng hoàn toàn vào điều này?
Chúng ta đến từ tự nhiên và trở về tự nhiên, phần tự nhiên của chúng ta khoảng 80%. Nhưng con người hiện nay đang làm ngược lại, tự chặn mình khỏi thiên nhiên. Tất cả đều quá sạch sẽ, trong nhà toàn đồ vật thay cho con vật, cây cối. Chúng ta nghĩ nếu có con vật chung sống, chúng ta phải chia sẻ không gian với chúng, chúng quá bẩn, phiền nhiễu và cảm giác không văn minh. Nhưng điều đó thật sự đáng tiếc và lãng phí. Vì nếu con người tách rời khỏi thiên nhiên, muông thú, con người sẽ không thể hiểu mình chỉ là hữu hạn thôi. Mẹ Thiên nhiên dạy cho chúng ta sự khiêm nhường, cầu thị, dạy cho chúng ta sự kiên nhẫn và biết chờ đợi. Và, hơn tất cả Mẹ Thiên nhiên dạy cho chúng ta sự nhạy cảm và lòng từ ái đích thực, không màu mè.
Rất nhiều bố mẹ bỏ ra hàng chục triệu để mua cho con những thứ đồ đắt tiền, cho con những gói du lịch khách sạn 5 sao xa xỉ, nhưng nếu để nuôi con mèo, con chó trong nhà thì họ sợ hãi. Tâm hồn cần được trở về gần gũi với thiên nhiên, biết chia sớt cuộc sống với muôn sinh… Đồng thời, một cuộc sống gần gũi thiên nhiên sẽ giúp hệ miễn dịch được lành mạnh. Hệ kháng thể của chúng ta nếu không được tập dượt thường xuyên, miễn dịch sẽ trở nên yếu đuối.
Cứ dấn thân mà sống
Cuốn sách cho thấy sự khiêm nhường trong mọi chọn lựa, đó có phải “tiêu chí” đầu tiên của một người mẹ?
Hãy dạy trẻ khiêm nhường như là cây- là một sinh vật sống chan hòa giữa thiên nhiên. Sự lành mạnh đó khiến xã hội lành mạnh hơn. Bản thân tôi, từ đáy lòng rất ngưỡng mộ tất cả những người mẹ xung quanh mình. Tôi rất nỗ lực quan sát xung quanh, học hỏi từ những bạn trẻ chăn trâu, rồi học hỏi từ người nông dân cách họ nuôi con bằng lá cây, bằng thuốc dân gian giản dị, tôi có thể học hỏi ở những người lớn tuổi. Hay cả trong những sự thất bại của người khác cũng cho tôi những bài học. Chỉ cần mình chịu khó lắng nghe sẽ học hỏi được rất nhiều.
Sống để đón nhận sự khác biệt nhau- đây cũng là điều mà trường Havard dạy cho Minh Khuê. Đón nhận sự khác biệt là biểu hiện của sự khiêm nhường.
Làm mẹ, trên tất cả là quá trình được học hỏi từ con và trưởng thành cùng con?
Cuốn sách nói nhiều về hành trình trưởng thành của một người làm mẹ. Đứa con với sự non nớt, tình yêu, mong muốn được mẹ ôm ấp, che chở lại trở thành một người thầy vô cùng lớn, vô cùng nghiêm khắc. Đứa con với tất cả những đòi hỏi ngô nghê, ngốc nghếch của nó lại trở thành một người thầy vô cùng vĩ đại mà một người mẹ buộc lòng phải lắng nghe, buộc lòng phải thấu hiểu để trưởng thành dần lên trong quá trình làm mẹ.
Hạnh phúc đôi khi rất giản dị, là cảm giác bạn vượt lên chính bản thân mình. Ví dụ, 4 giờ sáng phải dậy viết bài vì hôm nay mình rất cần bài lên trang, kỳ vọng ở khoản tiền đó để mua sữa, mua thuốc cho con. Nhưng mình mệt lắm rồi. Và, cũng chỉ vì nghĩ đến con, rằng con mình đang rất cần những điều đó, nếu không làm thì ai giúp mình? Chỉ nghĩ vậy, và mình đã dậy làm việc rất hiệu quả. Có những khi đi ra đường, làm việc, cũng có khi bị người ta chửi mắng. Mình rất đau khổ, buồn tủi nhưng khi về đến nhà chỉ cần con chạy ra “con chào mẹ ạ”, “con nhớ mẹ lắm” là quên hết những buồn tủi. Những yêu thương bé bỏng của con thơ giúp mình nạp thêm năng lượng tích cực để sống nhiệt huyết hơn.
Để trải nghiệm thì không có con đường nào đẹp hơn con đường làm mẹ. Bạn không cần phải đi tu đâu cả, không cần vào chùa, không cần tụng nhiều kinh. Bạn chỉ cần là một người mẹ yêu con vô điều kiện và luôn hiểu rằng bạn có thể không quan trọng với bất cứ ai, nhưng với đứa con bé nhỏ thì bạn vô cùng quan trọng. Như vậy, tự nhiên mình có sức mạnh để “chiến đấu”.
Và không chỉ là quá trình phải học về kiến thức nuôi dạy con, mà còn phải học cả sự nhẫn nại?
Khi con còn bé, mình rất cần hiểu biết, rất cần nhẫn nại nhưng chưa cần nhẫn nhịn. Khi con lớn, con có hiểu biết, có cái Tôi nhưng vẫn còn nhiều non nớt thì người mẹ vừa nỗ lực, vừa phải rất nhẫn nhịn. Nếu không nhẫn nhịn thì mình mất đi cơ hội được con chìa tay cho mình dắt. Nhiều khi có những lúc bật khóc, nhưng nhẫn nhịn thì con sẽ hiểu và cho bạn đi cùng. Lúc này là “con cho bạn đi cùng” chứ không phải bạn được dắt tay con nữa. Khi con đồng ý cho mình “đi cùng” thì mình mới có cơ hội để nói với con về những trải nghiệm xương máu, những hiểu biết của mình để con đỡ vấp váp. Bằng tình yêu rất lớn của mình thì việc mình đi cùng con trong tuổi lớn trở nên nhẹ nhàng hơn. Điều này không dễ một tí nào, nhưng mà hạnh phúc. Nhiều người hỏi: Vì sao mình làm điều đó? Nó chỉ thôi thúc vì mình rất yêu thương con. Giống như con mèo Zorba dạy cho con chim hải âu bay, mặc dù bay không phải là kỹ năng của mèo, bầu trời không phải là mơ ước của mèo. Nhưng vì mèo biết rằng hải âu cần phải bay, cần có bầu trời thì mèo sẵn sàng dạy. (Chuyện con mèo dạy hải âu bay – tác phẩm của nhà văn Chi Lê nổi tiếng Luis SéPulveda.
Nhà văn Hải Âu chia sẻ câu chuyện con mèo dạy hải âu bay, với thông điệp, bằng tình yêu rất lớn của người làm cha mẹ, cha mẹ sẽ giúp con thành công, như cách chị yêu thương và đồng hành cùng con gái Lã Hồ Minh Khuê
Những ngày đầu nuôi con khó khăn về kinh tế, lại phải “vùng vẫy” trong một xã hội nhiều định kiến về “đơn thân”, chị đã cảm thấy như thế nào?
Tôi là một người sống dấn thân. Tôi nói với con rằng một xã hội dù có như thế nào thì con đường hóa giải từ trái tim đến trái tim là dễ dàng nhất. Cho nên đôi khi có những hiểu nhầm, hay có những người khiến mình rất bức bối, tôi vẫn sẽ kiên nhẫn trò chuyện và giải thích.
Khi người ta chưa hiểu mình, người ta khó chịu với mình là đương nhiên. Không phải vì thế mà mình chặn con đường thấu cảm với nhau, mình hãy nỗ lực để họ hiểu. Rồi đến lúc, tôi đã nhận được sự quý mến của nhiều người hơn là tôi tưởng.
Chị ứng phó với tâm tư tuổi mới lớn của con ra sao?
Có một câu hát tôi rất “thấm” của Trịnh Công Sơn: “Con thôi thơ ấu, mẹ rời chiêm bao”. Mẹ phải “rời cơn mơ” ngay, vì con đã trưởng thành được quyền sống trải nghiệm với mong muốn của con. Và người mẹ phải tôn trọng điều này. Nếu không làm được điều đó, thì mẹ đâu phải yêu con mà chỉ yêu chính những “cơn mơ” những giấc chiêm bao của mình. Người mẹ muốn yêu con phải biết vượt qua chính mình và chính “cơn đau” của mình. Giống như con mèo dạy hải âu bay đi. Hải âu sẽ đến với bầu trời chứ không còn gần mèo nữa. Bằng một tình yêu đủ lớn, dứt khoát phải bằng mọi giá huấn luyện để hải âu bay đi một cách mạnh mẽ nhất.
Nhìn vào tự nhiên, tôi quan sát những loài chim cần mẫn trong 3 tháng để làm tổ một cách tinh tế, bằng dãi, bằng rơm với tất cả sinh lực của mình. Nó đẻ 3 quả trứng rồi thay nhau ấp, thay nhau kiếm thức ăn về cho con, thay nhau dạy con bay. Khi con đã bay đi thì chim bố mẹ lập tức phá tổ. Nghĩa là không kỳ vọng gì cả. Tôi luôn nhớ đến câu chuyện loài chim để tự nhắc mình trên hành trình làm mẹ.
Nhiều người nói hãy nghĩ đến bản thân mình đi, sau này con lớn cũng không chăm lại mình. Tôi nghĩ khác, chúng ta đang sống, chặng này là chặng làm mẹ mà không làm hết mình thì sao có thể nói rằng “mình đã làm mẹ một cách trọn vẹn”? Tôi sẽ nói: Tôi thấy vui vẻ vì đã rất cố gắng. Và trước khi bay đi vào bầu trời của nó, con gái ôm tôi rất chặt!
"Cuốn sách của tôi thực ra chỉ là một câu chuyện truyền cảm hứng sống sao cho thật sâu sắc từng giây phút làm cha, làm mẹ. Tôi không phán xét vì mỗi người có hoàn cảnh, bước đi riêng,… Từ ái là không những chỉ yêu con theo nghĩa thông thường, mà rộng hơn, sâu hơn, thiêng liêng hơn đó là một tình yêu lớn không nhận lại nữa, sẵn sàng chia sớt đến chung quanh. Đó là một tình yêu nhiều trí huệ"- chị Hải Âu tâm sự.
Bản thân chị sống ở một thời đại ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng truyền thống, vậy chị sẽ dạy con gái về tình yêu ra sao?
Tôi luôn cố gắng thấu hiểu nhiều hơn quy luật tự nhiên, và coi quy luật đó như một xương sống cho một triết lý dạy con sáng suốt. Bất kể tình huống nào xảy ra, tôi đều hiểu: không thể né tránh, trước mọi vấn đề đều nhìn thẳng và đi xuyên qua nó, cả vấn đề tình yêu và giới tính cũng vậy. Tôi lý giải để con gái thấu suốt những cảm xúc đầu đời thực sự là thế nào. Nên hiện tại bạn ấy là một người sống vừa cởi mở, vừa thân thiện nhưng vững vàng trước những cảm xúc tức thời.
Trân trọng cảm ơn nhà văn Hồ Thị Hải Âu!