Đề xuất không đưa hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp sửa đổi

PV
21/05/2020 - 09:55
Đề xuất không đưa hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp sửa đổi

Ảnh minh họa

Hiện có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, đóng góp tới 30%GDP. Nhiều ĐBQH cho rằng, quyền, nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi Luật, chứ không thể quy định bằng Nghị định như hiện nay. Tuy nhiên đưa loại hình này vào dự thảo Luật Doanh nghiệp là không phù hợp.

Sáng nay (21/5), tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (Điều 1, Điều 2 và Chương VIIa), đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng: Hộ kinh doanh cùng tồn tại với nhiều loại hình kinh doanh khác trên thực tế, rất cần có sự quản lý của Nhà nước; đồng thời cần tạo hành lang pháp lý và để loại hình kinh doanh này có được sự tiếp cận với các chính sách.

Tuy nhiên theo đại biểu Tiến, đưa đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo luật này là vấn đề lớn. Thực tế cho thấy, số lượng hộ kinh doanh nhiều gấp 5 lần doanh nghiệp; trong khi đó, quy mô, hoạt động của hộ kinh doanh khác biệt với loại hình doanh nghiệp. Đặc biệt, vấn đề luật hóa hộ kinh doanh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp thì vấn đề đặt ra là cách thức quản lý lại chưa rõ ràng và lại có nhiều khác biệt với doanh nghiệp. Chính vì vậy, đại biểu này nêu quan điểm "không đưa đối tượng hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp".

Đề xuất không đưa hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp sửa đổi - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đồng tình quan điểm, đại biểu Dương Minh Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết hiện nay có hơn 5 triệu hộ kinh doanh với hơn 3 triệu hộ có mã số thuế. Hộ kinh doanh tạo ra hơn 66 ngàn tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 7 ngàn lao động; chiếm tới 30% GDP.

Theo đó, đại biểu Tuấn cho rằng cần phải nâng cao quản lý với loại hình kinh doanh này. Hiện nay việc quản lý hộ kinh doanh bằng Nghị định cần nâng lên thành luật để có tính pháp lý cao hơn; tạo sự bình đẳng giữa hộ kinh doanh với các loại hình khác. Đại biểu Tuấn cũng nêu quan điểm, hộ kinh doanh có quy mô nhỏ, mang yếu tố truyền thống gia đình, nên đưa hộ kinh doanh vào 1 luật riêng, không nên đưa vào thành một đối tượng điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đại biểu Tuấn cho rằng, quy định với riêng loại hình các hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp không phải đăng ký kinh doanh; như vậy sẽ tạo tâm lý so bì của các loại hình hộ kinh doanh khác; đồng thời không tạo ra động lực phát triển cho kinh tế hộ gia đình. Trong khi đó, với các đối tượng hộ kinh doanh này cần có những thống kê, khảo sát cụ thể về số lượng, quy mô thực tế để có cơ sở thực tế đưa ra chính sách.

Trong buổi sáng nay, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp, hiện có 2 loại ý kiến: Thứ nhất, có đại biểu nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật này, với các lý do như: luật hóa tối đa với hộ kinh doanh đã được quy định tại Nghị định số 78. Đồng thời, việc quy định một Chương về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật chỉ là việc bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định chung đã có về hộ kinh doanh; sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh.

Đề xuất không đưa hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp sửa đổi - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Nhóm ý kiến thứ hai, nhiều đại biểu đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh. Theo các đại biểu, xét về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi Luật, chứ không thể quy định bằng Nghị định.

Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp là không phù hợp vì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của luật này.

Hộ kinh doanh có hình thức kinh doanh khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần. Những quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo Luật chỉ mới giải quyết được việc kiểm soát, quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh, mặt khác có thể làm tăng rủi ro, tăng chi phí đối với thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh; bên cạnh đó chưa có quy định tạo thêm quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn kinh doanh, tạo thêm thuận lợi cho hộ kinh doanh, cũng như các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh.

Vì vậy, việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật dẫn đến phải mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho một chủ thể mới. Cùng với đó, số lượng về đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn. Vì vậy, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật tốt nhất điều chỉnh và áp dụng cho chủ thể hộ kinh doanh, tránh những tác động bất lợi tới hoạt động của các hộ kinh doanh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất lựa chọn loại ý kiến thứ 2, không đưa hộ kinh doanh vào đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm