Để trẻ háo hức vào lớp 1

16/09/2015 - 11:16
Nhiều phụ huynh thừa nhận chính áp lực từ cha mẹ đã vô tình đẩy trẻ rơi vào tâm lý lo lắng, sợ hãi khi chuyển từ mầm non vào lớp 1.
Để trẻ sẵn sàng trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học, cha mẹ cần lưu ý dạy con những kỹ năng khiến con tự tin và độc lập. Ảnh minh họa: Internet

Nhớ về ngày các con sắp bước vào năm đầu tiên bậc tiểu học, chị Phạm Thị Thu Hương (Hà Tĩnh) rút ra kinh nghiệm cho chính mình từ 2 đứa con với tính cách hoàn toàn trái ngược. “Với con gái đầu, ngày đầu tiên vào tiểu học, ở con cảm giác lo lắng nhiều hơn là háo hức. Con sợ vì không được gặp bạn bè, cô giáo cũ. Ở lớp mầm non, hôm nào con mệt thì được bố mẹ cho nghỉ. Nhưng lên lớp 1, lúc vợ chồng tôi bảo con phải cố gắng ăn, rèn luyện, để cô giáo cho điểm tốt và không phê bình con trước lớp. Thế là con lại lo. Thực ra, không chỉ riêng vợ chồng tôi mà nhiều phụ huynh khác vẫn “dọa” con như thế”.
Đang làm công tác gia đình ở địa phương, thường xuyên xuống cơ sở, chị Hương thấy nhiều phụ huynh cũng vô tình “dọa” con, tạo áp lực cho con mà không biết. Con trai thứ 2 của vợ chồng chị lại rất háo hức khi vào lớp 1, bởi bằng biện pháp tâm lý, vợ chồng chị đã nói với con rằng lên tiểu học rất thích, con sẽ biết thêm nhiều điều hay mà ở lớp mẫu giáo không được học...
Chị Hương cho rằng, trẻ háo hức hay lo lắng khi bước vào lớp 1 chịu ảnh hưởng từ môi trường xung quanh và từ chính người lớn tạo nên.
Đồng quan điểm, theo chị Nguyễn Minh Huyền (Hà Nội), cách người lớn giáo dục, tạo môi trường thuận lợi cho quá trình chuyển tiếp của trẻ từ mầm non lên tiểu học là hết sức quan trọng. Điều này thể hiện rất rõ ở tâm  thế sẵn sàng vào lớp của trẻ đến đâu.
Là người dân tộc Thái, chị Quàng Thị Phương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nuôi dạy con tốt tỉnh Điện Biên, cho biết: Việc trấn an tâm lý cho trẻ người dân tộc thiểu số cũng là nỗi lo không nhỏ, bởi thêm khó khăn của trẻ trong việc giao tiếp.
Trong đợt tập huấn giảng viên chủ chốt về vấn đề này do Hội LHPN Việt Nam tổ chức mới đây, rất nhiều chị em đã khẳng định, bản thân mình hoặc con cái mình không háo hức trong ngày đầu tiên đi học lớp 1, cảm giác lo lắng, sợ hãi khi bắt đầu đến trường tiểu học.


Sau lớp tập huấn giảng viên chủ chốt về vai trò của cha mẹ trong giai đoạn chuyển tiếp mầm non lên tiểu học, các giảng viên 
sẽ phổ biến kinh nghiệm cho chị em ở cơ sở. Ảnh: Thanh Hùng

Tránh gây áp lực cho con
Theo Thạc sĩ Bùi Ngọc Diệp (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam): “Giai đoạn trẻ chuyển từ “học qua chơi” sang học một cách chính thức, chuyển từ học không chủ đích sang học có chủ đích, thì trẻ sẽ phải đối mặt với những lo lắng khi thay đổi môi trường học tập. Thực tế hiện nay có khá nhiều trẻ em khi bắt đầu đi học lớp 1 bị rơi vào tình trạng lo lắng, sợ sệt vì phải đối mặt với những nhiệm vụ học tập mới cũng như những yêu cầu nghiêm khắc từ giáo viên và cha mẹ. Áp lực về nhiệm vụ học tập luôn là nỗi ám ảnh với các em”.
Thạc sĩ Bùi Ngọc Diệp khẳng định, cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ con ở giai đoạn chuyển tiếp. Mặc dù cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ nhưng cần nhớ rằng mình không phải là giáo viên và không nên gây cho trẻ những áp lực khiến con lo sợ về việc phải đi học lớp 1, cũng như gieo vào đầu trẻ suy nghĩ về việc học tập ở tiểu học sẽ rất khác, rất khó so với ở trường mầm non.
Giai đoạn chuyển tiếp là một quá trình nên phải bắt đầu ngay từ lúc trẻ còn nhỏ. Đồng thời, cha mẹ cũng nên biết việc hỗ trợ con trong giai đoạn chuyển tiếp để trẻ sẵn sàng khi vào lớp 1 hết sức quan trọng. “Tạo ra sự phấn khích hay áp lực hoàn toàn do cách cha mẹ nói với con”, bà Diệp tư vấn.
Để trẻ sẵn sàng trong giai đoạn chuyển tiếp, cha mẹ cần lưu ý dạy con những kỹ năng khiến con tự tin và độc lập. Trang bị những kỹ năng này không khó, ví dụ cha mẹ có thể cùng con nấu ăn, nhặt rau, quét nhà, dọn dẹp, lập danh sách mua sắm... Để con tự làm những việc như tự ăn, mặc quần áo, dọn dẹp, trả lời điện thoại, vệ sinh cá nhân, hỏi han hàng xóm, tự chuẩn bị sách vở, sắp xếp đồ dùng ngăn nắp... 
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể hỗ trợ con phát triển ngôn ngữ bằng cách cùng con đọc sách và diễn tả cảm xúc, tình cảm khi đọc. Hoặc cùng nhau hát, gieo vần, hướng dẫn cách phát âm đúng, hay đơn giản là chơi với con. Hướng dẫn trẻ dùng từ chính xác khi mô tả sự vật và sự việc, biểu lộ thái độ, tình cảm như xin lỗi, cảm ơn... Nếu được chuẩn bị tâm thế tốt, trẻ sẽ tự tin, háo hức hơn khi vào lớp 1.
Nhằm hỗ trợ cha mẹ những kiến thức và kỹ năng để giúp con chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học và lựa chọn nghề nghiệp tương lai, trong 3 ngày (từ 7 đến 9/9/2015), Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Flamand (Vương quốc Bỉ) tổ chức Tập huấn giảng viên chủ chốt về vai trò của cha mẹ trong giai đoạn chuyển tiếp mầm non lên tiểu học và bình đẳng giới trong hướng nghiệp. 
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm