Dạy nghề cho người khuyết tật: Có ‘vàng’ mà không tìm được người nhận

15/06/2019 - 08:23
Hàng năm, có nhiều khóa dạy nghề miễn phí, thậm chí “bao” ăn ở dành cho người khuyết tật (NKT) tạo cơ hội giúp họ thay đổi cuộc sống. Nhưng nhiều cha mẹ lại không muốn con bị khuyết tật đi học để có một nghề trong tay…

3 lần đến nhà, 3 lần thất bại

Bà Lê Minh Hiền, Giám đốc Trung tâm Vì ngày mai (thành lập đầu năm 2002 tại Hà Nội) - người đã dành cả cuộc đời gắn bó với công tác đào tạo nghề cho NKT - chia sẻ: Khóa dạy nghề gần đây nhất vừa khai giảng ngày 11/6/2019 có 20 chỉ tiêu dành cho phụ nữ khuyết tật.

Với chỉ tiêu này, lẽ ra chỉ tuyển ở Hà Nội là đủ nhưng đến sát ngày khai giảng nhận thấy khó lòng gọi đủ học viên Hà Nội, bà Hiền đã phải chuyển thông tin tuyển sinh tới đầu mối ở một số tỉnh. Vậy là, trong ngày khai giảng có những ông bố, bà mẹ lặn lội đưa con bị bại liệt ngồi xe lăn từ Yên Bái, Lạng Sơn… đến đăng ký học. Lớp có 4/20 học viên nam thay vì chỉ toàn học viên nữ.

 

kg.jpg
Lớp dạy nghề cho phụ nữ khuyết tật vừa khai giảng ngày 11/6/2019 tại Trung tâm Vì ngày mai

  

“Trước đó, có những trường hợp tôi phải đến tận nhà NKT vận động. Có gia đình đồng ý cho con đi học rồi, nhưng sát ngày khai giảng lại báo không đi nữa. Có gia đình ở Đông Anh (Hà Nội), bố ốm nằm một chỗ, mẹ lao động tự do, cô con gái khuyết tật năm nay cũng đã 30 tuổi, nhà cửa nheo nhóc, nhìn thương vô cùng nhưng ba lần đến thuyết phục là ba lần thất bại ra về. Sát ngày khai giảng, tôi đến lần nữa nhưng họ vẫn kiên quyết không cho con đi học”- bà Minh Hiền ngán ngẩm kể- “Thậm chí có phụ huynh còn đến tận nơi xem cơ sở dạy nghề, thấy tin tưởng được nên nhận lời cho con đi học. Vậy mà đến sát ngày khai giảng lại gọi điện xin không đến!”.

Bà Hiền cảm thấy tiếc vì nhiều NKT đánh mất cơ hội học nghề, phát triển bản thân, có cuộc sống hạnh phúc hơn trong tương lai. Cuộc sống của NKT sẽ ngày càng bi đát hơn nếu sống phụ thuộc, ngại giao tiếp và không có trải nghiệm cuộc sống. “Có phụ huynh tâm sự họ không muốn con đi học vì có thể sẽ mất khoản trợ cấp vài trăm nghìn đồng mỗi tháng. Họ chỉ nghĩ đến cái lợi nhỏ trước mắt mà không nhìn thấy cái lợi lớn hơn nhiều từ việc mở cho con một cánh cửa bước ra thế giới bên ngoài”.

Để tổ chức được những khóa học này không đơn giản, phải vận dụng mọi nguồn để đi “xin tiền” về tổ chức lớp cho các cháu, mong khi có nghề các cháu có cơ hội thay đổi cuộc đời nhưng nhận thức của cha mẹ có con khuyết tật, nhất là những phụ huynh sống ở nông thôn quá hạn chế.

“Cha mẹ sao có thể bao bọc con cả đời, sao khi có cơ hội để con có một nghề trong tay, có thể tự kiếm sống nuôi bản thân, cha mẹ lại làm ngơ? Đến lớp, các cháu còn được giao lưu với bạn bè cùng cảnh ngộ, sẽ xóa dần mặc cảm tự ti. Chưa kể, từ những lớp học này tại Trung tâm Vì ngày mai đã có 60 cặp đôi nên duyên vợ chồng- điều mà nếu chỉ ở trong bốn bức tường nhà, các bạn trẻ sẽ không thể nào gặp được nửa kia của mình”- bà Hiền bộc bạch.

 

ba-hien1.jpg
Bà Lê Minh Hiền, Giám đốc Trung tâm Vì ngày mai, đã mất 81% sức khỏe sau tai nạn giao thông hồi đại học.

 

Giám đốc Vụn Art Lê Việt Cường- nơi gần như 100% người lao động là NKT- cũng chia sẻ, để thu hút các bạn trẻ khuyết tật đến lớp, anh cũng thường xuyên phải lặn lội đến tận nhà “xin phép” phụ huynh. Phải đi lại vài lần để thuyết phục là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, dù đến nhiều lần, vẫn có những phụ huynh giữ nguyên quan điểm không muốn cho con ra khỏi nhà. “Có những người nói thẳng, từ nhỏ đến lớn con họ quen ở nhà, giờ cho con ra ngoài, sợ không thể bảo vệ được con trước vấn nạn quấy rối và xâm hại tình dục”.

Điều đáng nói, cả bà Minh Hiền và anh Việt Cường đều là người khuyết tật vận động, đi lại khó khăn nhưng vì tâm huyết và muốn giúp NKT tìm được một con đường sống, có thể tự lập trong cuộc sống họ đã không quản ngại khó khăn, thất bại…

Tạo việc làm phù hợp với khả năng của người khuyết tật

pha-bo-rao-can.jpg
Việt Nam có trên 6 triệu Người khuyết tật (NKT) từ 5 tuổi trở lên, chiếm 7,8% dân số. Ảnh minh họa

 

Học viên các lớp dạy nghề ở Trung tâm Vì ngày mai thường có rất nhiều đối tượng, trẻ khuyết tật vận động, người khiếm thính, bại não… Đa số rụt rè, nhút nhát, kỹ năng giao tiếp kém, chưa bao giờ sống tập thể, có những em còn chưa một lần được đến trường…

Dạy văn hóa, xóa mù chữ, kỹ năng sống, học vẽ, chụp ảnh, công nghệ thông tin lồng ghép trong các chương trình dạy nghề để giúp các em tự tin hơn. Bổ trợ văn hóa cho những em không biết chữ, ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ khiếm thính… “Tùy vào từng loại khuyết tật, khả năng tiếp thu, sức khỏe cũng như sở thích của các bạn mà cơ sở dạy nghề và tạo việc làm phù hợp để giúp các bạn có thể tự mình đảm bảo được cuộc sống”- bà Hiền thông tin.

Từ 2002 đến nay, Trung tâm Vì ngày mai đã dạy nghề và tạo việc làm cho hơn 1.600 thanh thiếu niên khuyết tật. Hỗ trợ đào tạo và tư vấn thành lập 06 cơ sở sản xuất kinh doanh do chính NKT làm chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho hàng trăm NKT tại nơi họ sinh sống.

Trung tâm Vì ngày mai có nhiều bạn khuyết tật học tập và làm việc. Các sản phẩm ở đây chủ yếu là gia công hàng xuất khẩu, thuộc các ngành hàng: may, thủ công mỹ nghệ, sơn mài truyền thống.

Bài sau: Dạy nghề cho người khuyết tật: Trăm cái khó!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm