Đề nghị tiếp tục thực hiện chính nhiều sách đặc thù trong chống dịch Covid-19

Linh Trần
30/09/2022 - 14:59
Đề nghị tiếp tục thực hiện chính nhiều sách đặc thù trong chống dịch Covid-19

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân. Ảnh minh họa

Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai một số biện pháp đặc thù, cấp bách trong phòng chống dịch cho đến hết năm 2022.

Đề nghị tiếp tục thực hiện nhiều chính sách đặc thù

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ vừa ký báo cáo gửi Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về chính sách phòng chống dịch Covid-19. Theo Nghị quyết này, Chính phủ, Thủ tướng quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách trong phòng chống Covid-19 đến hết năm 2022.

Theo đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục áp dụng một số chính sách đặc biệt, đặc thù về khám, chữa bệnh, thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân. Cụ thể:

Cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 đang hoạt động được phép tiếp tục theo yêu cầu thực tiễn. Cho phép sử dụng các quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19 đã thành lập đồng thời là giấy phép hoạt động. Bộ Y tế lý giải, hiện nay dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là xuất hiện nhiều biến chủng mới, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại là thường trực. Việc duy trì các cơ sở này nhằm bảo đảm năng lực ứng phó kịp thời khi dịch bệnh bùng phát. Hơn nữa, việc tiếp tục duy trì mô hình này không ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn công tác khám, chữa bệnh.

Cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế, thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh.

Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 không bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh Covid-19 và các bệnh khác để thanh toán hoặc không thu được các khoản chi phí mà người bệnh phải trả theo quy định do nguyên nhân bất khả kháng thì được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Chính phủ.

Tiếp tục thực hiện thí điểm khám bệnh, chữa bệnh từ xa bao gồm cả hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho đến khi Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực.

Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép "trong trường hợp dịch bệnh bùng phát" mà các chính sách, quy định hiện hành chưa kịp sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và trong thời gian Quốc hội không họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật theo quy định tại mục 3.3 Nghị quyết số 30.

Chính phủ đề nghị cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc cho đến khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược năm 2016 có hiệu lực. Bởi hiện nay, dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường dẫn đến nhiều khó khăn trong việc thực hiện thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định hiện hành.


Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Tại báo cáo này, Chính phủ cũng đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Cụ thể, là rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách phòng, chống dịch Covid-19, các luật liên quan đến phòng, chống dịch gồm Luật Dược, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế...

Ban hành và triển khai hiệu quả các chính sách, quy định tạo điều kiện cho phát triển nguồn nhân lực tại y tế cơ sở; điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho nhân viên y tế về công tác tại y tế cơ sở, y tế dự phòng; mở rộng loại hình khám, chữa bệnh từ xa, tại nhà và tăng cường năng lực, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng, mở rộng phạm vi chi trả tại các trạm y tế; tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực; có chính sách đặc thù, đãi ngộ đối với lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu có nhiều đóng góp, hy sinh; tạo cơ chế chính sách thông thoáng, bình đẳng cho y tế tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tập trung đầu tư, từng bước hiện đại hóa, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Đồng thời, bảo đảm an ninh y tế. Chú trọng thúc đẩy nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược, vaccine, sinh phẩm, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế, sản phẩm thuốc y học cổ truyền trong nước để chủ động trong phòng, chống dịch, kể cả đối với các loại dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi.

Tiếp tục đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine phòng dịch Covid-19, thực hiện tiêm mũi tăng cường và tăng độ bao phủ tiêm vaccine cho trẻ em an toàn, khoa học.

Đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong thời gian tới. Quan tâm chăm sóc sức khỏe người dân, giải quyết các vấn đề hậu Covid-19; chú ý trẻ mồ côi, người mất việc, mất thu nhập do đại dịch, đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số...

Nghiên cứu, ban hành cơ chế riêng, quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với triển khai, thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch, mua sắm, đấu thầu…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm