pnvnonline@phunuvietnam.vn
Để tránh gặp bất lợi lúc phỏng vấn, bỏ túi ngay những tuyệt chiêu sau
Lương phạm luôn là câu chuyện khiến dân công sở đau đầu cho nên việc thương lượng mức lương sao cho phù hợp với công sức mà bản thân đã bỏ ra để cống hiến cho công ty luôn khiến chị em văn phòng dốc sức.
Chấp nhận vào làm việc với mức lương thấy nhưng sau một thời gian lại cảm thấy dường như mức này không phù hợp với công sức của bản thân và muốn tăng lương là chuyện khá phổ biến.
Đơn cử, vừa mới đây, trong một hội nhóm được đông đảo dân văn phòng quan tâm, theo dõi trên mạng xã hội, một nữ nhân viên công sở đã có dịp bộc bạch những vướng mắc của bản thân xoay quanh câu chuyện lương tháng. Cụ thể, cô viết:
“Mọi người ơi, em hoang mang lắm đa!!! Em nhận công việc mới, nhưng em không giỏi deal lương. Mức lương công ty mới còn thấp hơn công ty cũ nữa, nhưng em vẫn đồng ý. Nhưng sau gần 2 tháng thử việc, em thấy mình không thể nào chịu nỗi mức lương này nữa. Hằng ngày, công việc này rút sạch ý tưởng, thể xác, tinh thần em.
Em muốn deal lương lại với sếp trước khi ký hợp đồng chính thức quá! Em có tham khảo đồng nghiệp, người ta bảo, vị trí của em người làm trước lương cũng không cao đâu. Giờ em hoang mang thật sự luôn. Có ai bày cách giúp em làm sao để deal lương thành công với sếp sau khi kết thúc thử việc được không?”.
Rõ ràng cô nàng công sở trong câu chuyện trên đã gặp vấn đề ngay từ khi thương lượng mức lương tại thời điểm xin việc. Cho nên, để tránh những vấn đề phát sinh không đáng có, chúng ta có chú ý những điểm bên dưới đây:
1. Lương bổng sẽ thương lượng sau
Lương bổng luôn là vấn đề quan tâm đầu tiên khi chúng ta xin việc ở bất kỳ vị trí nào, nhưng đó không phải lý do để vội vàng đề cập đến khi được mời phỏng vấn. Thay vào đó, chúng ta nên cho nhà tuyển dụng thấy được năng lực thật sự của bản thân. Khi đó việc thoả thuận lương sẽ dễ dàng hơn.
2. Tìm hiểu kỹ về công việc và mức lương tương ứng
Muốn thỏa thuận thành công mức lương thì trước tiên chúng ta cần tìm hiểu kỹ về công việc mình ứng tuyển. Việc tìm hiểu kỹ chứng tỏ ứng viên là người quan tâm đến công việc. Điều này sẽ giúp chúng ta ghi điểm đối với nhà tuyển dụng và đó cũng là lợi thế khi đề cập đến mức lương mong muốn.
Ngoài ra chúng ta cũng nên tham khảo về mức lương để chắc chắn rằng bản thân sẽ không đưa ra mức lương quá thấp hay quá cao so với vị trí công việc ứng tuyển. Chúng ta có thể tìm hiểu thông tin về mức lương bằng cách hỏi người thân, bạn bè hoặc liên hệ với các tổ chức tư vấn nghề nghiệp chuyên nghiệp cũng như tham khảo kết quả những cuộc khảo sát hằng năm của họ.
3. Hãy để nhà tuyển dụng nói về mức lương trước
Mặc dù mức lương là vấn đề chúng ta vô cùng quan tâm khi đi xin việc. Tuy nhiên, không phải vì thế mà trong cuộc phỏng vấn chúng ta vội đề cập đến mức lương khi cuộc phỏng vấn chưa kết thúc. Thay vì là người đặt câu hỏi, hãy để nhà tuyển dụng làm điều đó.
4. Không nên đưa ra mức lương cụ thể khi phỏng vấn
Khi phỏng vấn ứng viên nhà tuyển dụng đã chuẩn bị trước mức lương sẽ thương lượng. Vì vậy, khi được hỏi về mức lương, đừng vội vàng đưa ra một con số cụ thể. Tốt nhất, chúng ta nên đá quả bóng đó về phía nhà tuyển dụng.
Để tránh mắc phải sai lầm khi thương lượng lương, tốt nhất chúng ta nên tìm hiểu mức lương dao động trước khi đưa ra mức lương mong muốn. Nếu không, chúng ta có thể bị trả lương thấp hơn so với vị trí công việc hoặc nếu mức lương quá cao nhà tuyển dụng cũng sẽ không đồng ý và điều đó có thể khiến chúng ta không được chọn.
5. Thẳng thắn khi thương lượng lương
Vấn đề lương thưởng trong phỏng vấn vô cùng quan trọng vì vậy khi được nhà tuyển dụng hỏi về mức lương mong muốn hay yêu cầu về mức lương thì đừng ngần ngại.
6. Cẩn thận khi nói về mức lương cũ
Khi nhà tuyển dụng hỏi về mức lương cũ và công việc hiện tại, hãy thật thận trọng khi trả lời. Có thể ở vị trí mới này mức lương của chúng ta được trả sẽ cao hơn rất nhiều lần so với mức lương cũ. Do đó câu trả lời thành thật có thể sẽ là một điểm quan trọng để nhà tuyển dụng trả lương cho chúng ta ở công việc mới.
Diane Barowsky - một người làm việc trong lĩnh vực điều hành tuyển dụng khuyên các ứng viên: “Những gì tôi đang làm không quan trọng, quan trọng là tôi có đủ kỹ năng đáp ứng tốt công việc này không. Và tôi muốn nói rằng, tôi tự tin có đủ năng lực, kinh nghiệm để giải quyết tốt công việc được giao”. Ông cũng giải thích thêm: Nếu mức lương của bạn đang ở cấp thấp, thì việc nói thật sẽ chống lại quá trình đàm phán lương của bạn.