pnvnonline@phunuvietnam.vn
Để người khuyết tật tiếp cận tốt hơn chính sách giáo dục và y tế
Người khuyết tật vẫn còn gặp những khó khăn trong việc khám chữa bệnh. Ảnh minh họa
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đặng Văn Thanh - Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD) - cho biết: Năm 2022, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cùng với Trung tâm Hỗ trợ Sống độc lập Hà Nội (Hanoi ILC) đã làm việc với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo để chia sẻ về những khó khăn mà người khuyết tật gặp phải trong việc tiếp cận cơ hội khám chữa bệnh và học tập. Hai Bộ đã trao đổi giải pháp bảo đảm quyền của người khuyết tật.
Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam và Trung tâm Hỗ trợ Sống độc lập Hà Nội đã gửi các khuyến nghị, dựa trên các điểm hành động của Kế hoạch tổng thể hỗ trợ ASEAN 2025: lồng ghép quyền của người khuyết tật (EMP2025) và được tổng hợp từ các tổ chức của người khuyết tật trên toàn quốc, tới các cơ quan chức năng của cả 2 Bộ.
Ông Đặng Văn Thanh cũng cho biết, trong những năm qua, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành và thực hiện nhiều văn bản quy định pháp luật hỗ trợ, thúc đẩy giáo dục cho người khuyết tật. Tuy nhiên, người khuyết tật vẫn còn gặp những khó khăn trong giáo dục vào đào tạo, như: Đa số trường học chưa tiếp cận về các phương diện (lớp học, hội trường, thư viện khu vệ sinh…) đối với học sinh, sinh viên khuyết tật; chưa có danh mục trang thiết bị dạy học, học tập dành cho người khuyết tật trong trường học; học sinh/sinh viên khuyết tật nghe, nói chưa được hỗ trợ bằng phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu nếu học trong trường hòa nhập…
Để giảm thiểu những khó khăn còn tồn tại cho người khuyết tật trong giáo dục và đào tạo, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những chính sách tuyển dụng giáo viên là người khuyết tật có năng lực giảng dạy tại các trường công lập; cần có chính sách đào tạo giáo viên về ngôn ngữ ký hiệu trong những lớp học hòa nhập có học sinh, sinh viên khuyết tật nghe nói; thúc đẩy sự đồng bộ trong tiếp cận cơ sở vật chất ở trường học về mọi phương diện (trường lớp, nhà vệ sinh, ngôn ngữ…) cho học sinh, sinh viên khuyết tật.
Cần áp dụng tiêu chuẩn thiết kế phổ dụng tại các cơ sở giáo dục; có kế hoạch hỗ trợ (bao gồm cả hỗ trợ về tâm lý) cho gia đình trẻ khuyết tật, nhằm ngăn ngừa và hạn chế các hình thức gây hại cho trẻ có thể xảy ra trong nhà trường; các cơ sở giáo dục cần có chương trình dạy kỹ năng phòng chống bạo lực học đường cho trẻ khuyết tật, tạo lập môi trường giáo dục thân thiện…
Về lĩnh vực y tế, theo ông Đặng Văn Thanh, trong những năm qua, Nhà nước, Bộ Y tế đã ban hành và thực hiện nhiều văn bản quy định pháp luật hỗ trợ và thúc đẩy việc chăm sóc sức khỏe đối với người khuyết tật. Tuy vậy, người khuyết tật vẫn còn gặp những khó khăn trong việc khám chữa bệnh, ví dụ như: Nhiều bệnh viện, các Trung tâm y tế quận/huyện và trạm y tế phường/xã chưa được cải tạo, xây dựng tiếp cận cho người đi xe lăn; người khuyết tật nghe, nói gặp khó khăn trong việc tiếp thu thông tin khi đi khám, chữa bệnh vì không có dịch vụ phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu tại cơ sở khám, chữa bệnh; không có dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà cho người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng (những người không thể tự đến dược bệnh viện), đặc biệt trong thời gian diễn ra đại dịch…
Để giảm thiểu những khó khăn đối với người khuyết tật trong khám chữa bệnh, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam có những đề xuất với Bộ Y tế và các cơ quan chức năng như: Thúc đẩy việc cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho người khuyết tật nhẹ (mức độ bảo hiểm có thể thấp hơn so với người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng); lập danh mục 25 thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật được bảo hiểm y tế chi trả; lập các mô hình dịch vụ chăm sóc, khám chữa bệnh tại nhà cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và đa dạng tật; xây dựng dịch vụ tư vấn trực tuyến về sức khỏe và điều trị tại nhà cho người khuyết tật được bảo hiểm y tế chi trả; tăng cường sự tiếp cận về dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật…
TS Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết, hiện tại trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo Thông tư 20 ngày 28/12/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ông Tạ Ngọc Trí nhấn mạnh, các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập phải được Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố cấp phép thành lập; Sở Giáo dục và Đào tạo cấp phép hoạt động; tên khi thành lập phải đúng với chức năng, nhiệm vụ của trung tâm đó; các trung tâm có chức năng phát hiện, can thiệp giáo dục sớm, hỗ trợ giáo dục hòa nhập; những học sinh khuyết tật có quyền được học tại các trung tâm, bất kể là cấp mầm non hay tiểu học.