Đến Sydney ngắm các loài chim dạn dĩ hơn người

26/11/2016 - 09:52
Đến thành phố biển Sydney, Australia, từ nhà hát Opera, cầu cảng tới Chợ cá... đâu đâu cũng thấy các loài chim, đặc biệt là mòng biển. Con thì lả lướt trên cao, con thì là là mặt nước, con thì lười biếng phơi nắng... Chúng nhởn nhơ như chốn không người.
Ngắm mòng biển hiền đáng yêu vô cùng. Những cánh chim rập rờn chao liệng trên biển như lời chào thân thiện du khách đến Sydney (Australia)

Qua đêm đầu tiên ở Sydney, sáng sớm dậy, tôi đã hăm hở theo chân dân bản địa là ông sui gia ra đường, đi bách bộ ở một khu công viên nhỏ gần nhà. Tại đây, chim chóc có mặt khắp nơi. Từ lúc mờ sáng, chưa ra khỏi giường đã nghe tiếng chim hót vang dậy ngoài cửa sổ. Nói là chúng ‘dạn dĩ’ thôi thì chưa đủ chính xác. Từ các mái nhà hay tàng cây, chim thản nhiên sà xuống mặt đất, con thì lò dò băng qua đường bất chấp đèn xanh đèn đỏ, con ung dung đứng trước mũi xe đang vô chỗ đậu, vài con lớ ngớ đứng trên vỉa hè nhìn vào tiệm bán xổ số đang đôn nghẹt người xếp hàng… 

Tất nhiên, nhiều chim nhất là trong các công viên toàn cây xanh, thảm cỏ. Chim tha hồ bay, nhảy trên bãi cỏ, cành cây. Nhiều con mải miết mổ tìm mồi rất lâu trong cỏ, thậm chí không thèm ngẩng đầu lên khi có người bước đến gần. Nhưng có vẻ chỉ là trò vô bổ vì hồi lâu, chẳng thấy chúng nhặt được con sâu, hạt thóc nào cả. Nhưng rồi, chúng vẫn lớn giọng, kêu quang quác khi bay đi, như thông báo cho đồng loại một tin gì đó hay ho lắm vậy. 

Chim chóc có mặt trên đường phố với nhiều giống loài, phổ biến là quạ, sáo, kéc, cu đất, bồ cầu rừng…, ít hơn một chút là cò quắm, cò trắng, chích chòe, vịt nước, le le và một hai loại chim mỏ dài hay lặn hụp dưới các mương xả nước mưa. Điều lạ là không thấy một con chim se sẻ nào cả. Chim ở đây thường rất chộn rộn, ồn ào, nhất là lũ quạ và kéc. Kéc thì đủ màu: Xanh, trắng, trắng/hồng, ngũ sắc…; quạ thì có quạ đen, quạ khoang. Bộ lông quạ khoang có hai màu đen/trắng, trắng thì trắng toát tạo nét tương phản rất mạnh, nổi bật trên màu xanh của cỏ cây. 

Khung cảnh thanh bình

Riêng về các loại chim biển, như hải âu và mòng biển, du khách rất dễ tiếp cận. Với tên tiếng Anh là ‘Chợ cá’, nghe có vẻ bình dân nhưng thực tế đây là một bến cảng làm ăn lớn, vừa có ngôi chợ bán đầy đủ các loại hải sản tươi ngon nhất, vừa có khu công viên, bày bàn ghế công cộng (có dù che) trên kè bê-tông nhô ra mặt sông để du khách ngồi ăn uống, nghỉ ngơi. Nhưng có điều là phải coi chừng bọn hải âu, mòng biển. Chúng vừa đông vừa hỗn hơn đồng bọn ở khu ăn uống bên Nhà hát ‘Con sò’ Sydney nhiều. Ngó lơ là chúng nhào tới giựt con tôm nướng, miếng cá chiên ngay trên tay thực khách. Và nếu ai dại dột quăng miếng ăn thừa cho chúng thì chúng sẽ bay đến lũ lượt, giành giựt dưới đất, thừa cơ mổ luôn vào đồ ăn trên bàn. 

Còn ở vịnh South Port, gần bãi biển Gold Coast nổi tiếng của thành phố Brisbane, có một nhà hàng Seafood đưa ra một ‘chiêu’ thu hút du khách rất hay. Đó là hằng ngày, cứ đúng 1giờ 30 trưa, nhân viên nhà hàng lại đem mấy xô đầu, lòng, xương cá thải bỏ ra cạnh một vũng nước cạn phía sau khu bếp để cho chim bồ nông ăn. Những chú bồ nông hoang dã vốn cư trú và kiếm ăn ở phương nào không biết, đã quen được cho ăn kiểu trên nên rất đúng hẹn. Ngày nào cũng vậy, cứ trước 1 giờ 30 trưa là bay đến, đậu cả đàn chờ chực… Cảnh mấy chú chim lớn xác này náo động, giành nhau miếng cá làm cho du khách rất thích thú, chụp ảnh quay phim lia lịa. 

Thấy ảnh đàn bồ nông tôi đăng trên facebook, Hân, cô cháu có tính rất nghiêm túc đang sống tại Perth, liền ‘còm’ rằng như mấy chú bồ nông này, chim được người cho ăn riết rồi dần biếng nhác, chỉ chờ khách du lịch cho ăn, hay chờ người ta đi câu về, bỏ cá nhỏ cho ăn, mà không đi kiếm ăn, không thèm lao động nữa nên ở đây có qui định cấm cho chim ăn. Tôi nghĩ vụng, cấm như thế là đúng, có thể hiểu là một cách bảo vệ cho chim chóc không bị rơi vào tình trạng cùn mòn hay có thể ‘quên’ luôn khả năng tự kiếm ăn - xuất phát từ bản năng sinh vật là kiếm mồi, săn mồi - trong đời sống hoang dã của chúng. 

Tôi nhớ, ở một cái hồ nước rất đẹp, một khu sinh thái đầy ắp chim chóc ở vùng Forest Lake, cũng thuộc Brisbane, những tấm bảng thông báo cấm trên vòng quanh bờ hồ còn trình bày rõ hơn nữa về lý do không nên cho chim, thú ăn. Đại khái đây là lời kêu gọi du khách không nên cho chim, thú ăn hay bỏ thức ăn (của người) lại nơi hoang dã với lý do là sẽ khiến chim, thú có thể bạo động, tấn công người cho ăn và du khách khác, đồng thời chúng sẽ bị bệnh và kéo đến ở, phát triển bầy đàn đến mức địa điểm tham quan bị quá tải. 

Đã rõ là, dù ở vùng ‘đất lành, chim đậu’ này, mặc nhiên chim chóc sống hòa bình sát cạnh con người như thế, nhưng người ta muốn chim chóc vẫn giữ nguyên tính hoang dã của chúng, bằng cách không để chúng bị đồng hóa vào sinh hoạt của con người, Như không nên làm cái việc quá dễ dàng là cho chim ăn thức ăn thừa thãi của con người, vì việc này rõ ràng không tốt cho cả hai phía - chim và người. 

Dường như chim chóc ở Úc đã thầm tỏ ra đất này là của chúng. Đã tự phân rõ chủ/khách như thế nên chim không hề tỏ ra sợ, tránh người. Như ở nơi chúng đang có mặt hay chỉ là dừng cánh chốc lát, đậu hót chơi thôi chứ không-làm-gì-cả, bất cứ tên người nào lai vãng đến gần cũng đều là kẻ xâm lấn trái phép hay ít ra cũng là kẻ khiêu khích.

Có người còn phân tích rằng về hiện tượng một số loài chim ở đất này thường chủ động đến gần người, điển hình là chim hải âu ở Opera Housre, Fish Market ở Sydney hay Gold Coast ở Brisbane, thì mục đích của chim chỉ là để kiếm ăn, chứ không hề có ý định nào khác. 

Nhà hát Opera - công trình biểu tượng của nước Úc - du khách không thể bỏ qua khi đến Sydney

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm