Để con tin tưởng, chia sẻ

04/08/2015 - 00:32
Em để ý quan sát thấy con có nhiều biểu hiện lạ. Ví dụ, cháu thường xuyên giữ kè kè điện thoại, hoặc là liên tục gửi tin nhắn hoặc là thấp thỏm chờ đợi.

Hãy trò chuyện, chia sẻ nhẹ nhàng, tạo dựng niềm tin nơi con (Ảnh minh họa)

Chị Thanh Tâm kính mến!

Em có hai con gái, cháu lớn đã đi học đại học, cháu nhỏ năm nay mới lên lớp 8. Cả em và chồng em đều chỉ học hết cấp III rồi ra buôn bán nên việc học hành của các cháu chúng em không hiểu, cũng không quản lý được. Từ trước đến nay, vợ chồng em chỉ nhắc nhở, khuyến khích hai con có ý thức tự học. Cũng may hai đứa đều tự giác, cháu lớn kèm cặp cháu nhỏ, lực học của cả hai con đều tốt nên vợ chồng em rất yên tâm.

Thế nhưng từ ngày cháu lớn lên Hà Nội nhập học thì tính nết con bé lại thay đổi, kết quả học tập ngày một giảm sút. Người phát hiện đầu tiên là cô giáo chủ nhiệm, cô gọi điện đến tận nhà phàn nàn về thái độ chểnh mảng, tình hình điểm số sa sút của cháu… Lúc này em mới để ý quan sát, quả thật con có nhiều biểu hiện lạ. Ví dụ, cháu thường xuyên giữ kè kè điện thoại, hoặc là liên tục gửi tin nhắn hoặc là thấp thỏm chờ đợi. Hàng ngày cháu vẫn tuân thủ giờ giấc ngồi vào bàn học nhưng tinh thần không tập trung, mơ màng nghĩ đến việc khác.

Khi em đem việc này trao đổi với bố của cháu, anh rất tức giận. Chạy ngay vào phòng con “lục soát” sau đó tìm được dưới đệm của cháu một tập bài kiểm tra điểm thấp. Hôm sau, bắt gặp con đang cắm cúi đọc tin nhắn, anh giật lấy điện thoại xem, khi thấy nội dung nói chuyện có liên quan đến “tình cảm” liền vung tay đập vỡ. Em ở bên cạnh, sợ chồng không kiềm chế được mà đánh con nên cũng lớn tiếng mắng mỏ cháu.

Sau buổi đó, con gái em lại càng lầm lì khó bảo, thậm chí cháu còn tránh né không muốn ngồi cùng, trò chuyện với bố mẹ. Vợ chồng em cũng đã cố gắng phân tích thiệt hơn cho con nhưng cháu chỉ bỏ ngoài tai. Chúng em thật sự không biết làm cách nào để cháu trở lại như cũ.

Thu Hiền (Nam Định)

Thu Hiền thân mến!

Chị hiểu, vợ chồng em là vì lo lắng cho con gái nên mới giận và xử sự vội vàng như thế. Nhưng cách các em phản ứng trước sự thay đổi của con là không hợp lý. Việc tự ý lục lọi đồ đạc, đọc tin nhắn riêng, đập vỡ điện thoại của cháu không có tác dụng giáo dục, chỉ làm con căng thẳng hơn, cảnh gác hơn và xa cách bố mẹ mà thôi.

Em và chồng hãy xin lỗi con. Có nhiều người suy nghĩ rằng việc bố mẹ xin lỗi con cái là chuyện không cần thiết. Con đương nhiên phải chấp nhận tất cả mọi việc bố mẹ làm, bất kể sai hay đúng. Nhưng đó cũng chính là lí do làm cho con cái và bố mẹ luôn luôn xa cách. Việc bố mẹ nói lời “xin lỗi” nếu sai có tác dụng cực kỳ lớn, giúp trẻ yêu thương, tin tưởng thậm chí tiếp thu ý kiến của bố mẹ nhanh hơn bất cứ một hình thức dạy dỗ, phân tích nào.

Hiện nay, con gái của em đang trong giai đoạn phát triển nhạy cảm. Với con, tất cả mọi điều đều rất mới mẻ, con bắt đầu có những rung động đầu đời… Nếu không được định hướng rất có thể con sẽ gặp khó khăn hoặc đi sai đường. Nhưng nếu bố mẹ can thiệp quá sâu, quá mạnh mẽ sẽ khiến con chống đối, không hợp tác. Vì thế, muốn hỗ trợ con thì chính vợ chồng em cũng cần bình tĩnh, từ từ chia sẻ.

Nhà em có thuận lợi có hai con gái, em có thể nhờ con gái lớn tâm sự, hỏi han em xem có chuyện gì xảy ra? Cần hỗ trợ, bổ sung những kiến thức nào cho cháu? Tình cảm của em đã ở mức nào, cần hướng dẫn, tư vấn gì thêm? Em là mẹ thì nên cởi mở với con, thủ thỉ tâm tình, hướng dẫn, khuyên bảo để con yên tâm, tin tưởng.

Chúc gia đình em sớm vượt qua giai đoạn đặc biệt này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm