pnvnonline@phunuvietnam.vn
Để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số
3 trụ cột chuyển đổi số để phát triển toàn diện, bền vững
Với tầm quan trọng của chuyển đổi số, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến 2025, định hướng đến 2030.
Ba lĩnh vực lớn của chuyển đổi số Quốc gia đang được triển khai mạnh mẽ hiện nay gồm:
Chính phủ số: Nhằm tối ưu hóa hiệu quả quản lý, tăng cường quản trị nhà nước dân chủ, minh bạch, và đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế;
Kinh tế số: Nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế, tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế;
Xã hội số: Nhằm thu hẹp khoảng cách số để mọi người được bình đẳng, công bằng tiếp cận hệ thống chuyển đổi số, nâng cao kỹ năng lao động, tạo việc làm mới và tăng chất lượng cuộc sống.
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất nhờ áp dụng các công nghệ số, như Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), tự động hóa (Robot), trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tiên tiến khác.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép, vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Chuyển đổi số đem lại nhiều lợi ích cho người dân, với những lợi ích chính, như: Được sử dụng những dịch công trực tuyến thuận tiện, nhanh gọn; Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, kiến thức, kỹ năng số và được đảm bảo an ninh an toàn nhờ hệ thống giám sát thông minh…
Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng có nguy cơ làm tăng khoảng cách số giữa các nhóm dân cư, trong đó có những nhóm gặp nhiều rào cản trong tiếp cận công nghệ số (gọi là nhóm yếu thế).
Nhận diện nhóm dễ bị tổn thương trong chuyển đổi số
Theo số liệu của tổng cục thống kê năm 2023, toàn quốc có 52,5 triệu lao động, trong đó 32,9 triệu là lao động nông thôn. Phụ nữ chiếm 46,7% lao động toàn quốc, trong đó 62,7% lao động nông thôn. Là lực lượng lao động quan trọng trong các lĩnh vực, phụ nữ đứng trước nhiều thách thức trong chuyển đổi số, do những định kiến giới, khoảng cách giới trong khoa học kỹ thuật và thiếu cơ hội tiếp cận giáo dục, công nghệ.
Bên cạnh đó còn có những nhóm khác gặp khó khăn trong tiến trình chuyển đổi số như những người có thu nhập thấp, người đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, người vùng sâu vùng xa, người khuyết tật, người cao tuổi… Trong những nhóm này, phụ nữ cũng chiếm tỷ lệ lớn.
Giải pháp không để ai bị bỏ lại phía sau trong chuyển đổi số
Để "không ai bị bỏ lại phía sau trong chuyển đổi số" cần sự cam kết, phối hợp chặt chẽ từ Chính phủ, các doanh nghiệp, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội đến cộng đồng xã hội.
Đối với Chính phủ:
1. Hoàn thiện chính sách và hỗ trợ tài chính
- Phát triển và triển khai chính sách chuyển đổi số bao trùm, bảo đảm quyền tiếp cận công nghệ và internet bình đẳngvà công bằng cho mọi người;
- Đẩy mạnh hỗ trợ tài chính cho các dự án, các sáng kiến tiếp cận công nghệ cho các nhóm yếu thế và cho các gia đình có thu nhập thấp để họ có thể truy cập internet và sở hữu thiết bị công nghệ cần thiết.
2. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật số: Phát triển và nâng cấp hệ thống mạng internet, để người dân ở nông thôn vùng sâu, vùng xa, có thể truy cập internet tốc độ cao, và sử dụng dịch vụ kỹ thuật số.
3. Đẩy mạnh đào tạo và nâng cao kỹ năng số: Mở các khóa đào tạo kỹ năng số cho người dân và nhóm yếu thế. Hỗ trợ các chương trình học tâp suốt đời cho người lao động nâng cao kiến thức, kỹ năng số, đáp ứng thị trường lao động; Phát triển nền tảng giáo dục trực tuyến cho mọi người.
4. Hỗ trợ đặc biệt cho các nhóm yếu thế
- Với người khiếm thị: Cung cấp các thiết bị và phần mềm hỗ trợ như máy đọc màn hình, ứng dụng chuyển văn bản thành giọng nói và hướng dẫn họ sử dụng thiết bị hỗ trợ.
- Với người khiếm thính: Cung cấp các phần mềm hỗ trợ chuyển đổi văn bản và giọng nói thành ngôn ngữ ký hiệu, và đào tạo, hướng dẫn sử dung thiết bị hỗ trợ.
- Với người cao tuổi: Thiết kế các giao diện đơn giản, trực quan, dễ sử dụng với người cao tuổi; Mở các khóa tập huấn kĩ năng số cho người cao tuổi, với phương pháp đơn giản, dễ hiểu.
- Với phụ nữ và em gái: Tạo các chương trình học bổng, hỗ trợ tài chính và cơ hội học tập, phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ; Khuyến khích em gái và phụ nữ tham gia các môn học STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, và Toán học) từ khi còn nhỏ. Xóa định kiến giới trong tuyển dụng và thăng chức trong ngành công nghệ.
5.Thúc đẩy hợp tác Công-Tư: Đẩy mạnh sự hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức phi lợi nhuận triển khai các chương trình, sáng kiến hỗ trợ chuyển đổi số bao trùm. Phát triển các dự án công nghệ xã hội, nhằm cải thiện cuộc sống cho những người yếu thế.
6. Khuyến khích đổi mới và sáng tạo
- Hỗ trợ khởi nghiệp: Cung cấp các khoản vay, hỗ trợ tài chính và tư vấn cho các dự án khởi nghiệp liên quan đến công nghệ số, đặc biệt là các dự án có mục tiêu xã hội.
- Thúc đẩy sáng tạo: Tạo ra các cuộc thi, giải thưởng để khuyến khích sáng tạo trong việc phát triển các giải pháp kỹ thuật số hỗ trợ các nhóm yếu thế.
Đối với sự hỗ trợ từ cộng đồng:
1. Nâng cao nhận thức: Tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số, xóa định kiến giới trong lĩnh vực khoa học công nghệ; Động viên nhóm yếu thế mạnh dạn, tự tin, học hỏi tiếp cận công nghệ, tham gia vào quá trình chuyển đổi số, cải thiện cuộc sống.
2. Đẩy mạnh giáo dục và đào tạo: Phát huy vai trò của Trung tâm học tập cộng đồng cùng các đoàn thể, Hội Phụ nữ, tổ công nghệ số cộng đồng và các nhóm tình nguyện, tổ chức các tập huấn về kỹ năng số, sử dụng internet và các công nghệ mới cho mọi lứa tuổi, đặc biệt nhóm yếu thế.
3. Khuyến khích hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng: Tạo các nhóm cộng đồng hỗ trợ kỹ thuật, giúp mọi người và các nhóm yếu thế chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến công nghệ.
4. Thúc đẩy sáng kiến cộng đồng: Khuyến khích các sáng kiến địa phương trong việc ứng dụng công nghệ số vào giải quyết các vấn đề xã hội; Hỗ trợ các dự án cộng đồng về công nghệ, đặc biệt là các dự án mang tính chất cộng đồng và bền vững.
Chỉ khi Chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức và cả cộng đồng cùng phối hợp, quá trình chuyển đổi số sẽ diễn ra một cách toàn diện, bao trùm và bền vững. Mọi người đều có cơ hội tiếp cận và hưởng lợi từ các tiến bộ công nghệ, không ai bị bỏ lại phía sau trong thời đại số.