Đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ lao động nữ, hộ kinh doanh do nữ làm chủ hoặc sử dụng nhiều lao động nữ

PVH
07/05/2025 - 11:36
Đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ lao động nữ, hộ kinh doanh do nữ làm chủ hoặc sử dụng nhiều lao động nữ

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 7/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Dự thảo Luật sau khi được rà soát, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện bao gồm 08 chương, 58 Điều.

Dự thảo Luật đã có chỉnh lý, sửa đổi bổ sung một số nội dung đại biểu nêu về đăng ký lao động (Chương III) nhằm quy định rõ ràng, mạch lạc hơn về nguyên tắc đăng ký lao động (Điều 17); Thông tin đăng ký lao động (khoản 1 Điều 18); Quyền và nghĩa vụ của người lao động trong đăng ký lao động (Điều 19); Kết nối, cập nhật, chia sẻ các thông tin đăng ký lao động từ cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và cơ sở dữ liệu khác (khoản 4 Điều 18).

Dự thảo Luật cũng chỉnh lý theo hướng chỉ quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống thông tin thị trường lao động (Chương IV); Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung để bảo đảm linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tiễn.

Về tổ chức dịch vụ việc làm công (Trung tâm dịch vụ việc làm trong Luật hiện hành), dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng không quy định trực tiếp Trung tâm dịch vụ việc làm mà quy định tổ chức dịch vụ việc làm gồm tổ chức dịch vụ việc làm công (Trung tâm dịch vụ việc làm trước đây) và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm (khoản 2 Điều 28), giao Chính phủ quy định điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức dịch vụ việc làm công (khoản 6 Điều 28).

Với những nội dung cụ thể, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, có nhiều ý kiến bổ sung chính sách hỗ trợ: Các nhóm đối tượng yếu thế và đặc thù, như các đối tượng: người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; người cao tuổi, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số, lao động trẻ, lao động nữ (đặc biệt là phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ), lao động phi chính thức, người lao động không có hợp đồng, người lao động Việt Nam trở về từ nước ngoài....

Bên cạnh đó, đề nghị hỗ trợ các đối tượng trong các trường hợp khẩn cấp như khủng hoảng kinh tế - xã hội, dịch bệnh, thiên tai, suy thoái kinh tế; Các ngành, lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ kinh doanh, hộ kinh doanh do nữ làm chủ hoặc sử dụng nhiều lao động nữ...

Với đề xuất này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật quy định các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho tất cả người lao động nói chung, cơ bản không phân biệt các đối tượng cụ thể. Theo đó, Dự thảo Luật quy định các chính sách cơ bản nhằm hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động như chính sách hỗ trợ tạo việc làm (Chương II), trong đó có quy định chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn (Điều 11); hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm (mục 3 Chương VII); đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề (Chương V); đăng ký lao động nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động (Chương III); các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (Chương VII).

Đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ lao động nữ, hộ kinh doanh do nữ làm chủ hoặc sử dụng nhiều lao động nữ- Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận

Bên cạnh đó, dự thảo cũng có những quy định chính sách hỗ trợ riêng cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người bị thu hồi đất…; Một số đối tượng đặc thù hiện đang được hưởng chính sách hỗ trợ khác và có thể được vay vốn hỗ trợ với mức lãi suất ưu đãi hơn so với chính sách tại Luật Việc làm.

Các quy định này bảo đảm sự thống nhất, phù hợp với pháp luật chuyên ngành như: Luật Người cao tuổi, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Người khuyết tật, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ luật Lao động, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Về tín dụng chính sách giải quyết việc làm (Điều 8), có ý kiến đề nghị bổ sung nguồn hỗ trợ chính sách giải quyết việc làm từ các tổ chức chính trị - xã hội; Có ý kiến đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng việc huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội và nghiên cứu bảo đảm nguồn cho vay đối với nguồn ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội, nhất là địa phương còn nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Dự thảo Luật đã quy định cấp ngân sách nhà nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm, qua đó sẽ điều hoà vốn cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm đối với địa phương có khó khăn, thu ngân sách thấp là phù hợp; Trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã thực hiện ủy thác ngân sách qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm hiệu quả. 

Do đó, dự thảo Luật chỉnh lý quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm theo hướng nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (điểm c khoản 2 Điều 8), đồng thời, bổ sung quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bố trí vốn ngân sách của địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay giải quyết việc làm (khoản 3 Điều 8) nhằm tạo thuận lợi cho việc tăng cường huy động nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm.

Tại điểm d khoản 2 Điều 8 đã quy định các tổ chức, cá nhân có thể ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ chính sách giải quyết việc làm, quy định này đã bao hàm cả các tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, đề nghị Quốc hội giữ như dự thảo Luật.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm