Đeo khẩu trang đề phòng thủy ngân

26/04/2016 - 16:26
Hiện cơ quan chức năng chưa thể khẳng định chính xác không khí ở Hà Nội nhiễm thủy ngân. Để hạn chế nguy cơ nhiễm độc, người dân nên đeo khẩu trang khi ra đường.
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Lao động Thái Hà cho rằng, mặc dù nồng độc thủy ngân ở môi trường Hà Nội chưa được đo đạc một cách chính xác nhưng việc dự phòng là cần thiết. Để tránh ngộ độc do hít phải thủy ngân trong không khí, tốt nhất bà mẹ và trẻ nhỏ nên sống xa khu vực có ô nhiễm không khí nói chung. 

Trong trường hợp không thể thay đổi nơi cư trú, mọi người có thể phòng vệ bằng cách đeo khẩu trang cẩn thận cho cả bản thân và trẻ nhỏ mỗi khi đi ra đường. Nên sử dụng các loại khẩu trang đạt tiêu chuẩn cao, hoặc khẩu trang y tế, khẩu trang có than hoạt tính… Việc đeo khẩu trang không thể giúp phòng tránh hoàn toàn, song phần nào có thể ‘lọc’ được những chất ô nhiễm độc hại trong không khí.

Ngoài ra, nên hạn chế ra ngoài đường nếu không cần thiết. Không khí ở ngoài môi trường mức độ ô nhiễm cao hơn so với không khí trong nhà. Bác sĩ Dung cũng khuyến cáo nên có chế độ sinh hoạt và lao động hợp lý để tăng sức đề kháng, nâng cao thể trạng sức khỏe. Điều này giúp hạn chế rủi ro bệnh tật.
khau-trang.jpg
Đeo khẩu, hạn chế đi ra ngoài để tránh hít phải thủy ngân
Theo các chuyên gia về y tế, thủy ngân trong không khí rất độc hại, nếu thường xuyên hít phải sẽ gây nhiều nguy cơ cho sức khỏe.

Nếu hít phải khí có chứa thủy ngân, thủy ngân sẽ hấp thu nhanh qua đường hô hấp, qua màng phế nang vào máu đến thận, gan lách và hệ thần kinh trung ương. Chất này có thể ứ đọng trong khí quản, trong phổi, tạo ra hiện tượng tắc nghẽn tế bào phổi hay còn gọi là tắc nghẽn tiểu phế nang, gây tình trạng khó thở, làm giảm lượng ô xy trong cơ thể, lâu dần sẽ khiến cơ thể yếu đi.

Thủy ngân tồn dư trong cơ thể con người lâu ngày sẽ gây nên bệnh ung thư. Bà mẹ mang thai thường xuyên tiếp xúc với không khí chứa thủy ngân có thể bị nhiễm độc và dẫn đến các rủi ro hay khuyết tật đối với các thai nhi. 

Trẻ em hít phải thủy ngân sẽ hấp thu nhanh qua đường hô hấp, qua màng phế nang vào máu đến thận, gan lách và hệ thần kinh trung ương và hệ nội tiết. Sức đề kháng của trẻ thường kém hơn so với người lớn, các bộ phận trong cơ thể trẻ còn đang phát triển, nên sự tác động của thủy ngân đối cơ thể trẻ sẽ trầm trọng hơn. Sự phơi nhiễm kéo dài gây ra các tổn thương não và nhiều bệnh tật khác. Trường hợp trẻ tiếp xúc lượng thủy ngân nhiều có thể gây tử vong.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm