Đi tìm điểm nghẽn trong giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật

01/03/2019 - 10:54
Người khuyết tật, được coi là nhóm thiểu số lớn nhất thế giới và cũng là một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất, vì tình trạng khuyết tật khiến họ đã và đang phải chịu những thiệt thòi trên tất cả phương diện của đời sống xã hội, trong đó có việc học tập. Dù có nhiều nỗ lực, nhưng thực hiện giáo dục hòa nhập cho đối tượng này còn nhiều khó khăn. Vậy đâu là điểm nghẽn?

Giáo dục hòa nhập: Chưa minh định là quyền hay phương thức

Năm 2007, Việt Nam ký kết Công ước về quyền của người khuyết tật, và phê chuẩn nó từ 2014. Chúng ta thừa nhận giáo dục hòa nhập được coi là một phương thức chủ yếu, bên cạnh giáo dục bán hòa nhập và giáo dục chuyên biệt để giáo dục người khuyết tật. Tuy vậy, quyền tiếp cận giáo dục không được minh định trong Luật người khuyết tật 2010, mặc dù nó được nhắc đến như việc "được học văn hóa, học nghề" bên cạnh các quyền khác.

Việc không minh định giáo dục hòa nhập là quyền mà chỉ nhìn nhận nó là một trong các phương thức giáo dục người khuyết tật đã làm cho Luật Người khuyết tật 2010 không tương thích với điều 24 của Công ước về quyền của người khuyết tật 2006 là nhà nước phải bảo đảm:

Người khuyết tật không bị loại khỏi hệ thống giáo dục phổ thông vì lý do khuyết tật, và trẻ em khuyết tật không bị loại khỏi giáo dục tiểu học bắt buộc, hoặc giáo dục trung học, trên cơ sở sự khuyết tậtvà "Người khuyết tật có thể tiếp cận giáo dục hòa nhập tiểu học và trung học cơ sở, có chất lượng và miễn phí trên cơ sở bình đẳng với những người khác trong cùng cộng đồng mà họ sinh sống".

 

20180524094831-img-4970.JPG
Ảnh minh họa

Điều này dẫn tới các trường thuộc hệ thống công lập không có nghĩa vụ và quyết tâm chính trị để phát triển mảng giáo dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt. Các địa phương vẫn tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các trung tâm giáo dục hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập công lập thay vì phát triển đội ngũ giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất đễ sẵn sàng đón nhận các học sinh có khuyết tật ngay trong chính các trường học thông thường.

Cả nước có 14 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được thành lập. Các trung tâm này hoạt động từ lâu và chủ yếu theo hướng nhân đạo, mang tính bảo trợ xã hội, mà không hướng tới bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục hòa nhập tức là học sinh được học cùng với các bạn bè cùng trang lứa. Nếu đúng theo cam kết quốc tế, chúng ta phải đưa nội dung của các trung tâm này vào trường học bình thường. Sự tồn tại của các trung tâm công lập này, cũng như một số đề xuất thành lập thêm các trung tâm khác từ ngân sách nhà nước, trong khi không hoàn thiện các trường học thông thường để đón nhận các học sinh khuyết tật đã gặp không ít chỉ trích của các tổ chức của Liên hợp quốc.

Tuy vậy, nếu đưa ngay lập tức các nội dung dạy trẻ khuyết tật vào trường học phổ thông thì sẽ lại trái Luật người khuyết tật 2010 vì ta buộc các trường thường phải nhận trong lúc Luật Người khuyết tật chỉ xác định đó là một lựa chọn.

 

Năng lực hạn chế của các trung tâm giáo dục hòa nhập

Có một thực tế là trong khi các trường phổ thông đang quá tải về chương trình, việc đưa nội dung dạy trẻ có nhu cầu đặc biệt với chỉ 14 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, chắc chắn sẽ không thực hiện được.

Đơn cử, để dạy một trẻ mắc chứng tự kỷ ở mức độ trung bình, theo tiêu chuẩn quốc tế, cần 20 giờ cá nhân – tức là một thầy – một trò, trong 1 tuần. Các giáo viên ngành giáo dục đặc biệt còn không đủ sức khỏe để dạy học sinh đó, huống hồ là các giáo viên bình thường, có ít kiến thức về dạy trẻ khuyết tật, lại còn phải dạy các học sinh bình thường khác, chắc chắn giáo viên không trụ được.

 

1_60281.jpg
Ảnh minh họa

Trong khi đó, việc giáo dục hòa nhập tại các trường phổ thông dường như chỉ đổ lên vai các giáo viên chủ nhiệm. Các giáo viên thường không muốn tiếp nhận các học sinh khuyết tật này, đặc biệt các cháu có chứng tự kỷ, tăng động, khuyết tật học.

Ngoài ra, sự bất hợp tác, đôi khi là phá phách của học sinh khuyết tật, tạo ra sự bất an cho các phụ huynh của học sinh bình thường. Họ thường gây áp lực để nhà trường chuyển các học sinh khuyết tật sang lớp khác hoặc xin chuyển con mình  đi. Điều này tạo ra tình trạng phân biệt đối xử người khuyết tật. 

Một nghiên cứu của nhà chuyên môn giáo dục đặc biệt từ năm 2016 cho thấy, Việt Nam cần 1 triệu nhân lực liên quan đến giáo dục đặc biệt. Nghe rất phi lý nhưng nó lại là sự thật vì thực tế người khuyết tật chiếm tỷ lệ 15% dân số thế giới (WHO). Từ người chăm sóc, hỗ trợ, dạy thể chất, vận động, dạy các kỹ năng chăm sóc bản thân, dạy văn hóa, dạy nghề đã có thể hình dung được số người tham gia vào quá trình này.

Dù muốn hay không, chúng ta phải thừa nhận là ngành giáo dục đặc biệt của Việt Nam còn quá thiếu năng lực. Các trường sư phạm đã bước đầu có những khóa cử nhân giáo dục đặc biệt đầu tiên ra trường nhưng con số này còn rất nhỏ so với nhu cầu của thực tiễn.

Đó là chưa kể đến việc tuyển dụng sinh viên giáo dục đặc biệt còn khó khăn. Phải là người rất yêu nghề mới tự nguyện nộp đơn ứng tuyển chứ thông thường, đây là khoa chỉ dành cho những sinh viên không đủ điều kiện để xét tuyển những nguyện vọng khác.

Một khó khăn lớn khác trong việc thực hiện giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật là sự phân biệt đối xử, kỳ thị luôn là trở ngại với mọi chính sách về người khuyết tật, đặc biệt là vấn đề hòa nhập. Nhiều người nhận thức chưa đúng về khuyết tật, đặc biệt là những khuyết tật vô hình như tự kỷ, khuyết tật học, rối loạn xử lý cảm giác,…

 

Xác định quyền tiếp cận giáo dục hòa nhập

Với điểm nghẽn nói trên, thiết nghĩ cần có nhiều cách khắc phục, nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho người khuyết tật được giáo dục hòa nhập toàn diện. Theo đó, trước hết cần xác định quyền tiếp cận giáo dục hòa nhập của người khuyết tật trong Luật Người khuyết tật 2010.

Bên cạnh đó, cần xây dựng khung thể chế cho giáo dục đặc biệt với những trọng tâm như ban hành quy chế giáo dục hòa nhập trên cơ sở kế thừa Quyết định 23/2006/QĐ-BGDĐT, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn hành nghề giáo dục đặc biệt.

Cần có chính sách thu hút sự tham gia của người dân, doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động giáo dục chuyên biệt, giáo dục bán hòa nhập. Từ đó, dành nguồn lực ngân sách nhà nước vào giáo dục hòa nhập tại các trường phổ thông để bảo đảm đúng cam kết quốc tế.

Một điểm cần lưu tâm nữa là cần nghiên cứu, cập nhật và biên soạn các chương trình giáo dục đặc biệt tại các trường sư phạm; Đưa giáo dục đặc biệt thành những học phần bắt buộc tại các khoa không chuyên. Tăng thêm các ưu đãi, phụ cấp đối với nhân sự làm việc trong ngành giáo dục đặc biệt, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về chống phân biệt đối xử đối với người khuyết tật.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm