Đền Bà Chúa Kho từng suýt bị người Pháp phá bỏ

08/02/2017 - 07:00
Khi xây dựng tại khu vực này nhà máy giấy Đông Dương, ông chủ người Pháp muốn phá đền dù vấp phải sự phản đối quyết liệt của dân địa phương. Một hôm, vợ ông đau bụng suýt chết và ý định phá đền dừng hẳn.

Theo sử sách ghi lại, đền Bà Chúa Kho có liên quan đến sự kiện Lý Thường Kiệt lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược vào năm 1076. Theo đó, làng Cổ Mễ được chọn là nơi đặt kho quân lương của quân của nhà Lý ở bờ nam chiến tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay).

Tương truyền, Bà Chúa Kho xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở làng Quả Cảm gần đó. Bà được miêu tả là người con gái rất đẹp. Sau khi lấy vua nhà Lý, thấy ruộng đất làng Quả Cảm còn bị hoang hóa nhiều, bà đã xin vua cho về làng chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang.

Cũng vào khoảng thời gian này, bà còn có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại núi Kho (tỉnh Bắc Ninh). Ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (năm 1077), trong lúc phát lương cứu giúp dân làng, bà đã bị giặc sát hại. Nhà vua thương tiếc hạ chiếu phong bà là Phúc Thần.

Người dân tỏ lòng biết ơn đã lập đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở núi Kho và gọi bà với sự tôn kính là Bà Chúa Kho.

n-b-cha-kho-l-ni-c-cho-l-rt-linh-thing.jpg
 Đền Bà Chúa Kho ở phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh được cho là nơi rất linh thiêng.

Từ thời Pháp thuộc, đền Bà Chúa Kho đã có nhiều thương nhân ở Hà Nội, Hải Phòng và các vùng lân cận đã tìm về đây để khấn lễ và chiêm bái. Ngôi đền ngày đó còn rất nhỏ.

Đầu thế kỷ XX, người Pháp đã cho xây dựng tại núi Kho nhà máy giấy Đông Dương. Đây là nhà máy rất lớn, bao trùm gần như toàn bộ quả núi. Khi ấy, ông chủ người Pháp đã có ý định sai người phá bỏ ngôi đền nhưng gặp phải sự phản đối quyết liệt của người dân Cổ Mễ. Mặc dù bọn chúng xây tường bao rất cao, bảo vệ nghiêm ngặt nhưng người dân địa phương vẫn tìm cách trèo vào, quyết lấy thân mình bảo vệ ngôi đền cổ này.

Một lần, khi ông chủ người Pháp quyết tâm phá đền thì bà vợ tự dưng lăn ra đau bụng quằn quại. Các bác sĩ giỏi được triệu đến nhưng những cơn đau không hề dứt.Trong hoàn cảnh đó, một công nhân người làng Cổ Mễ đã đề nghị làm mâm lễ cúng trong đền và được ông chủ đồng ý.

Lễ cúng vừa dứt thì người vợ cũng hết đau. Kinh ngạc trước sự linh thiêng của ngôi đền, ông chủ người Pháp không phá đền nữa mà cho làm một con đường bê tông nhỏ từ cổng nhà máy dẫn lên đền và để người dân tự do ra vào cúng bái. Ngôi đền nằm dưới bóng 2 cây đa lớn mọc hai bên chái đền.

Vào năm 1967, khi giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, thành phố Bắc Ninh cũng là một trong những trọng điểm bị địch dội bom tàn phá. Điều kỳ lạ là mặc dù máy bay địch dội bom xuống làng Cổ Mễ, san bằng nhiều điểm ở thành phố Bắc Ninh, cày xới núi Kho nhưng không có quả bom nào rơi vào đền.

hng-ngn-ngi-dn-hnh-hng-v-n-b-cha-kho-dp-u-nm.gif
Mỗi ngày, có hàng ngàn người dân hành hương về đền Bà Chúa Kho dịp đầu năm. Người ta tin vào sự linh thiêng, kỳ diệu của đền Bà Chúa Kho, dù trải qua kháng chiến ác liệt vẫn trụ vững.

Mặc dù ngày 14 tháng Giêng hàng năm mới là ngày chính của Lễ hội nhưng ngay ngay từ những ngày đầu xuân và kéo dài trong cả tháng Giêng, dòng người đã đổ về đền Bà Chúa Kho rất đông.

Mọi người đến đây không chỉ là cầu an, cầu lộc mà còn tìm về Bà Chúa Kho với tâm lý ‘vay’ ít lộc với mong một năm vốn liếng dồi dào làm ăn phát đạt. Với quan niệm ‘đầu năm vay, cuối năm trả’, tâm lý vay vốn của người dân được bắt nguồn từ những huyền tích xưa về ngôi đền và cùng với đó là sự linh thiêng, kỳ diệu của đền Bà Chúa Kho dù trải qua kháng chiến ác liệt vẫn trụ vững.

2.jpg
 Người dân tìm đến đây để cầu xin phúc lộc và  'vay vốn' làm ăn. Với quan niệm đã vay thì phải trả, việc vay lễ diễn ra vào đầu năm và lễ tạ diễn ra vào cuối năm.

Nghi thức ‘vay vốn’ cũng rất rõ ràng, người ta ghi trong sớ là vay bao nhiêu, làm gì và bao lâu sẽ trả, thậm chí có người còn hứa là vay 1 trả 3, trả 10... Việc vay lễ diễn ra vào đầu năm và lễ tạ diễn ra vào cuối năm. Với quan niệm đã vay thì phải trả, việc vay lễ diễn ra vào đầu năm và lễ tạ diễn ra vào cuối năm nên dù có làm ăn tốt hay không, đã hứa với Bà Chúa Kho giữ đúng lời hứa.

Năm 1989, đền Bà Chúa Kho đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và được tỉnh Bắc Ninh trùng tu tôn tạo, mở rộng với quy mô lớn.

Đền Bà Chúa Kho là một trong những di tích cổ kính gắn liền với hàng ngàn năm lịch sử của vùng đất Kinh Bắc. Từ lâu ngôi đền này đã đi vào tâm linh tín ngưỡng dân gian linh thiêng “sở cầu đắc cầu, sở nguyện đắc nguyện”.

Ngôi đền đông đúc vào hai dịp là đầu năm và cuối năm theo quan niệm ‘đầu năm đi vay - cuối năm đi trả’. Hàng năm có tới hàng ngàn lượt khách từ khắp nơi đổ về ‘vay mượn’ Bà Chúa hay cầu xin phúc lộc...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm