Ngày Quốc tế Lao động 1-5: "Tấm hộ chiếu" cho lao động nữ trong nền kinh tế số

Đăng Dương
01/05/2025 - 08:55
Ngày Quốc tế Lao động 1-5: "Tấm hộ chiếu"  cho lao động nữ trong nền kinh tế số

Ảnh minh hoạ: ND

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) và nền kinh tế số bùng nổ, kỹ năng công nghệ và khả năng thích ứng linh hoạt đang trở thành “tấm hộ chiếu” để lao động nữ bước vào thế giới việc làm mới - nơi cơ hội và thách thức song hành.

Hình ảnh những người phụ nữ cần mẫn bên dây chuyền may hay bàn giấy từng là biểu tượng cho sự bền bỉ, cống hiến. Nhưng khi thế giới bước vào kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo và nền kinh tế số bùng nổ, chân dung lao động nữ cũng đang âm thầm chuyển mình. AI không còn là câu chuyện viễn tưởng mà đang từng ngày tái định hình thị trường lao động toàn cầu. Người lao động, đặc biệt là lao động nữ, hơn bao giờ hết, đối mặt với yêu cầu cấp thiết: thích ứng để tồn tại, phát triển và làm chủ tương lai số hóa.

LAO ĐỘNG NỮ TRONG LÀN SÓNG CẠNH TRANH VỚI AI 

Trí tuệ nhân tạo và số hóa đang biến đổi nhanh chóng thị trường lao động toàn cầu. Theo báo cáo phân tích toàn cầu năm 2023 về trí tuệ nhân tạo và việc làm của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), ước tính khoảng 24% công việc hiện tại có thể được tự động hóa trong vòng 10 năm tới, trong đó có một phần sẽ được thay thế hoàn toàn bởi AI.

Thế nhưng, sự phát triển thần tốc của AI ngày càng ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội. Trong báo cáo công bố ngày 4/4/2025, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cảnh báo rằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể ảnh hưởng đến 40% số việc làm trên toàn thế giới theo các cấp độ khác nhau, từ biến đổi tính chất công việc đến nguy cơ mất việc. Đáng chú ý, các ngành nghề có tỷ lệ lao động nữ cao như các ngành dịch vụ bán lẻ, hành chính đơn giản, chăm sóc khách hàng… lại nằm trong nhóm có nguy cơ bị AI thay thế sớm nhất.

Ngày Quốc tế Lao động 1-5: "Tấm hộ chiếu"  cho lao động nữ trong nền kinh tế số- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Ở Việt Nam, lao động nữ còn chiếm phần lớn trong các ngành nghề thâm dụng lao động, trình độ chuyên môn thấp, nhiều nguy cơ mất việc do không đáp ứng được yêu cầu mới về khoa học, công nghệ, hoặc làm việc trong khu vực phi chính thức, thu nhập bình quân thấp hơn so với lao động nam. Theo Báo cáo Lao động - Việc làm năm 2024 của Tổng cục Thống kê, phụ nữ chiếm hơn 48% lực lượng lao động nhưng tập trung chủ yếu ở các ngành nghề có giá trị gia tăng thấp, dễ bị tác động bởi tự động hóa. Trong lĩnh vực sản xuất may mặc, da giày - một ngành sử dụng tới 70% lao động nữ - việc áp dụng robot và phần mềm quản lý thông minh đang ngày càng phổ biến. Trong khi đó, tỷ lệ phụ nữ tham gia các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật số - những lĩnh vực “miễn nhiễm” tốt hơn với tự động hóa, tỷ lệ lao động nữ lại rất thấp.

Báo cáo năm 2024 của McKinsey Global Institute (tổ chức chuyên nghiên cứu các xu hướng kinh tế lớn ảnh hưởng đến toàn cầu và khu vực), phụ nữ chỉ chiếm khoảng 26% lực lượng lao động toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ và còn thấp hơn ở các lĩnh vực chuyên sâu như AI và khoa học dữ liệu chỉ khoảng 20%.

CƠ HỘI SONG HÀNH THÁCH THỨC 

Sự bùng nổ của AI và nền kinh tế số không chỉ mang đến những thách thức, mà còn mở ra những cơ hội cho lao động nữ. Sự dịch chuyển sang nền kinh tế số đang mang đến những mô hình việc làm mới như thương mại điện tử, sáng tạo nội dung số, tiếp thị trực tuyến, làm việc từ xa... Tuy nhiên, nếu thiếu kỹ năng số, tư duy thích ứng và sự hỗ trợ chính sách phù hợp, phụ nữ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, đối mặt với thất nghiệp hoặc phải chấp nhận các hình thức lao động phi chính thức, thiếu ổn định và không có bảo hiểm xã hội.

Một mặt, nền tảng số hóa giúp thu hẹp khoảng cách về địa lý, thời gian và không gian lao động. Phụ nữ - đặc biệt là nhóm có trách nhiệm gia đình có thể tận dụng mô hình làm việc từ xa để chủ động hơn trong công việc và cuộc sống như bán hàng qua Shopee, sáng tạo video TikTok, tư vấn online qua Zoom… Theo báo cáo của UNESCO năm 2024, phụ nữ chiếm hơn 40% số lượng các chủ cửa hàng trên các nền tảng thương mại điện tử tại Đông Nam Á, một xu hướng dự báo sẽ còn tăng mạnh nhờ AI hỗ trợ tự động hóa marketing, chăm sóc khách hàng.

Ngày Quốc tế Lao động 1-5: "Tấm hộ chiếu"  cho lao động nữ trong nền kinh tế số- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Song hành với cơ hội là thách thức mới. Khoảng cách số giữa nam và nữ vẫn hiện hữu rõ rệt: tại Việt Nam, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2024, tỷ lệ phụ nữ trưởng thành có kỹ năng số cơ bản thấp hơn nam giới khoảng 10%. Trong khi đó, kỹ năng số, kỹ năng công nghệ- từ sử dụng AI đến vận hành nền tảng số - lại là “tấm vé” để tồn tại và phát triển trong thị trường lao động mới.

Ngoài ra, AI cũng tiềm ẩn nguy cơ tái sản sinh định kiến giới. Các thuật toán tuyển dụng, xếp hạng, phân tích dữ liệu nếu không được kiểm soát chặt chẽ có thể vô tình loại bỏ ứng viên nữ khỏi các vị trí công nghệ cao hoặc chức vụ lãnh đạo, làm gia tăng khoảng cách giới trong cơ hội nghề nghiệp.

CẦN NHỮNG BƯỚC ĐI CỤ THỂ 

Trong nền kinh tế số, khả năng thích ứng linh hoạt trở thành “tấm hộ chiếu” để phụ nữ bước vào thế giới việc làm mới. Học tập suốt đời không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc. Từ việc nắm vững các kỹ năng số cơ bản như sử dụng phần mềm văn phòng thông minh, giao tiếp trực tuyến, khai thác dữ liệu... đến làm chủ các công cụ AI hỗ trợ công việc (như ChatGPT, Canva AI, Google Workspace AI…), phụ nữ cần không ngừng cập nhật để không bị tụt lại phía sau.

Theo báo cáo khảo sát về khoảng cách giới trong lĩnh vực kỹ thuật số do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) và Liên minh Bình đẳng Kỹ thuật số (EQUALS) công bố năm 2024, các quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia chương trình đào tạo kỹ năng số cao hơn sẽ có tốc độ thu hẹp khoảng cách giới trong việc làm nhanh gấp 1,8 lần so với các quốc gia khác. Đây là tín hiệu cho thấy đầu tư vào năng lực số của phụ nữ là đầu tư cho sự bền vững dài hạn. 

Ngày Quốc tế Lao động 1-5: "Tấm hộ chiếu"  cho lao động nữ trong nền kinh tế số- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Bên cạnh nỗ lực cá nhân, chính sách hỗ trợ đóng vai trò then chốt. Các chương trình quốc gia cần lồng ghép yếu tố giới trong chiến lược chuyển đổi số, bảo đảm phụ nữ - đặc biệt là phụ nữ nông thôn, lao động phi chính thức, người dễ bị tổn thương được tiếp cận tài nguyên học tập, công nghệ mới và các gói hỗ trợ tài chính khởi nghiệp số. Đồng thời, xây dựng môi trường làm việc linh hoạt, bình đẳng giới trong các doanh nghiệp số, nền tảng trực tuyến. Việc khuyến khích phụ nữ tham gia thiết kế, vận hành hệ thống AI - thay vì chỉ là người sử dụng - cũng là yếu tố quyết định để bảo đảm trí tuệ nhân tạo phản ánh đa dạng trải nghiệm của cả hai giới, góp phần xây dựng nền kinh tế số nhân văn, công bằng và bền vững. 

Không còn giới hạn ở khả năng làm việc chăm chỉ hay sự hy sinh thầm lặng, người lao động nữ thời đại mới cần bước vào hành trình học tập suốt đời, tiếp cận công nghệ số ngay từ hôm nay - dù ở thành thị hay nông thôn, dù ở độ tuổi nào. Về phía các nhà hoạch định chính sách và tổ chức lao động, thúc đẩy đào tạo kỹ năng số cho phụ nữ, xây dựng môi trường làm việc số linh hoạt và công bằng giới sẽ là nền tảng để giảm thiểu khoảng cách bất bình đẳng mới do công nghệ tạo ra.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm