Môn Hóa học: Nhiều dữ liệu ẩn
Học sinh Hà Nội đang trong kỳ thi vào lớp 10 khối chuyên. Trường Chuyên KHTN (ĐH Quốc gia Hà Nội) được xem là một trong những trường “khó nhằn” với kỳ thi đầu vào nên không ít thí sinh, phụ huynh rất lo lắng căng thẳng.
Đối với môn thi Hóa học vừa diễn ra ngày 27/5, giáo viên Tổ Hóa học thuộc Hệ thốn giáo dục Hocmai cho biết, đề thi đáp ứng yêu cầu để chọn được học sinh giỏi, giảm nhẹ về độ khó so với năm 2018, tương đối ổn định về cấu trúc.
Tuy nhiên, cần lưu tâm là đặc điểm chung của các đề thi vào hệ chuyên của trường Đại học KHTN là yêu cầu tương đối cao về mặt tính toán, đòi hỏi kĩ năng đọc hiểu tốt nên để làm được bài, học sinh cần phải học chắc các kiến thức về toán, vững kiến thức về hóa học và không được “ẩu” vì rất có thể sẻ bỏ sót nghiệm hoặc dữ liệu ẩn.
Về phạm vi kiến thức, so với đề thi năm 2018, đề năm 2019 có cả kiến thức lớp 8 và lớp 9, nhưng chủ yếu là vẫn là kiến thức lớp 9. Cụ thể như sau:
Đề thi năm 2018: kiến thức thi rơi vào các phần kiến thức như: sắt và hợp chất của sắt, nhôm và hợp chất, xác định công thức phân tử hợp chất hữu cơ, bài toán về este và các chất khác, tổng hợp hóa vô cơ, tổng hợp hóa hữu cơ.
Đề thi năm 2019: kiến thức rơi vào các phần kiến thức liên quan đến Hidrocacbon, ancol, tổng hợp hóa vô cơ.
Xét về mức độ khó, đề thi năm 2019 có xu hướng giảm nhẹ về độ khó so với năm 2018. Đề vẫn đảm bảo có sự phân loại cao để có thể tuyển chọn được những thí sinh giỏi.
Các câu hỏi không được sắp xếp từ dễ đến khó, không có dạng bài chỉ đơn thuần viết phương trình là có thể ra ngay kết quả, các câu hỏi đều thuộc dạng bài tổng hợp kiến thức. Các câu hỏi 1 và câu 5 thì học sinh phải có sự tư duy cao, áp dụng các phương pháp tính toán nhanh và suy luận thì mới có thể làm được bài.
Môn Vật lý: Phạm vi kiến thức rộng
Đối với môn Vật lý, theo các giáo viên tổ Vật lý - Hệ thống giáo dục Hocmai, đề thi vừa kiểm tra kỹ năng tính toán, xử lý số liệu phức tạp, vừa đánh giá toàn diện kiến thức Vật lí.
Đặc điểm của đề thi năm nay là nội dung đề thi trải rộng từ chương trình Lớp 8 đến chương trình Lớp 9 (lớp 9 chiếm trọng số lớn hơn) gồm 5 câu hỏi tự luận liên quan tới tất cả các lĩnh vực: Cơ học, Quang học, Nhiệt học, và Điện học. Trong đó, câu 1 và câu 2 thuộc phần kiến thức lớp 8, các câu còn lại thuộc chương trình Vật lí 9.
Đề được đánh giá là dài và khó, kiểm tra toàn diện kiến thức vật lý thực nghiệm và kỹ năng thực hành Vật lí của học sinh nhưng cũng nặng về tính toán.
So với đề thi năm ngoái (2018), đề năm nay có thể coi là tương đương cả về cấu trúc, nội dung, độ phức tạp, và hàm lượng câu hỏi thực hành. Có liên hệ tới thực nghiệm, đánh giá khả năng tư duy khoa học, tư duy thực chứng của học sinh. Khả năng tạo các thí nghiệm để kiểm chứng, đo lường, và đánh giá. Điểm đặc sắc của đề thi 2019 được thể hiện trên 3 phương diện sau:
Đề thi rất dài, học sinh khó có thể làm xong bài thi trong vòng 150 phút, với phạm vi kiến thức trải rộng trong chương trình Vật lý từ Lớp 8 đến Lớp 9.
Các câu hỏi có độ khó cao, khối lượng tính toán lớn và phức tạp, đòi hỏi học sinh phải có khả năng xử lý số liệu và kiến thức Toán học tốt để áp dụng; ở các dạng toán: giải hệ phương trình, giải bài toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình, quang hình học, phần hàm số.
Nhiều nội dung câu hỏi liên quan tới kiến thức thực nghiệm đòi hỏi học sinh phải có kiến thức tốt về thực hành Vật lý (câu 5 được đánh giá là một câu hỏi chuyên sâu về thực nghiệm)
Theo các giáo viên, nhìn chung, đề thi có khả năng đánh giá và phân loại học sinh với năng lực Vật lý khác nhau và phù hợp với việc thi tuyển học sinh giỏi, chất lượng cao.