1. Giúp bé hiểu khái niệm “chia sẻ”
Cha mẹ có thể bắt đầu bằng những lời động viên, khích lệ hoặc gợi ý điều trẻ đã/nên làm. Cha mẹ đừng quên khen ngợi sự nỗ lực của con khi con tỏ ra đang cố gắng chia sẻ những gì mình có. Đơn giản chỉ cần nói rằng: “Mẹ thích cách con nhường bạn/để bạn chơi cùng”, sẽ khiến trẻ trở nên háo hức hơn. Con sẽ bắt đầu chia sẻ một cách tự nhiên mà không cần cha mẹ gợi ý.
2. Đừng phạt khi con không chịu chia sẻ
Có thể cha mẹ sẽ lúng túng khi con giật lấy đồ chơi của bạn hoặc ném đồ chơi lung tung vì cáu giận, không muốn cho bạn chơi cùng hay không hiểu được tại sao phải chờ đến lượt mới được chơi.
Nhiều người thường mắng, phạt khiến con tổn thương vì chưa nhận thức được vì sao mình cần chia sẻ với bạn. Thay vì mắng, mẹ lựa lời bộc lộ cảm xúc với trẻ, cho chúng biết bạn đã thất vọng, buồn bã thế nào khi chúng không cho bạn chơi đồ chơi cùng, nhấn mạnh rằng chắc người bạn đó cũng thấy buồn bã như vậy.
3. Cho phép trẻ có đồ chơi riêng, đừng ép chúng phải chia sẻ tất cả
Cha mẹ không thể dùng uy quyền để bắt trẻ phải mang những món đồ chúng coi như tài sản quý giá ra để chia sẻ cho bạn bè, anh chị em ruột, thậm chí là những người hoàn toàn xa lạ.
Hãy trao cho con quyền kiểm soát bằng cách để con chọn ra một vài món đồ yêu thích nhất và cất đi. Đồng thời thỏa thuận về những món đồ con có thể thoải mái để bạn chơi cùng như bàn cá ngựa, quả bóng, bảng vẽ...
4. Làm gương cho trẻ
Cách tốt nhất để con học được sự bao dung, nhân ái là bắt chước những hành động chia sẻ của cha mẹ mỗi ngày.
Chỉ những hành động nhỏ thường ngày như chia cho con que kem, cái bánh, chia cho con đôi găng tay khi trời lạnh (dù trước đó bạn ép thế nào con cũng không chịu mang theo đồ của mình)... sẽ giúp trẻ nhận ra được giá trị và ý nghĩa của việc chia sẻ.