pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đẹp nhà, sạch ngõ, hiệu quả kinh tế cao
Người dân xã Minh Tiến dọn dẹp đường làng, ngõ xóm
Hiệu quả của mô hình vườn đẹp
Từ cổng vào nhà chị Hà Thị Yên (thôn Thanh Sơn, xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) là đường hoa. Ngoài đường hoa, cây xanh được trồng dọc theo con đường bê tông dẫn vào sân nhà. Chỉ sang hai bên, chị Yên cho biết là vườn ổi lê Đài Loan (Trung Quốc) với gần 400 gốc xanh tốt, phía sau nhà còn có hơn 4.000m2 dứa gai chuẩn bị đến kỳ cho thu hoạch. Cuối cùng của khu vườn là dãy chuồng trại chăn nuôi lợn với 20 con lợn nái và khoảng hơn 600 con lợn thịt mỗi năm. Tất cả được gia đình chị Yên phân khu gọn gàng, đẹp mắt, giữa các khu có đường bê tông sạch sẽ, hệ thống nước tưới trải rộng khắp khu vườn.
Chị Yên cho biết, năm 2018 gia đình mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng cây cao su kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao. Với 1ha diện tích, gia đình chị bố trí 2.000m2 trồng ổi, 4.000m2 trồng dứa gai, còn lại quỹ đất xây dựng khu chăn nuôi lợn. Khi thực hiện xây dựng mô hình vườn đẹp, gia đình xây dựng đường đi lối lại, lắp hệ thống tưới tự động và đưa thêm một số loại cây ăn quả phù hợp.
Đến nay, mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi theo hướng sản xuất nông nghiệp an toàn đã phát huy hiệu quả, tạo việc làm cho 3 lao động nông thôn. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị thu về gần 600 triệu đồng.
Cũng như chị Yên, với quyết tâm vươn lên làm giàu, ông Trương Thế Minh (thôn Thanh Sơn) đã tìm hiểu qua báo, đài, mạng facebook và thăm quan một số mô hình cây có có múi trong và ngoài huyện. Ông nhận thấy cây bưởi giàu tiềm năng phát triển nên đã bắt đầu trồng 100 gốc bưởi Diễn trên diện tích hơn 1.500m2 vào năm 2015.
Ông Minh cho biết, cây bưởi Diễn rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Hơn nữa, gia đình đã đầu tư nguồn lực cùng với khoa học kỹ thuật trong chăm sóc và bảo vệ cây trồng, nên diện tích bưởi Diễn của gia đình phát triển tốt, độ cao đồng đều, ít sâu bệnh và cho năng suất cao. Với giá bán bình quân 10.000 đồng/quả, mỗi năm gia đình ông thu về hơn 80 triệu đồng.
Theo ông Minh, khi tham gia xây dựng vườn đẹp, ngoài việc quy hoạch lại hệ thống vườn, đầu tư mở rộng diện tích cây ăn quả, gia đình cũng thường xuyên vệ sinh khu vực trồng trọt. Đồng thời, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Thay vào đó, gia đìnhh ông dùng phân chuồng ủ hoai mục, chế phẩm sinh học bón cho cây theo từng giai đoạn và dùng các loại ngô, thóc, cám nuôi dưỡng đàn gà trên 120 con.
Bên cạnh đó, gia đình còn đầu tư hàng rào quanh vườn, cải tạo đường đi, xây dựng chuồng trại sạch, thoáng, lắp đặt bể khí biogas chăn nuôi từ 65-70 con lợn. Từ đó, không chỉ tạo thuận lợi cho việc nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch, mà còn góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường. Ngoài việc cảnh quan, vườn tược được gọn gàng, sạch đẹp hơn thì thu nhập từ vườn cũng được nâng cao hơn nhờ sử dụng hiệu quả diện tích đất trồng. Bình quân mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông Minh thu lời hơn trên 300 triệu đồng và đã giúp gia đình ông ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.
Nhiều hộ dân nhiệt tình tham gia
Được biết, mô hình "Nhà sạch, vườn đẹp" với các tiêu chí rõ ràng đã được Hội LHPN huyện Ngọc Lặc triển khai toàn huyện với 21 thôn, làng, khu phố của 21 xã, thị trấn với 2.980 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tham gia thực hiện.
Để mô hình tiếp tục được nhân rộng, Hội Phụ nữ các cấp huyện Ngọc Lặc đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức để người dân thực sự hiểu, tự nguyện, tự giác thực hiện. Đồng thời, tăng cường duy trì hoạt động vệ sinh đường làng ngõ xóm, thu gom rác thải tại khu vực xung quanh nhà và nơi công cộng. Các cấp Hội cũng phổ biến cho người dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường, cảnh quan.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, đoàn thể coi đây là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, hình thành nếp sống văn minh tại khu vực miền núi. Đồng thời tăng cường sự hỗ trợ từ các nguồn lực để triển khai nhân rộng mô hình trong những năm tới. Từ đó tạo bước chuyển biến, nhận thức và sức lan tỏa rộng khắp trong cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân, góp phần xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, xóm làng sanh - sạch - đẹp.
Đánh giá về mô hình này, bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Tiến cho biết, phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng nhà sạch, vườn đẹp gắn với xây dựng nông thôn mới đã giúp người dân thay đổi nhận thức, hành động. Đồng thời, hình thành nền nếp lao động, sản xuất có khoa học, sử dụng quỹ đất sản xuất có hiệu quả cao hơn, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số. "Chúng tôi mong rằng, sẽ ngày càng có nhiều hộ dân tham gia mô hình này, bởi ngoài đẹp nhà, sạch ngõ còn mang lại hiệu quả kinh tế cao", bà Hà chia sẻ.