Chị Ngọc Cầm, ngụ tại phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TPHCM, trước giờ vốn khá “dị ứng” với việc mua hàng ở những “mối quen”. Bởi chị đã từng có những bài học nhớ đời. Ví dụ, hồi mới ra riêng, chị chỉ mua gạo ở cửa hàng của một chị hàng xóm. Nhưng được chừng một năm, chị chợt phát hiện ra gạo mình mua về không còn ngon như trước, mặc dù chị vẫn chỉ mua một thứ gạo duy nhất với mức giá càng ngày càng nhích lên. Thế là chị chuyển sang mua của một cửa hàng khác, cũng chừng đó tiền nhưng ngon hơn hẳn. Tuy vậy, chỉ một thời gian sau thì gạo ở nơi mới cũng “xuống cấp” mà người bán không thể giải thích lý do một cách thuyết phục.
Tình trạng này chị cũng từng gặp khi mua nhiều món hàng khác, từ đồ ăn thức uống cho đến hàng tiêu dùng. Chị than: “Ông bà ta dạy quả không sai, càng quen càng lèn cho đau. Họ bán cho mình một thời gian, nghĩ là đã “nắm” mình trong tay rồi nên chẳng cần giữ uy tín làm gì”. Sau khi nhận vài “bài học”, chị quyết định sẽ không mua hàng cố định ở một nơi nào, mà cứ mỗi lần mua một nơi khác nhau. Quả nhiên, hàng chị mua không bị “đánh chất lượng” xuống thấp như trước.
Không chỉ bán những mặt hàng quen thuộc của mình, nhiều tiểu thương thỉnh thoảng còn mang thêm một số ‘đặc sản’ để tiếp thị. Ảnh minh họa: internet
Thế mà, gần đây chị lại bất ngờ quyết định thay đổi thói quen này. Ra chợ, chị chỉ mua rau của một bà duy nhất. Với cá, thịt, đậu... cũng vậy, chỉ mua của những người mà chị quen và biết rõ về “gia thế” của họ. “Mình không đơn thuần là mua hàng theo kiểu họ có gì mình mua nấy, mà mình phải đặt trước, cần mua loại rau gì, bao nhiêu thịt, đậu, với các loại gì, chất lượng ra sao... Tất cả mình đều phải thỏa thuận trước với người mua, có thể coi là những “bản hơp đồng miệng” mặc dù không có ai làm chứng, nhưng là sự cam kết cần được cả hai bên tôn trọng. Vậy mà lại rất hiệu quả”, chị vui vẻ cho biết.
Theo phân tích của chị, dường như tình hình buôn bán khó khăn, ế ẩm gần đây, cùng những tai tiếng về chất lượng hàng hóa, nhất là sự an toàn – vệ sinh của thực phẩm, nên ngay chính những tiểu thương cũng phải “thay tâm đổi tính”. Trước đây, có lẽ vì thấy buôn bán dễ dàng, không bán được cho người này thì bán cho người khác nên nhiều người sẵn sàng lợi dụng lòng tin, bán đổ “dỏm” cho khách quen, để đồ ngon bán cho khách lạ nhằm “kéo mối”. Bây giờ, không bán được cho những khách quen thì nhiều khi phải đối mặt với sự ế ẩm, thua lỗ. Họ phải “xây dựng chiến lược” lôi kéo khách hàng bằng uy tín cùng tài ngoại giao của mình.
Nhiều tiểu thương không chỉ bán những mặt hàng quen thuộc của mình, mà thỉnh thoảng còn mang thêm một số “đặc sản” để tiếp thị. Ví dụ, chị Hà bán thịt heo ở một chợ tại quận 2, không chỉ bán thịt heo công nghiệp nuôi ở trại mà còn mang cả một số con heo “mọi” nuôi “thủ công” bằng các loại thức ăn truyền thống để bán kèm. Chính những món “đặc sản” này đã trở thành chất xúc tác, lôi kéo ngày càng đông những khách hàng thân thiết của họ.
Mua hàng của người quen đang dần trở thành một xu hướng. Không chỉ mua hàng ở chợ lẻ, mà nhiều người còn lùng những “gian hàng” trên các mạng xã hội để tìm mua những món hàng “độc”. Có vẻ, xu hướng này đang tỏ ra rất phù hợp với thực trạng đầy phức tạp và khó kiểm soát của thị trường hiện nay.