Dị ứng tiếp xúc do … nhẫn cưới

30/03/2016 - 03:00
Khi cảm thấy da ở ngón tay đeo nhẫn khó chịu, phát ban và đau rát, việc bạn cần làm là tháo nhẫn cưới và bôi hydrocortisone.
di-ung-nhan-cuoi.png
 Dị ứng tiếp xúc thường gặp ở người 50 đến 65 tuổi.

Với nhiều người chiếc nhẫn cưới có thể gây ra cho họ những vết phát ban khó chịu và ngứa rát ở vùng ngón tay đeo nhẫn. Điều này thường xuất hiện ở những người từ 50 đến 65 tuổi, khi họ đã có một thời gian dài đeo nhẫn cưới. Hiện tượng dị ứng này không khỏi khiến nhiều người cảm thấy bối rối. Tuy nhiên, điều này cũng không có gì đáng lo ngại. Có thể là bạn chỉ đang bị viêm da tiếp xúc thông thường mà thôi. 

Viêm da tiếp xúc là gì?

Tình trạng này xảy ra khi da bạn phải tiếp xúc với một vật trong một khoảng thời gian dài, khiến vùng da đó bị phát ban. Không phải ai cũng mắc bệnh dị ứng ngoài da này, vì vậy bạn không nên thắc mắc tại sao bạn bị trong khi những người khác thì không.

Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Niken là kim loại phổ biến nhất gây nên chứng viêm da tiếp xúc. Kim loại này thường xuất hiện trong những chiếc nhẫn vàng trắng, trộn với vàng 10k hoặc thậm chí là bạch kim. Thông thường, phải sau nhiều năm chúng mới gây nên tình trạng này bởi vì ban đầu, muối niken không xuất hiện trên bề mặt của chiếc nhẫn. Sau một thời gian sử dụng, chất này sẽ được hình thành và ngấm vào da.

Bạn hoàn toàn có thể kiểm tra trước xem mình có bị dị ứng với niken hay không bằng cách nắm hoặc vỗ đồng xu niken vào lòng bàn tay. Nếu sau 48 tiếng, tay bạn nổi phát ban thì có thể bạn sẽ mắc chứng viêm da tiếp xúc từ nhẫn của bạn.

Bên cạnh đó, cũng có một số nguyên nhân khác gây kích ứng da như việc để tay và nhẫn tiếp xúc với hóa chất thường xuyên. Chứng bệnh này cũng có thể là do dị ứng bạch kim, tuy nhiên trường hợp này là rất hiếm.

di-ung-nhan-cuoi-2.jpg
 Niken trong nhẫn là nguyên nhân gây ra hiện tượng ngoài da này.

Nên làm gì nếu mắc viêm da tiếp xúc vì nhẫn cưới?

Thật không may là điều đầu tiên bạn phải làm chính là tháo chúng ra, vì phát ban sẽ không thể nào hết nếu như bạn không loại bỏ nguyên nhân gây ra.

Bước thứ hai là bạn phải mua ngay thuốc bôi hydrocortisone. Loại thuốc này chứa chất steroid liều thấp có tác dụng làm giảm tình trạng viêm da trực tiếp. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng thuốc uống Benadryl để làm giảm ngay các triệu chứng ngứa ngáy do dị ứng, nhưng loại thuốc này sẽ gây ra chứng buồn ngủ.

Nếu sau một vài tuần tự điều trị, các vết phát ban vẫn không thuyên giảm, thậm chí còn lan rộng và gây đau đớn hơn thì tốt nhất bạn nên đến gặp bác sỹ để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Làm thế nào để ngăn ngừa chứng viêm da tiếp xúc do nhẫn cưới?

Nếu bạn đã xác định chính xác rằng chính đồ trang sức mình mang là nguyên nhân của toàn bộ vấn đề, thì giải pháp tạm thời cho bạn là băng một miếng băng nhỏ như một lớp ngăn cách da tiếp xúc với trang sức. Một cách khác là bạn có thể sơn một lớp sơn bóng mỏng lên mặt trong của chiếc nhẫn.

Còn về lâu dài, nếu như bạn muốn phòng tránh trường hợp xấu có thể xảy ra với làn da của mình, bạn nên mang những chiếc nhẫn đi mạ lại thường xuyên để tránh phát sinh muối niken gây kích ứng. Hoặc một lựa chọn khác đó là bạn sẽ phải đổi một chiếc nhẫn khác. Tuy nhiên điều này có vẻ bất hợp lý vì chúng tượng trưng cho tình cảm của bạn.

di-ung-nhan-cuoi-1.png
 Nên tháo nhẫn khi rửa tay và lau khô trước khi đeo lại.

Bên cạnh những cách phòng tránh tạm thời và dài hạn trên, bạn cũng nên thực hiện những bước sau:

- Chọn loại xà phòng rửa tay loại nhẹ.

- Tháo nhẫn khi rửa tay và làm khô tay trước khi đeo lại.

- Nếu da tay bạn bị khô và nứt nẻ, sử dụng những loại kem dưỡng ẩm không gây kích ứng, không nhờn.

- Làm sạch nhẫn và các đồ trang sức thường xuyên với một bàn chải và chải nhẹ nhàng, hoặc mang đến các tiệm trang sức.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm