Đi làm 3 năm vẫn phải xin tiền bố mẹ

Vân Anh
10/05/2023 - 20:17
Đi làm 3 năm vẫn phải xin tiền bố mẹ
Với mức lương thấp, nhu cầu chi tiêu cao và không có kế hoạch tài chính, nhiều người trẻ rơi vào vòng lặp "kiếm ít tiêu nhiều".

Quản lý chi tiêu là bài toán khó với số đông người trẻ sau khi ra trường. Với tâm lý muốn đầu tư cho cuộc sống cá nhân, nhiều người dễ dàng tiêu hết sạch tiền lương và lâm vào tình cảnh "vung tay quá trán". Ở diễn biến khác, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều sinh viên từng mơ đến viễn cảnh tự chủ tài chính sau vài năm đi làm. Thế nhưng, với mức lương thấp, nhu cầu chi tiêu cao và không có kế hoạch tài chính, họ rơi vào vòng lặp "kiếm ít tiêu nhiều", sau đó lại quay về nhận tiền từ phụ huynh.

3 năm ra trường: Mạnh tay cho sở thích cá nhân nhưng không tiết kiệm được đồng nào

"Mình tốt nghiệp năm 2020, đến nay đi làm đã được 3 năm. Số tiền tiết kiệm trong tài khoản giờ là 4 triệu đồng, chỉ một lần mắc bệnh cũng có thể 'quét sạch' tất cả. Nói mình không để dành được đồng nào có lẽ cũng không nói quá", Mai Linh (25 tuổi) nói.

Mai Linh đang làm nhân viên Marketing cho một công ty về mảng Giáo dục. 2 năm đầu đi làm, Linh nhận được mức lương 4-8 triệu đồng/tháng. Từ khoảng đầu năm nay, thu nhập của cô đã tăng gấp rưỡi, khoảng 14 triệu đồng.

Giống bao người trẻ khác, Mai Linh cũng muốn để dành tiền mua tài sản lớn hơn như nhà đất, xe cộ hoặc đầu tư cho bản thân. Tuy nhiên, cô cho rằng với tiền lương ít ỏi hiện tại thì chỉ riêng việc cân đối chi tiêu không bội chi mỗi tháng đã là điều khó khăn.

3 năm ra trường vẫn không tiết kiệm được đồng nào, còn xin tiền từ bố mẹ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Pexel

 "Ở Hà Nội, mức lương 4-8 triệu đồng/tháng chỉ đủ trang trải phí sinh hoạt cơ bản, hoàn toàn không đủ để mình tiết kiệm được khoản nào. Nếu mình bỗng phát sinh một số nhu cầu khác như mua điện thoại, máy tính mới tầm trên dưới 20 triệu đồng thì cần tích góp trong ít nhất nửa năm hoặc xin tiền bố mẹ.

Sang năm thứ 3 đi làm, mình nhận được thu nhập cao hơn. Trong chi tiêu, mình dành 3 triệu tiền nhà, 2 triệu tiền ăn, 3 triệu tiền mua mỹ phẩm và quần áo, 700 ngàn tiền xăng xe, 1 triệu cho các chi phí khác. Số tiền còn lại mình thường tiêu cho sở thích cá nhân hoặc dùng để đi cafe, đi chơi… cùng bạn bè. Ngoài các khoản trên, mình còn để dành 2 triệu đồng/tháng để đầu tư mua đồ công nghệ phục vụ cho công việc", Mai Linh nói.

Với cách chi tiêu hiện tại, Mai Linh tự nhận cô chưa biết cách quản lý chi tiêu và giới hạn nhu cầu cá nhân nên đến cuối tháng, tnh trạng "nhẵn ví" diễn ra thường xuyên.

"Nếu thực sự chắt bóp 'chi tiêu', mình nghĩ bản thân có thể để dành đến 3 triệu đồng/tháng từ tiền lương hiện tại. Chẳng hạn như nếu mình chăm chỉ nấu ăn ở nhà, từ chối lời mời ăn uống hoặc hạn chế đi nghe nhạc có giá vé 1 triệu đồng mỗi tháng thì số tiền để dành sẽ nhiều hơn. Tất nhiên, đánh đổi điều này là mức sống cá nhân sẽ giảm xuống".

3 năm ra trường vẫn không tiết kiệm được đồng nào, còn xin tiền từ bố mẹ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn: Pexel

Hoàng Nga (23 tuổi), nhân viên văn phòng cũng là một người thường xuyên "đau đầu" khi phải nghĩ cách phân bổ chi tiêu sau khi nhận tiền lương. Hiện tại, cô nàng chỉ làm một công việc văn phòng có thu nhập không quá 10 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, cô dành 7 triệu đồng cho chi tiêu cá nhân, không mất tiền thuê nhà ở Hà Nội. Số tiền còn lại, Hoàng Nga thường dùng hết cho mua sắm cá nhân hoặc đầu tư cho chuyến du lịch.

Hoàng Nga chia sẻ, cô muốn có khoản tiết kiệm trước tuổi 30. Cũng vì thế, cô nàng từng nhiều lần đặt kế hoạch để riêng 20% thu nhập hàng tháng nhưng chưa khi nào thực hiện được quá lâu.

"Khó khăn của mình là luôn mắc kẹt giữa việc tiết kiệm và 'tâm lý sống hết mình'. Mỗi khi mình bắt đầu để dành tiền được vài tháng thì lại nảy sinh nhu muốn đi du lịch, mua sắm cái túi mới hay chiếc máy film. 

Phần lớn mình mua đều là đồ bình dân. Khi đi du lịch mình cũng tiết kiệm, tiền ăn và ở đều là mức chi tiêu trung bình. Tuy nhiên, nếu cộng dồn từng khoản lại với nhau thì sẽ thành một món tiền lớn. Rất nhiều lần sau khi vung tay quá trán, mình tự hỏi không biết bao giờ bản thân mới để dành được tiền từ khoản lương hiện tại".

3 năm ra trường vẫn không tiết kiệm được đồng nào, còn xin tiền từ bố mẹ - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Pinterest

Đắn đo mỗi lần xin tiền từ bố mẹ

Dù chọn sống tự lập thế nhưng Hoàng Nga không hoàn toàn tách biệt tài chính với bố mẹ. Mỗi tháng cô nàng thường được bố mẹ cho 2 triệu đồng, gồm 1 triệu đồng tiền mặt và 1 triệu đồng tiền mua đồ ăn cho con gái.

"Vì mình đi làm được 1 năm rồi nên rất đắn đo khi phải xin tiền từ bố mẹ. Gia đình mình thoải mái thôi, vì biết tiền lương của con không cao. 

Chẳng hạn như tháng trước, mình cần làm răng, tốn kém 4 triệu đồng một lúc. Sau đó, mình xin bố mẹ 2 triệu đồng chi phí và rất ngại khi nhìn tiền bố mẹ chuyển tiền vào tài khoản. Khi mình trao đổi với các bạn cùng tuổi thì họ cũng rơi vào tình cảnh này", Nga nói.

Tương tự như Hoàng Nga, Mai Linh cũng thường xin tiền phụ huynh mỗi khi có công việc cần chi tiêu mà ngày lĩnh lương chưa đến. Ngoài ra, cuối tuần về nhà, cô nàng cũng được bố mẹ mua đồ ăn sẵn và đồ dùng cá nhân để mang lên thành phố.

3 năm ra trường vẫn không tiết kiệm được đồng nào, còn xin tiền từ bố mẹ - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Pinterest

"Với khoản chi tiêu hiện tại, mình không nợ ai nhưng cũng không để dành được khoản nào. Mình còn phải xin phụ huynh một số khoản nhỏ khi hết tiền. Tất nhiên mình cũng thường xuyên mua lại cho phụ huynh vài món đồ này kia, thế nhưng tâm lý ra trường mà vẫn phải xin tiền từ bố mẹ khiến mình khá khó chịu.

Bố mẹ mình làm kinh doanh nhỏ lẻ dưới quê. Mình áy náy vì đã 25 tuổi rồi, đi làm trên thành phố mà chưa giúp được bố mẹ nhiều, có khi còn làm họ lo lắng thêm. Trong tương lai, mình dự tính sẽ cố gắng cân đối lại mức chi tiêu, nhất là tìm cách nâng cao thu nhập để gửi lại tiền cho bố mẹ càng sớm càng tốt", Mai Linh chia sẻ. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm