Tai nạn của con đã trôi qua gần 4 tháng nhưng anh Lưu Hồng Thạch (43 tuổi), ngụ tại Bù Đăng (Bình Phước) vẫn bị ám ảnh. Hàng trăm mũi khâu trên mặt con gái lại do chính thú cưng trong nhà gây ra.
Theo lời kể của anh, gia đình nuôi chó được gần 2 năm, nó như 'bạn' của mọi thành viên trong gia đình nên anh không ngờ nó lại tấn công con gái anh. 'Hôm đó khoảng 1 giờ chiều, khi vợ chồng tôi đang phơi cà phê ngoài sân và chuẩn bị đưa cháu đi học thì nghe thấy tiếng Lệ Thanh khóc thét. Khi chạy vào và nhìn thấy mặt con đầy máu, vợ chồng tôi rất hốt hoảng. Tôi càng lo hơn, khi thấy có vết thương chỉ cách mắt phải của bé chút xíu”, anh Thạch kể.
Bé Lệ Thanh từng bị 'thú cưng' của gia đình cắn phải khâu 200 mũi. |
Như gia đình anh Thạch, chị Bùi Thị Hoa (34 tuổi), ngụ tại TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) cũng từng trải qua cảm giác đau đớn khi con trai 3 tuổi bị thú cưng cào vào mặt, để lại một vết sẹo dài từ đuôi mắt tới tai. Chị Hoa kể: Vợ chồng tôi đều thích nuôi chó và chưa từng nghĩ nó sẽ gây nguy hại tới bất cứ thành viên nào trong gia đình, cho tới khi con trai gặp nạn. Hôm ấy, bé giật chiếc giày từ miệng chó, con vật lao tới cào vào mặt bé. Từ đó, vợ chồng tôi vĩnh biệt 'thú cưng'.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, BV Nhi Đồng 1 TP HCM cho biết, mỗi năm BV tiếp nhận và chữa trị cho hàng chục trường hợp bị chó cắn, điều này cho thấy tình trạng trẻ bị chó cắn đang ngày càng phổ biến.
Mới đây, tại Hà Nội, xảy ra vụ chó nuôi tấn công chủ khiến nạn nhân phải nhập viện điều trị.
Ngoài nguy cơ gây ra tai nạn, chó còn có thể là vật trung gian truyền nhều bệnh cho trẻ |
Theo BS Đẩu, để phòng tránh các tai nạn do chó cắn, các gia đình có con nhỏ không nên nuôi chó trong nhà, bởi ngoài gây ra tai nạn, chó còn là nguyên nhân của nhiều loại bệnh tật khác, như lông chó có thể gây viêm mũi dị ứng cho bé; là vật trung gian truyền bệnh giun chó, sán chó.
Trong trường hợp gia đình muốn nuôi chó, nên cố gắng cách ly bé với chó, đặc biệt là khi chó đang nuôi con, đang ăn, đang ngủ hoặc đang bị thương. Khi đưa chó ra ngoài, phải mang rọ mõm để bảo vệ chính mình và những người xung quanh. Phải tuân thủ quy tắc chích ngừa để hạn chế thấp nhất nguy cơ chó mắc bệnh dại rồi tấn công người.
Khi có người thân trong gia đình bị chó cắn, người dân cần loại bỏ những chất bẩn do chó để lại ở vết thương, dùng nước sạch hoặc xà bông rửa vết thương. Sau đó dùng gạc sạch đậy vết thương lại và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí.