Đề nghị không xét đặc xá với tội phạm hiếp dâm trẻ em

07/11/2018 - 10:18
Thảo luận tại hội trường sáng 7/11 về Dự án Luật đặc xá sửa đổi, nhiều đại biểu nêu kiến nghị cần bổ sung thêm một số tội danh, trong đó có tội hiếp dâm trẻ em, không thuộc diện được xét đặc xá.

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV sáng 7/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Đặc xá sửa đổi. Trong đó, theo Dự thảo, các trường hợp không được đề nghị đặc xá (Điều 12) thuộc các tội như: Xâm phạm an ninh quốc gia, tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác; người trước đó đã được đặc xá; người có 2 tiền án trở lên...

Nhiều đại biểu Quốc hội nêu ý kiến đề nghị bổ sung các tội mà Bộ luật Hình sự quy định không được tha tù trước thời hạn có điều kiện vào các trường hợp không đặc xá.

Đặc biệt, nhiều ý kiến đề nghị không đặc xá đối với người bị kết án về các tội phạm ma túy, đánh bạc, giết người, hiếp dâm trẻ em, chống phá cơ sở giam giữ và một số tội phạm khác trong Bộ luật Hình sự.

ba-le-thi-nga.jpg
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Đại biểu Ma Thị Thúy, đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, cho rằng: Các tội phạm nêu trên, đặc biệt là tội phạm ma túy, đánh bạc thường có tỷ lệ tái phạm rất cao. Các đối tượng mãn hạn tù về không cố gắng tái hòa nhập, không nỗ lực làm lại cuộc đời mà thường xuyên gây mất trật tự tại địa bàn, tái phạm nhiều lần. Vì vậy, đại biểu này đề nghị các tội nêu trên không thuộc đối tượng được đề nghị xét đặc xá.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho biết: Để tạo động lực cho người chấp hành án phấn đấu cải tạo, đồng thời bảo đảm đồng bộ với các luật về tư pháp mới được Quốc hội ban hành, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát và bổ sung các tội “không đề nghị đặc xá”, chủ yếu thuộc Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia và Chương các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.

Cụ thể, Dự thảo Luật quy định không đề nghị đặc xá với người bị kết án về một trong các tội: Tội phản bội tổ quốc (Điều 108), Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109), Tội gián điệp (Điều 110), Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (Điều 111), Tội bạo loạn (Điều 112) và Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113), một trong các tội quy định tại Chương XXVI (Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) và Tội khủng bố (Điều 299) của Bộ luật Hình sự.

trao-quyet-dinh-dac-xa-cho-cac-pham-nhan.JPG
Trao quyết định đặc xá cho các phạm nhân

 

Về đối tượng được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước (Điều 11 Dự thảo Luật); số ý kiến đề nghị không đặc xá với những đối tượng phạm vào các tội mà Bộ luật Hình sự quy định “không được tha tù trước thời hạn có điều kiện”. Bà Lê Thị Nga cho biết: Nhằm tạo động lực và khuyến khích người chấp hành án phạt tù phấn đấu cải tạo tốt, Luật Đặc xá hiện hành quy định người bị kết án về bất kỳ tội phạm nào nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định thì đều được đề nghị xét đặc xá, mà không quy định loại trừ các tội danh cụ thể.

Để bảo đảm đồng bộ với các luật về tư pháp mới được Quốc hội ban hành, đồng thời tạo động lực cho người chấp hành án phấn đấu cải tạo, Dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: Đối với một số tội mà Bộ luật Hình sự quy định không được tha tù trước thời hạn có điều kiện thì vẫn cho phép đặc xá, nhưng điều kiện về thời gian đã chấp hành án để xét đặc xá phải dài hơn so với các tội phạm khác (cụ thể, phải chấp hành ít nhất 1/2 thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn, ít nhất là 17 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn).

Đồng thời, đối với những trường hợp này, Chủ tịch nước có quyền quyết định không đặc xá trong từng đợt đặc xá cụ thể, phù hợp yêu cầu thực tiễn đất nước đặt ra trong từng thời kỳ.  

Đến nay, Chủ tịch nước đã 07 lần ban hành Quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước (trong đó, 01 lần nhân dịp tết Nguyên đán Kỷ Sửu và 79 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 06 lần nhân dịp Quốc khánh 02/9) và đã đặc xá trong trường hợp đặc biệt đối với 14 người bị kết án.

Trong 7 lần đặc xá, số lượng người được đặc xá là rất khác nhau, ví dụ năm 2010, Chủ tịch nước đặc xá cho 17.520 phạm nhân;  năm 2016, Chủ tịch nước đặc xá cho 4.384 phạm nhân.



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm