Đi trên thủy tinh không thể hiện lòng dũng cảm

26/08/2015 - 13:06
Nhiều người cho rằng, bài học cho học sinh đi chân trần trên đoạn đường trải những mảnh vỡ thủy tinh hoàn toàn không phù hợp với độ tuổi các em nhỏ, và không dạy kỹ năng sống.

Nhân viên trung tâm Đào tạo và Tư vấn phát triển ABA hướng dẫn học sinh một trường THCS tại Hà Nội bài học vượt qua những mảnh vỡ thủy tinh. Ảnh: FB Hồ Hải

Gần đây, trên mạng xã hội đang lan truyền hình ảnh chụp nội dung trang sách trong cuốn sách: “Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1” của tác giả Phan Quốc Việt, do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành có bài học dạy cách tăng lòng dũng cảm bằng việc đi trên thuỷ tinh.

Câu chuyện có nội dung như sau: “Cô giáo rải thảm thủy tinh dày trước mặt cả lớp và yêu cầu các bạn đi qua đó. Cả lớp đều rất sợ hãi và An cũng vậy. Nhưng cô giáo động viên và hướng dẫn giúp An tự tin đi qua thảm thủy tinh, nhờ vậy mà An đi qua thảm thủy tinh một cách dễ dàng. Khi đi qua rồi, An thấy thảm thủy tinh không thấy thảm thủy tinh đáng sợ như mình nghĩ và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng, cả lớp đều dũng cảm đi qua thảm thủy tinh”

Ngoài đoạn nội dung này sách còn in kèm hình ảnh minh họa một em học sinh đứng trên những mảnh thủy tinh vỡ vụn. Cùng đó là bài học sách này đưa ra: “Có rất nhiều điều khiến em sợ hãi nhưng em cần dũng cảm vượt qua nó. Khi em dũng cảm vượt qua, em sẽ không còn thấy sợ hãi nữa”.

Cùng thời điểm này, cộng đồng mạng lại tiếp tục xôn xao khi trên trang cá nhân của một giáo viên công tác tại một trường THCS (Hà Nội) chia sẻ hình ảnh cho học sinh đi trên thảm thủy tinh.

Nhiều người đã tỏ quan điểm không đồng tình cách làm này trong việc dạy kỹ năng sống, đặc biệt với độ tuổi của các em học sinh lớp 1.

Facebook Nguyen Quyet: "Thật tiếc khi ngày xưa mình không được hưởng nền giáo dục tân tiến như bây giờ".

Bức ảnh trang sách trong đó có em học sinh đi trên thảm thủy tinh đăng trên Facebook Diệu Anh Nguyễn Hoàng được chia sẻ tới hơn 3.000 lượt, trong đó hầu hết đều phản đối hoặc châm biếm. Có người còn đề nghị "Trải thảm thủy tinh trước cửa bộ Giáo dục bắt tất cả quan chức đi chân đất đi qua xem" (Facebook Theresa Tran). 

Sau khi bức hình chụp trang sách xuất hiện, đã có một số hình ảnh chế được tải lên Facebook. 

Nhẹ nhàng hơn trong cách phản ứng, anh Trần Trọng An chia sẻ trên Facebook: “Sách của TS Phan Quốc Việt không sai mà chỉ thiếu thôi. Bởi nên có khuyến cáo trẻ không nên tự ý đi trên mảnh thuỷ tinh vỡ nếu chưa được học hoặc không có hướng dẫn của người lớn. Hoặc như khi vô tình đánh rơi cốc thuỷ tinh, nên đứng im, gọi người lớn trợ giúp, bởi nếu trong lúc hoảng hốt mà bước có thể bị đứt chân”

Facebooker Khiem Phan Khiem thì cho rằng việc đi trên thảm thủy tinh không thể hiện sự dũng cảm: “Dũng cảm là thấy có thể nguy hiểm nhưng vì mục đích tốt đẹp nên dám làm, ví dụ nhảy xuống sông cứu người chết đuối, lao vào chặn kẻ cướp định giết người... Với trẻ con một cái gai bưởi đâm vào tay đã đau mấy ngày rồi”.

Trên một nhóm về giáo dục tiểu học, cô giáo có facebook tên Chung Dang chia sẻ: “Thấy trên mạng xã hội đang xôn xao về vụ Kỹ năng sống. Mình từng tham gia lớp của thầy Việt 2 ngày nên có khá nhiều trải nghiệm thú vị nhưng hôm nay cũng phải giật mình. Có thể thầy muốn học sinh trưởng thành hơn nhưng mình nghĩ một số kỹ năng chỉ nên đưa vào một gameshow thì hay hơn là đưa vào sách dạy học sinh kỹ năng sống. Ví dụ như màn đi chân trần trên thủy tinh vụn. Mình nghĩ như vậy! Nhưng mình gọi đó là trò chơi thư giãn cho học sinh thôi chứ không phải dạy kỹ năng sống”.

Facebooker này chia sẻ thêm: “Mảnh thủy tinh của họ đập vụn và dàn phẳng. Hai người cõng nhau đi cũng ko bị chảy máu chân. Nhưng dạy cho trẻ thì thực sự nguy hiểm. Mình cũng không đồng tình. Học sinh mà bắt chước đập chai ra rồi đi thì sao?”

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm