pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đi phỏng vấn bị từ chối là chuyện thường nhưng nếu đó là công việc trong mơ, bạn nên làm ngay 3 bước này
Phỏng vấn là một bước quan trọng mà hầu hết dân công sở nào cũng phải trải qua trước khi được đặt chân vào một môi trường làm việc nào đó. Chính vì quan trọng nên khâu sàng lọc ứng cử viên bằng cách xem kỹ CV, kiểm tra trình độ, đặt câu hỏi trao đổi,... được nhà tuyển dụng hết sức lưu tâm.
Tất nhiên, một khi ứng viên chuẩn bị không kỹ hoặc chưa có đủ tố chất phù hợp với vị trí ứng tuyển thì việc bị từ chối ngay trong buổi phỏng vấn là điều cũng dễ hiểu thôi. Chuyện này vốn là chuyện thường, chuyện phổ biến.
Ấy thế, nếu đó thực sự là môi trường làm việc trong mơ của bản thân, khi bị từ chối đừng vội thất vọng rồi thở dài bỏ cuộc. Cơ hội vẫn còn đó miễn là áp dụng 3 bước dưới đây:
Hỏi lý do
Khi bị nhà tuyển dụng thẳng thừng từ chối, dân công sở mà nhất là những người trẻ tuổi sẽ có xu hướng nảy sinh cảm giác xấu hổ và để không ai biết mình đang xấu hổ, họ thường nhanh chóng xin phép ra về, một lần ngoảnh mặt đi không quay trở lại.
Đây là một điều vô cùng đáng tiếc, bởi “đành đoạn chia tay” như thế chỉ tổ khiến dân công sở không bao giờ có được thêm một cơ hội nào nữa. Thay vào đó, hãy học cách chấp nhận bản thân mình chưa đủ giỏi, chưa đủ phù hợp.
Và để biết rõ hơn chưa giỏi cái gì, tại sao chưa phù hợp, cứ thẳng thắn hỏi lý do với người trực tiếp phỏng vấn mình. Đừng sợ sẽ bị đánh giá là cố chấp, dù cuộc phỏng vấn xin việc thất bại nhưng hành động này sẽ để lại rất nhiều ý nghĩa giúp bản thân mỗi người hoàn thiện hơn trong tương lai.
Xin lời khuyên
Sau khi biết về lý do, hãy thêm một lần cho phép mình “mặt dày” để qua đó bày tỏ quyết tâm muốn có công việc trong mơ bằng cách xin lời khuyên từ người tuyển dụng. Nhẹ nhàng đặt câu hỏi: “Tôi phải củng cố bản thân như thế nào để có cơ hội được làm việc ở đây trong tương lai?”.
Với câu hỏi mang đậm tinh thần quyết tâm trên, tin chắc rằng không có người tuyển dụng nào đành lòng ngó lơ. Và rồi, hàng loạt lời khuyên sẽ được đưa ra tương ứng với những thiếu sót khiến người ứng tuyển bị loại.
Không cần phải bàn cãi, được người khác mách nước giúp cải thiện bản thân là một món quà tuyệt vời dù cho cái kết của buổi phỏng vấn không “màu hồng” chút nào, phải không? Đừng chần chừ, sang bước thứ 3 ngay nhé!
Ghi chép và bày tỏ quyết tâm
Khi được cho lời khuyên hãy cẩn thận ghi lại từng ý một, đừng để sót bất kỳ thứ gì, từ việc phải nâng cao kỹ năng tay nghề, cải thiện năng lực làm việc cho đến vấn đề góp nhặt kinh nghiệm thực tế, tham gia vào các lớp kỹ năng mềm,... tất tần tật, cố gắng đừng thiếu lời khuyên nào.
Sau khi ghi chép xong hãy khẳng định với nhà tuyển dụng rằng bản thân sẽ phấn đấu nâng cấp bản thân thông qua các lời khuyên và hứa quay trở lại khi cơ hội chín muồi. Tất nhiên, đã hứa thì phải làm, nhà tuyển dụng vui vẻ cho bạn biết lý do, đóng góp lời khuyên mang tính xây dựng thì rõ ràng, đây gần như là nói: “chúng tôi sẽ cho bạn một cơ hội nữa, hãy cố gắng nhé”.
Đừng nghĩ rằng các bước bên trên là vô nghĩa, “bị từ chối rồi biết khi nào tuyển nữa mà xin vào”, “dư thừa mất thời gian, nhà tuyển dụng cũng chẳng quan tâm mấy đâu, bị loại là bị loại, không nói nhiều”,...
Sự thật thì những người quản lý luôn đánh giá cao tinh thần quyết tâm của mỗi nhân viên cấp dưới. Công việc nào cũng có những khó khăn nhất định, đức tính kiên trì thường xuyên là một trong những đức tính đầu tiên được các nhà lãnh đạo dùng đến để nói về các nhân viên ưu tú của mình.
Làm được 3 bước trên, người ứng tuyển dù cho thất bại nhưng đã phần nào để lại được ấn tượng tốt trong mắt nhà tuyển dụng bởi tinh thần quyết liệt. Họ sẽ lưu tâm và chắc chắn sẽ nhớ ra ngay khi bạn quay trở lại nắm lấy cơ hội vào một ngày đẹp trời nào đó. Tên của bạn là cái tên đầu tiên họ nhớ tới khi có một chỗ trống trong tương lai.
Nhưng nhớ hay không, ấn tượng hay không vẫn không tuyệt vời bằng việc người ứng tuyển đã biết chính xác con đường giúp mình có thể đặt chân vào công ty qua những lời khuyên dẫn lối đầy giá trị.
Nhu cầu của một công ty ngày hôm nay có thể hoàn toàn khác trong thời gian ngắn sắp tới hoặc cũng có thể vì sự phát triển mà trở nên khắt khe. Khi ấy, biết đâu nhiều người sẽ bị sa thải để dành chỗ cho người mới tiềm năng hơn. Đây chính là cơ hội cho bạn, vậy nên đừng lo, kiên trì mà cải thiện bản thân, ngày được bước chân vào môi trường làm việc trong mơ không còn xa đâu.