Sáng 3/6, Quốc hội dành thời gian thảo luận về các chuyên đề lựa chọn giám sát tối cao trong năm 2020. Một số đại biểu nhấn mạnh vai trò của công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho biết, chính sách pháp luật về trẻ em hiện nay không chỉ quan tâm giải quyết hậu quả, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt mà còn chú trọng việc chủ động phòng ngừa, can thiệp sớm, loại bỏ những nguy cơ tổn hại đến trẻ em, đã và đang thực hiện có hiệu quả.
Tuy vậy, quá trình thực hiện bảo vệ trẻ em trước những tổn hại còn nhiều vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm, đó là bạo lực trẻ em. Trẻ em vừa bị bạo lực trong gia đình, vừa bị bạo lực trong nhà trường và ngoài xã hội.
“Tình trạng này đang xảy ra nghiêm trọng, các vụ bạo lực mà các bậc cha mẹ, thầy cô, bạn bè gây ra cho trẻ em trong chính gia đình, trường học, nơi coi là hàn gắn những tổn thương của xã hội bằng tình yêu thương, không phân biệt đối xử, tôn trọng phẩm giá, danh dự, nhân phẩm. Hành vi bạo hành bao gồm cả thể chất và tinh thần, trẻ em bị bạo hành ờ tất cả các giai đoạn của tuổi thơ” – đại biểu Tám nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tô Văn Tám, các vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện và xử lý, chỉ như “phần nổi của tảng băng chìm”. Ngoài việc bị bạo hành, xâm hại, trẻ em còn bị bóc lột, mặc dù Luật Trẻ em quy định rõ trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột lao động, không phải lao động trước tuổi, lao động quá thời gian hoặc công việc nặng nhọc, độc hại.
“Trẻ em còn là nạn nhân của buôn bán người, bị bỏ rơi, sát hại. Tình trạng buôn bán người đang ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, có xu hướng gia tăng. Một bộ phận bị buôn bán trong nước, một bộ phận bị buôn bán ra nước ngoài, nhiều trẻ em bị bỏ rơi, vô thừa nhận”- ông Tám nhấn mạnh.
Từ thực trạng trên, đại biểu Tám đồng tình với việc lựa chọn chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em để Quốc hội giám sát tối cao năm 2020.
Đồng tình với đại biểu Tám, đại biểu Triệu Thu Phương (Bắc Kạn) cũng cho rằng, trẻ em tuy là đối tượng quan trọng được cả gia đình và xã hội bảo vệ, nhưng liên tục xảy ra các vụ việc xâm hại trẻ em đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cần có một cơ chế bảo vệ, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em.
Theo bà, công tác bảo vệ trẻ em, tình hình xâm hại trẻ em, đặc biệt là tình hình xâm hại tình dục, bạo lực học đường vẫn diễn biến hết sức phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.
Theo số liệu báo cáo, thống kê của Thư viện Quốc hội cung cấp cho thấy, trong hai năm 2017 - 2018 và quý 1 năm 2019 cả nước xảy ra 3.499 vụ với 3.546 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%.
“Tôi đề nghị Quốc hội ưu tiên đưa vào Chương trình giám sát năm 2020 đối với chuyên đề này nhằm rà soát, đánh giá lại các quy định của pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung và tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng” - đại biểu Thu Phương nhấn mạnh.