Khoảng cách giới càng bộc lộ rõ nét hơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

PV
23/09/2022 - 15:08
Khoảng cách giới càng bộc lộ rõ nét hơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà trình bày báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: VPQH

Sáng 23/9,Thường trực Ủy ban Xã hội làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc thực hiện pháp luật bình đẳng giới, mục tiêu quốc gia bình đẳng giới năm 2021 và 06 tháng đầu năm 2022.

Tại buổi làm việc này, Báo cáo việc thực hiện pháp luật bình đẳng giới, mục tiêu quốc gia bình đẳng giới năm 2021 và 06 tháng đầu năm 2022, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, sau 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, công tác bình đẳng giới đã đạt được một số kết quả.

Tiếp tục thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 (Chiến lược 2021-2030), với 6 mục tiêu và 20 chỉ tiêu cụ thể trong các lĩnh vực chính trị; kinh tế, lao động; trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; trong lĩnh vực y tế; giáo dục, đào tạo và thông tin, truyền thông.

Chiến lược cũng đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan và địa phương trong việc tổ chức thực hiện. Đến nay đã có 12 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến lược 2021-2030.

Theo bà Nguyễn Thị Hà, khoảng cách giới trong các lĩnh vực nói chung tiếp tục được rút ngắn và được quốc tế ghi nhận. Phần lớn các chỉ tiêu, mục tiêu đều có kết quả tốt hơn so với năm 2020, trong đó có 6/20 chỉ tiêu cơ bản đã đạt mục tiêu đến năm 2025; 1/20 chỉ tiêu đã đạt một phần và 13/20 chỉ tiêu phấn đấu đạt vào năm 2025.

Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố vào tháng 7/2022, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 là 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021 (năm 2021 Việt Nam xếp thứ 87/144 quốc gia), trong đó các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt.

Công tác xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 được các bộ, ngành địa phương quan tâm, chú trọng thực hiện.

Nhiều địa phương đã căn cứ điều kiện, tình hình thực tế để xây dựng các chỉ tiêu thực hiện Chiến lược phù hợp với địa phương mình, trong đó có bổ sung các chỉ tiêu đặc thù so với chỉ tiêu trong Chiến lược quốc gia.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hà, khoảng cách giới vốn đã tồn tại trong hầu hết các lĩnh vực, thì trong bối cảnh của dịch bệnh COVID-19 lại càng bộc lộ rõ nét hơn. Cụ thể, tỷ lệ lao động nữ bị thất nghiệp cao hơn so với lao động nam. Công việc chăm sóc không được trả công của phụ nữ phát sinh nhiều hơn.

Đặc biệt, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em có xu hướng gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng trong thời gian giãn cách xã hội do COVID-19. Số doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh cao hơn so với doanh nghiệp nhỏ và vừa do nam làm chủ.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Khoảng cách giới càng bộc lộ rõ nét hơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Vấn đề giới trong bối cảnh COVID-19 mặc dù đã được quan tâm song chưa đáp ứng hết các nhu cầu. Điều này đã phần nào làm tăng khoảng cách giới trong một số lĩnh vực như lao động việc làm, trong gia đình, bạo lực trên cơ sở giới,… ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ cũng như triển khai thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia.

Trước những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và người lao động, như: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động.

Đặc biệt, có các chính sách hỗ trợ thêm đối với người lao động đang mang thai hoặc nuôi con dưới 06 tuổi; hỗ trợ trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19; hỗ trợ gạo, giảm tiền điện, nước, cước dịch vụ viễn thông cho người dân; hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em,... góp phần ổn định cuộc sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm