Để con học cách chịu trách nhiệm

19/11/2015 - 15:31
Với Giáo sư trẻ nhất năm 2015 Nguyễn Văn Hiếu (43 tuổi), con cái chịu ảnh hưởng lớn từ những hành động, việc làm, sự quan tâm dù rất nhỏ của bố mẹ.

GS trẻ nhất năm 2015 Nguyễn Văn Hiếu. Ảnh: Thanh Hùng.

Đến giờ sau nhiều năm, anh Hiếu vẫn nhớ lời khuyên của cha mẹ từ thuở bé: “Con à, quả ngọt là do rễ đắng sinh ra” để dặn mình luôn cố gắng. Cuộc sống vất vả quanh năm bám lấy ruộng đồng ở Vĩ Dạ (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) nhưng bố mẹ anh vẫn luôn có suy nghĩ phải cho con được học hành đến nơi đến chốn. “Bố mẹ dù khó khăn, vất vả đến đâu cũng nhất quyết không để các con phải bỏ học. Nếu không gắng học thì các con sẽ phải chịu khổ như bố mẹ và con cái các con cũng sẽ thiếu thốn như chính các con”, anh Hiếu nhớ lại lời bố mẹ từng dạy. Dù khó khăn, lần lượt 11 anh em trong gia đình anh Hiếu đều học hết phổ thông, sau đó có 2 người đi làm nghề, còn lại đều vào đại học.
Là con áp út, chứng kiến cảnh bố mẹ lam lũ nuôi con nên ngay từ thuở bé anh Hiếu đã nhận thức phải cố gắng học. Lúc anh Hiếu vừa vào ĐH thì mẹ mất. Trước khi qua đời, mẹ vẫn dặn anh phải tiếp tục học và không được bỏ dở giữa chừng.
Đến khi vào ĐH, thời gian được tự do sắp xếp nhưng anh Hiếu vẫn ấn tượng một hôm đi chơi về muộn. Ở nông thôn về nhà vào lúc gần 11 giờ đêm là muộn, bởi người dân thường ngủ sớm để hôm sau có thể dậy sớm lo việc đồng áng. “Về đến nhà, thấy bố chưa đi ngủ như ngày thường mà vẫn ngồi đợi con về để mở cửa. Bố không nói gì, khiến mình càng suy nghĩ, áy náy. Trong thâm tâm mình tự hứa sẽ không bao giờ tái diễn những lần đi chơi muộn như thế để bố không phải mất ngủ đợi con”. Với anh Hiếu, từ những hành động của bố mẹ, không cần phải nói nhiều vẫn khiến anh hiểu và rút ra bài học cho mình.
Lúc nhỏ, anh Hiếu đã có sở thích và nhiều ý tưởng làm đồ chơi trẻ con như súng, diều… Biết anh thích nên dù điều kiện kinh tế khó khăn, bố anh vẫn đều đặn mua giấy báo, tre nứa cho anh sáng tạo. “Giấy, báo loại đó cũng rẻ thôi nhưng vì nhà nghèo nên thấy bố vẫn mua khiến mình càng thấy thương bố thật nhiều”.
Học sống tự lập
Tính tự lập là điều mà anh Hiếu nhận thức rõ nhất về những điều mà bố mẹ anh đã dạy. Là con áp út, được anh chị chiều nhưng bố mẹ vẫn để anh làm quen với lao động, xa rời tâm lý chỉ biết ngồi chơi. Do đó, ngoài việc học, thậm chí khi đã là sinh viên ĐH, anh Hiếu vẫn quen với chuyện đồng áng. “Mặc dù bố mẹ rất thương mình nhưng vẫn cho lao động để mình biết được giá trị của sức lao động, của đồng tiền. Dù giao việc ít hơn các anh chị nhưng những việc như gánh lúa trên vai đi quãng đường hơn 2 cây số từ ruộng về nhà vẫn là việc thường ngày. Đổi lại mình học được tính tự lập và kiên trì”.

Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao giấy chứng nhận cho GS Nguyễn Văn Hiếu. Ảnh:Thanh Hùng

Đến khi vào cấp 3, bố mẹ gần như không can thiệp nhiều vào việc lựa chọn của anh, thay vào đó để anh quyết định tất cả từ học gì, ở trường nào... Điều quan trọng nhất mà anh Hiếu cảm nhận được đó là được tự do và làm quen với việc chịu trách nhiệm trước các quyết định của bản thân.
Hồi mới về nước công tác, thậm chí kể cả khi đã là phó giáo sư, anh Hiếu vẫn sẵn sàng quần xắn móng lợn cùng sinh viên xây dựng các hệ đo lường trong phòng thí nghiệm, chứ không ngồi chờ kinh phí Nhà nước.
 “Mình cứ làm tốt công việc của mình, rồi mọi người sẽ ghi nhận điều ấy. Các bạn trẻ phải cố gắng trước khi nghĩ chuyện đòi hỏi. Nếu với tư tưởng tôi là giáo sư hay phó giáo sư, tiến sĩ, tôi phải được cái này cái kia thì sẽ không làm được gì và khó tồn tại”, anh Hiếu chia sẻ.
Hiện nay, anh Hiếu cũng đang áp dụng những điều cha mẹ anh đã dạy với cậu con trai lớp 6 của mình. “Con trai tôi vẫn rửa bát, lau dọn nhà cửa, giúp bố mẹ những việc lặt vặt. Mình dạy con tự học là quan trọng nhất, chứ không bắt con phải học”, anh Hiếu nói.
Anh Nguyễn Văn Hiếu, sinh năm 1972, được phong giáo sư ngành Vật lý, hiện là Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS), trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Anh là tác giả, đồng tác giả của 130 công trình khoa học, trong đó có 85 công trình trên các tạp chí quốc tế thuộc Viện Thông tin khoa học (ISI) của Hoa Kỳ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm