pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phú Thọ: Nhiều cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện phong trào "chống rác thải nhựa"
Làm sạch đường làng, ngõ xóm là một trong nhiều hoạt động bảo vệ môi trường của phụ nữ tỉnh Phú Thọ.
Bà Vũ Thị Thu Huyền - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Thọ - chia sẻ kinh nghiệm về công tác này.
- Được biết, các cấp hội phụ nữ tỉnh Phú Thọ đã có nhiều hoạt động bảo vệ môi trường rất hiệu quả. Xin bà chia sẻ về các hoạt động này?
Hội đã triển khai đồng loạt nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường, nổi bật như: Phát động phong trào "Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường", phong trào "Chống rác thải nhựa", phong trào "Ngày chủ nhật xanh"...
Nhiều năm nay, vào sáng sớm chủ nhật hàng tuần, trên khắp các tuyến đường từ thành thị đến các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân tham gia vệ sinh môi trường.
Trong giai đoạn 2018-2023, các cấp hội đã phối hợp tổ chức trên 1.300 buổi truyền thông, gần 1.000 lớp tập huấn, hội thảo về bảo vệ môi trường; phòng chống rác thải nhựa, thu hút trên 240.000 lượt hội viên, phụ nữ tham gia; vận động phụ nữ và nhân dân thu gom trên 67.000 tấn rác thải, khơi thông trên 156.000 km cống rãnh; vệ sinh trên 41.000 công trình, giếng nước, hố nước gây ô nhiễm; trồng mới trên 10.000 ha cây xanh.
- Về các mô hình phòng, chống rác thải nhựa bảo vệ môi trường, hội có những mô hình gì nổi bật? Xin bà điểm lại một số cấp hội làm tốt các mô hình này?
Các cấp Hội đã tích cực vận động hội viên, phụ nữ phát huy nội lực bằng các việc làm thiết thực, tham gia thu gom, phân loại các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi nylon đã qua sử dụng để gây quỹ.
Điển hình như Hội LHPN thành phố Việt Trì, mô hình phân loại rác thải gắn với thực hiện tiết kiệm phế liệu, chuyển rác thành tiền gây quỹ tại 20 cơ sở Hội đạt 390 triệu đồng, đã tặng trên 20 nghìn chiếc làn, trên 1.012 chiếc thùng rác, trị giá trên 500 triệu đồng.
Hội LHPN huyện Tân Sơn vận động chị em quyên góp tương trợ trên 2,3 tỷ đồng với 2.353 chiếc chạn bát hợp vệ sinh. Hội LHPN huyện Thanh Thủy với mô hình "Thùng rác thải nhựa gây quỹ từ thiện" tại Khu 22, xã Hoàng Xá bán phế liệu được 20 triệu đồng, các thành viên ủng hộ 10 triệu, tặng 1 sổ tiết kiệm 30 triệu đồng cho trẻ mồ côi trên địa bàn xã;...
Có 10/13 huyện, thành, thị tặng trên 1.000 chai đựng nước bằng thủy tinh cho hội viên, phụ nữ để hạn chế sử dụng chai nhựa, cốc nhựa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, mô hình ngôi nhà xanh, ngôi nhà 100 đồng; biến rác thành tiền; tiết kiệm rác thải nhựa giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, được nhân rộng tại 100% cơ sở hội, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia và mang lại hiệu quả tích cực.
Thông qua các mô hình, thu gom được trên 90.000kg rác thải nhựa, bán được số tiền gần 200 triệu đồng, tạo nguồn quỹ ủng hộ Chương trình "Triệu phần quà san sẻ yêu thương", Mẹ đỡ đầu" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động và tặng quà cho phụ nữ, trẻ em khuyết tật, mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn nhân các dịp Lễ, tết trên địa bàn tỉnh, vừa góp phần bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, vừa thực hiện tốt công tác an sinh xã hội của tỉnh.
- Các cấp Hội đã thực hiện những mô hình nào làm sạch môi trường gắn với chống rác thải nhựa, thưa bà?
Toàn tỉnh hiện có 225/225 cơ sở hội xây dựng mô hình tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả như: HTX Thu gom xử lý rác thải Ngọc Lập; HTX nông nghiệp và môi trường Xuân Viên; "Thùng rác tự quản", "Lò xử lý rác thải", "Hố rác nội đồng", "Thu gom, xử lý rác thải hộ gia đình", "Chạn bát hợp vệ sinh"...
Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo xây dựng mới 6 mô hình: "Thùng rác thải nhựa gây quỹ từ thiện" ở huyện Yên Lập, Thanh Thủy; mô hình "Ngôi nhà xanh gây quỹ từ rác thải tái chế" ở huyện Thanh Ba, Cẩm Khê; "Xử lý rác thải thành phân Hữu cơ" ở huyện Cẩm Khê; "Lò xử lý rác thải mini tại hộ gia đình" ở huyện Tân Sơn; "Sáng từ ngõ, đẹp từ nhà" tại xã Chí Đám huyện Đoan Hùng và mô hình "Ruộng lúa bờ hoa" tại xã Trung Giáp, xã Trị Quận huyện Phù Ninh.
- Bà đánh giá thế nào về kết quả trên và tác động của các hành động, mô hình tới cộng đồng?
Thời gian qua, các cấp Hội đã chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt chương trình phối hợp trong thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa" với nhiều hoạt động truyền thông, tập huấn và bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, nhiều mô hình sáng tạo, có hiệu quả. Hoạt động của các cấp hội nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp, hỗ trợ của các ngành, góp phần nâng cao vai trò của các cấp hội trong tham gia bảo vệ môi trường và thực hiện tốt phong trào "Chống rác thải nhựa".
Nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ về trách nhiệm, quyền lợi trong sử dụng túi nylon và các sản phẩm nhựa dùng một lần đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo sự lan tỏa lớn trong cộng đồng chung tay chống rác thải nhựa.
- Xin cảm ơn bà!