Bé Đỗ Nguyên Sang (con tác giả, ở giữa, trường Phổ thông Quốc tế Newton) sử dụng tiếng Anh như người bản xứ - Ảnh: NVCC |
Trước tiên, cần thừa nhận rằng, trẻ em Việt Nam rất thông minh, ham học. Xã hội nói chung và mỗi gia đình nói riêng đã đầu tư rất lớn về tài chính cho việc học tiếng Anh của trẻ nhưng hiệu quả không như mong đợi. Rất nhiều nhà tuyển dụng trong và ngoài nước phàn nàn về trình độ ngoại ngữ của ứng viên Việt Nam. Nhiều bạn trẻ tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Anh tâm sự với tôi rằng, tiếng Anh của họ không dùng được khi tiếp xúc với đồng nghiệp nước ngoài. Phải chăng định hướng và phương pháp tiếp cận của chúng ta trong việc học tiếng Anh cần thay đổi?
Từ những trăn trở và suy ngẫm, tôi đã áp dụng cho các con hoàn thiện tư duy ngôn ngữ với phương pháp và triết lý rất đơn giản: "Trẻ không học tiếng Anh như ngôn ngữ giao tiếp thông thường mà dùng tiếng Anh như công cụ để tiếp cận với tri thức mới thông qua các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Trẻ phải đọc những gì trẻ em bản xứ đọc, trẻ nên học những tài liệu trẻ em bản xứ học". Chúng ta hãy thống nhất rằng với sự khác biệt về văn hóa và lịch sử, tài liệu và nội dung tôi đề cập ở trên chỉ giới hạn trong phạm vi khoa học thường thức.
Trẻ phải đọc những gì trẻ em bản xứ đọc. Ảnh minh họa internet. |
Nói về tài liệu học tiểu học có 4 môn chính là Language arts, science, maths, social studies. Giáo trình, tài liệu luôn có sự điều chỉnh để phù hợp với trẻ. Không có giáo trình nào là chìa khóa toàn năng cho tất cả các con. Không phải tất cả các bé khi đọc hết giáo trình ấy sẽ trở thành "siêu nhân". Vấn đề tâm lý và nhân sinh quan của bố mẹ trong việc học tiếng Anh của con rất quan trọng, góp phần giúp các con học tiến bộ.
Trẻ cần thuần thục 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Ảnh minh họa internet |
Chỉ sau 2 năm học theo phương pháp học tập này, các con hầu như không còn rào cản ngôn ngữ khi sử dụng vốn tiếng Anh thuần thục của mình để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống. Các con nói và sử dụng tiếng Anh để học tập, viết luận... như học sinh Mỹ.
Tiêu chí để đánh giá khả năng sử dụng ngoại ngữ chính là sự thuần thục trong 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Trẻ cần học nghe trước khi học nói, học đọc trước khi học viết và một điều rất thú vị khi viết tốt trẻ sẽ luôn biết cách giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất.