pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dệt may Việt Nam tìm kiếm cơ hội ở thị trường nội địa
Ảnh minh họa: ND
Chỉ có đơn hàng theo... tuần
Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho rằng, hiện chưa thể đưa ra các dự đoán dài hạn nhưng tập đoàn này đã lường trước kịch bản có thể giảm 20% doanh thu năm nay. "Đơn hàng cho quý IV hầu như chưa có, là thách thức lớn cho kế hoạch sản xuất kinh doanh của chúng tôi. Trong khi đơn hàng khẩu trang đã đảo chiều, ít và giá giảm đến mức chỉ vừa đủ chi phí sản xuất", ông chia sẻ.
Theo thông lệ hằng năm, thời điểm này các doanh nghiệp đều đã có đơn hàng đến cuối năm và nửa đầu năm sau. Nhưng hầu hết các doanh nghiệp hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần. Một số đơn vị hiện mới nhận được 50%-60% đơn hàng so với tháng 9 năm ngoái, các tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp đang xoay chuyển, tìm kiếm những cơ hội cho mình ở chính "sân nhà".
Ông Nguyễn Văn Miêng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định, chia sẻ, để bảo đảm duy trì việc làm cho người lao động, doanh nghiệp này đã có những xoay chuyển trong cơ cấu sản xuất. Nếu trước đây, Tổng Công ty đạt sản lượng sản xuất sợi 1.100 tấn, trong đó xuất khẩu 65%, thì nay xuất khẩu còn 45% và phần còn lại được đẩy mạnh ở thị trường nội địa.
Với mặt hàng vải, hiện doanh nghiệp sản xuất khoảng 1,2 triệu m/tháng nhưng có khả năng bị sụt giảm khoảng 23.000-300.000 m/tháng vào 2 quý cuối năm. Do đó, doanh nghiệp đang mở rộng thị trường ở phía Bắc, hướng tới dòng sản phẩm mới và tận dụng lợi thế vải qua nhuộm để bán sản phẩm đã hoàn tất, cung cấp cho các công ty may. Đồng thời, nâng cao liên kết chuỗi sợi - dệt - nhuộm để các đơn vị trong chuỗi cùng ổn định và phát triển.
"Mặc dù 6 tháng cuối năm bị lỗ nhưng với sự xoay chuyển trên, sản xuất và tiêu thụ mặt hàng sợi, vải, nhuộm của Tổng Công ty cả năm dự kiến sẽ có tăng trưởng, có thể tiến gần đến kế hoạch đã đề ra", ông Nguyễn Văn Miêng cho biết.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex, cho rằng, mặc dù doanh thu từ thị trường nội địa hiện vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ (khoảng 10% đối với năng lực của ngành), không thể là giải pháp giải quyết tất cả việc làm cho người lao động. Song phương án này vẫn cần được quan tâm như một giải pháp khích lệ tinh thần tích cực sản xuất của người lao động và thói quen sử dụng hàng Việt Nam của người dân. Bên cạnh đó, việc khai thác tốt thị trường nội địa còn có tác dụng giúp doanh nghiệp giải quyết "bài toán" nguyên liệu, giảm bớt sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.
Nỗ lực đổi mới để "lội ngược dòng"
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, với dân số Việt Nam gần 100 triệu người, mức tiêu dùng hàng dệt may hiện nay chiếm từ 5% đến 6% chi tiêu của người dân Việt Nam, tương đương 3,5 - 4 tỷ USD, cho thấy đây là thị trường rất tiềm năng.
Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, mặc dù dệt may Việt Nam đã thành công trong xuất khẩu nhưng kinh doanh ngay trên "sân nhà" lại khó khăn. Nguyên nhân bởi làm thị trường nội địa, doanh nghiệp phải vừa sản xuất, vừa xây dựng hệ thống phân phối, lên kế hoạch marketing bán hàng... khá "lắt nhắt" nếu so với làm hàng lô để xuất khẩu.
Ngoài ra, điểm yếu của các sản phẩm dệt may Việt Nam nội địa là chưa đa dạng về phân khúc thị trường và giá, mới mạnh ở phân khúc tầm trung như sơ mi công sở, quần áo đồng phục, đồ bảo hộ lao động...
Vì vậy, theo các chuyên gia, để "ngược dòng" về với thị trường nội địa, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần xây dựng mạng lưới kênh phân phối, nhất là những doanh nghiệp nhỏ cần tích cực hơn trong chinh phục người tiêu dùng bằng cách đầu tư cho thiết kế, tăng chất lượng sản phẩm và cơ cấu lại giá thành cho phù hợp, bắt kịp xu thế thời trang...
Còn theo các doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất của ngành may hiện nay chính là nguyên liệu. Vải sản xuất tại Việt Nam đắt hơn vải nhập ngoại, nhất là từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Trước khó khăn này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, để có thể đáp ứng sản phẩm sản xuất nội địa với nguyên liệu nội địa thì doanh nghiệp ngành may phải chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có các chính sách để quy hoạch, khuyến khích hỗ trợ ngành dệt, nhuộm phát triển. Bởi nếu không có nguyên liệu tốt trong nước thì không thể có hàng dệt may Việt Nam chất lượng cao để phục vụ người Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các khu công nghiệp có xử lý nước thải, kêu gọi đầu tư nhà máy về sợi - dệt - nhuộm để hoàn thiện chuỗi quy trình sản xuất nguyên liệu vải, phục vụ ngành dệt may. Đây sẽ là cơ sở để nội địa hóa nguồn nguyên liệu vải, nền tảng để ngành dệt may chuyển đổi sản xuất từ gia công sang thiết kế và sản xuất, tiêu thụ cả nội địa và hướng tới xuất khẩu mạnh hơn các sản phẩm may mặc mang thương hiệu Việt sau khi dịch bệnh bị đẩy lùi.