pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đẩy mạnh "truyền thông" và "hỗ trợ" phụ nữ để thúc đẩy bình đẳng giới
Dự án 8 đã được Hội LHPN huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, triển khai tại 70 thôn thuộc 11 xã khu vực 3
Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" là 1 trong 10 dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân thiểu số và miền núi. Trên địa bàn huyện Yên Lập, Dự án 8 đã được triển khai tích cực và rộng khắp.
Trong nhiều biện pháp, phần việc, cũng như hành động nhằm thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN huyện Yên Lập xác định "truyền thông" và "hỗ trợ" là 2 vấn đề cần tích cực đẩy mạnh.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh - Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Lập - cho biết, Hội đã chỉ đạo thành lập, ra mắt 47 Tổ Truyền thông cộng đồng, tổ chức 11 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho trên 350 thành viên Tổ và trang bị thiết bị truyền thông. Tổ chức 11 cuộc truyền thông thay đổi khuôn mẫu giới trong việc nhà để từng vận động phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
Cùng với đó, Hội thành lập mới 5 địa chỉ tin cậy, ra mắt 1 Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi", tổ chức truyền thông kỹ năng phòng vệ bản thân cho trên 400 học sinh; tổ chức 4 lớp tập huấn lồng ghép giới cho trên 200 cán bộ trong hệ thống chính trị, người có uy tín trong cộng đồng.
Chị Hà Thị Phẩm, Tổ trưởng Tổ Truyền thông cộng đồng xã Trung Sơn, cho biết, để lựa chọn các hình thức tuyên truyền về nội dung của dự án đến hội viên, giúp nâng cao nhận thức của người dân về các nội dung đề án, Tổ đã có nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau như phối hợp tuyên truyền tại các cuộc họp khu dân cư, đến tuyên truyền tại hộ gia đình,…
Qua các câu chuyện thực tế, bà con nhân dân đã hiểu được về bình đẳng giới, tác hại của định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; Hiểu các nội dung như vợ chồng cùng nhau đồng lòng đóng góp tài chính, chăm sóc con cái, phụng dưỡng bố mẹ già; trẻ em trai hay trẻ em gái đều có quyền được yêu thương chăm sóc như nhau về thể chất, trí tuệ và tinh thần.
Để đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các xã tổ chức 11 cuộc đối thoại chính sách với chủ đề phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế xã - hội. Các cuộc đối thoại đã thu hút trên 700 cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia đối thoại với 61 lượt ý kiến phát biểu về các vấn đề kinh tế - xã hội, bình đẳng giới, việc làm cho phụ nữ, công tác cán bộ nữ tại địa phương.
Bà Hà Thị Thu Trang - Chủ tịch Hội LHPN xã Trung Sơn - chia sẻ thêm, sau gần 1 năm triển khai thực hiện Dự án 8 tại xã đã bước đầu làm thay đổi nhận thức, định kiến lạc hậu đối với phụ nữ, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, nhất là tại các xã đặc biệt khó khăn; các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị bạo lực gia đình...
Cụ thể hơn, Hội LHPN xã tích cực triển khai nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để hỗ trợ chị em phụ nữ vay vốn. Cử hội viên đi dự các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho vật nuôi, cây trồng. Nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn xã đã mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế gia đình, vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của xã Trung Sơn.
Là hội viên phụ nữ xã Trung Sơn, chị Phùng Thị Tâm chia sẻ: "Kinh tế vững chắc là nền tảng của bình đẳng giới, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, do đó các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn huyện Yên Lập đã luôn chú trọng việc hỗ trợ phụ nữ chúng tôi phát triển kinh tế bằng các việc làm cụ thể như: hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Trong gia đình, các cặp vợ chồng đã biết giúp đỡ lẫn nhau làm việc nhà, từ đó chị em phụ nữ có thời gian tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ thể thao của khu dân cư, cùng nhau xây dựng đời sống mới".
Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Lập Nguyễn Thị Vân Anh, đây là lần đầu tiên, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có riêng một dự án thành phần về thúc đẩy bình đẳng giới.
"Không giống dự án khác thấy ngay kết quả, mục đích Dự án 8 hướng tới là thay đổi thái độ, hành vi, nhận thức, mà tâm lý con người luôn thay đổi. Vì vậy, việc tuyên truyền, triển khai không phải là điều dễ dàng", bà Nguyễn Thị Vân Anh nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục phát huy tinh thần, trách nhiệm, tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện triển khai theo kế hoạch; chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn và Uỷ ban nhân dân các xã tổ chức thực hiện các hoạt động, chỉ tiêu cụ thể theo hướng dẫn của trung ương, của tỉnh.
Đồng thời, chỉ đạo Hội LHPN các xã triển khai các hoạt động của Dự án 8 khoa học, hiệu quả, gắn với thực hiện nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp để góp phần quan trọng trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn.