Dạy đa ngoại ngữ: Chủ trương mà không có đầu tư

05/08/2015 - 15:56
Môn tiếng Pháp đã được triển khai dạy trong nhà trường cách đây 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa có một bộ sách giáo khoa chính thức.

Giảng dạy đa ngoại ngữ giúp đa dạng nguồn nhân lực của xã hội trong tương lai. Tuy nhiên, do còn thiếu đủ bề, từ giáo viên, giáo trình, cơ chế... nên hiện nay, chủ trương này vẫn chưa phát huy hiệu quả.

Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) đã có 20 năm dạy tiếng Đức như ngoại ngữ thứ 2 trong nhà trường. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình, trước đây, tiếng Đức được dạy với thời lượng 2 tiết/tuần, sau tăng dần lên 4 tiết và hiện nay là 6 tiết/tuần.

Đây là thời lượng cần thiết để khi tốt nghiệp THPT, các em có thể đạt chuẩn B1 theo chuẩn ngoại ngữ châu Âu (Ủy ban đánh giá giáo dục phổ thông Đức ở nước ngoài sẽ tổ chức đánh giá, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận).

Ngoài giáo viên người Việt, các em còn được học cùng giáo viên Đức với những phương pháp giảng dạy rất hiện đại như: học trong phòng, học ngoài trời, học qua xem phim, đóng kịch, qua các hoạt động ngoại khóa...

Theo ông Nguyễn Quốc Bình, nhu cầu học đa dạng ngoại ngữ trong HS là có thật. Đơn cử như với tiếng Đức, dù là học ngoài giờ nhưng HS vẫn hăng hái vì các em có mục tiêu rất rõ ràng là học để có cơ hội du học Đức trong tương lai.

Ông Bình cho biết, hiện nay, giáo trình để học tiếng Nhật, Đức do Bộ GD&ĐT biên soạn rất hạn chế. Đa phần trường phải dựa vào nguồn cung cấp của nước bạn.

Nhu cầu học đa dạng ngoại ngữ trong học sinh là có thật - Ảnh: Hội đồng Anh

Mặc dù trong đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, các ngoại ngữ đều "bình đẳng với tiếng Anh" nhưng sự quan tâm thực sự của Bộ và các cơ sơ giáo dục khác với những ngoại ngữ này còn chưa đúng mức. Trừ tiếng Anh đã có biên chế cho giáo viên thì dạy ngoại ngữ khác như Đức, Nhật, Trung, Pháp đang gặp khó khăn về đội ngũ giảng dạy.

Cách đây hơn 10 năm, Bộ GD&ĐT bắt đầu triển khai dự án giảng dạy thí điểm tiếng Pháp trong nhà trường.

Với cấp THCS, tiếng Pháp là 1 trong 3 môn tự chọn cùng với tin học và học nghề. Với cấp THPT, chương trình được mở dành cho những HS từng theo học tiếng Pháp là ngoại ngữ 2 ở cấp THCS. Những HS nào không có nguyện vọng học tiếp có thể dừng lại. Chủ trương của ngành là giảng dạy hoàn toàn theo tinh thần tự nguyện của HS. Năm học 2012-2013, trên toàn quốc, có trên 80.000 học sinh theo học chương trình tiếng Pháp (kể cả tiểu học).

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Hoài Chương, tuy tiếng Pháp đã được đưa vào trường nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa có một bộ sách giáo khoa chính thức. Đó là chưa kể chương trình dạy ngoại ngữ thiếu tính liên thông, tổng thể từ các bậc học thấp đến cao vì thế, HS học hoài học mãi vẫn như "leo cột mỡ".

Theo bà Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Phó ban thường trực Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, hiện có tới 98% tổng số học sinh học tiếng Anh. Chỉ có 2% còn lại là dành cho các ngoại ngữ khác như tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Đức, tiếng Nga...

Theo ông Nguyễn Hoàng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, việc giảng dạy đa ngôn ngữ cần có tính bền vững chứ không thể theo phong trào. Chẳng hạn, tiếng Nga, nhiều năm trước từng được giảng dạy và theo học rất đông nhưng sau thì lụi dần và bây giờ các trường chủ yếu tập trung vào dạy tiếng Anh.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Bình cũng lo ngại, nhiều giáo viên dạy ngoại ngữ, khi "gặp thời" thì lên ngôi nhưng khi ngoại ngữ này thất thế lại rơi vào cảnh mất việc vì không được ở trong biên chế.

Nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại vì tiếng Anh, tuy đang ở thế "thượng phong" trong nhà trường mà số giáo viên đạt chuẩn chỉ chiếm dưới 30% thì không biết những ngoại ngữ khác sẽ thế nào?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm