"Địa chỉ tin cậy" thôn Đồng Tâm: Góp phần xây dựng cộng đồng không bạo lực

Phương Thiện
07/07/2025 - 12:46
"Địa chỉ tin cậy" thôn Đồng Tâm: Góp phần xây dựng cộng đồng không bạo lực

Ban điều hành "Địa chỉ tin cậy" thôn Đồng Tâm thực hành tiếp nhận, chuyển tuyến nạn nhân bạo lực gia đình

Là mô hình chỉ đạo điểm của tỉnh Quảng Trị, “Địa chỉ tin cậy” thôn Đồng Tâm, xã A Dơi đã và đang phát huy hiệu quả rõ nét trong công tác tuyên truyền, truyền thông lồng ghép nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân. Thông qua những cách làm phù hợp, gần dân, mô hình từng bước góp phần phòng ngừa bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại A Dơi - xã biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Trị, mô hình "Địa chỉ tin cậy" (ĐCTC) tại thôn Đồng Tâm đã và đang trở thành điểm sáng trong công tác tuyên truyền, truyền thông phòng, chống bạo lực, thúc đẩy bình đẳng giới. Mô hình được Hội LHPN tỉnh Quảng Trị triển khai từ năm 2022 trong khuôn khổ Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Không dừng lại ở hỗ trợ khẩn cấp cho nạn nhân bị bạo lực như chỗ tạm lánh, sơ cứu, chuyển gửi, ổn định tâm lý, kết nối đến các dịch vụ y tế tại địa phương, mô hình ĐCTC Đồng Tâm đã mở rộng vai trò trở thành "cầu nối" gắn kết giữa cộng đồng, chính quyền và các tổ chức xã hội nhằm nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi cho người dân ngay từ gốc rễ.

"Địa chỉ tin cậy" thôn Đồng Tâm: Góp phần xây dựng cộng đồng không bạo lực- Ảnh 1.

Đại diện Ban Điều hành ĐCTC thôn Đồng Tâm chia sẻ tại Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng hoạt động mô hình Địa chỉ tin cậy" do Hội LHPN tỉnh Quảng Trị tổ chức

Với sự tâm huyết, trách nhiệm cao, Ban điều hành ĐCTC đã tổ chức 20 cuộc tuyên truyền, được lồng ghép vào các cuộc họp thôn, Mặt trận, Chi hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Chi hội Nông dân, hội Cựu chiến binh… Tích cực lồng ghép tuyên truyền 15 cuộc với các nội dung phong phú, thiết thực, xoay quanh các vấn đề: phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, bình đẳng giới trong gia đình, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, trang bị kiến thức tiền hôn nhân cho thanh niên. Hơn 800 lượt người dân đã được tiếp cận các thông tin hữu ích này.

Cùng với truyền thông đại chúng, Ban điều hành còn chú trọng truyền thông nhóm nhỏ, đến từng hộ gia đình. Qua đó, đã vận động thành công nhiều trường hợp có nguy cơ tảo hôn như con em của các gia đình Hồ Văn Mười, Nguyễn Ngọc Hoàng, Hoàng Hữu Châu, Hồ Văn Huế… bỏ ý định tảo hôn. Tuyên truyền, can thiệp kịp thời với hộ gia đình có nguy cơ cao xảy ra bạo lực, giúp thay đổi nhận thức, hành vi, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Một điểm sáng trong cách làm của ĐCTC thôn Đồng Tâm là gắn tuyên truyền với việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con. Từ đó, Ban điều hành lựa chọn nội dung phù hợp để truyền thông "trúng" vấn đề cộng đồng đang quan tâm, giúp giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân.

Mô hình ĐCTC cũng góp phần thay đổi nhận thức trong cộng đồng bằng cách tích cực xóa bỏ hủ tục, hướng đến cuộc sống văn minh, công bằng. Qua đó, giúp nâng cao vị thế phụ nữ, quan tâm nhiều hơn tới trẻ em, đồng thời góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

"Địa chỉ tin cậy" thôn Đồng Tâm: Góp phần xây dựng cộng đồng không bạo lực- Ảnh 2.

Đại diện Ban Điều hành ĐCTC thôn Đồng Tâm chia sẻ tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Dự án 8 do Hội LHPN tỉnh Quảng Trị tổ chức

Chia sẻ về hướng đi thời gian tới, bà Hồ Thị Nữ - Chủ tịch Hội LHPN xã A Dơi, Phó Ban điều hành ĐCTC thôn Đồng Tâm, cho biết: Ban điều hành sẽ tiếp tục xây dựng nội dung truyền thông phù hợp, tăng cường khai thác tài liệu số, đẩy mạnh truyền thông đa kênh. Đồng thời, tổ chức các hội thi, liên hoan, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm để học hỏi, nhân rộng các mô hình hay, sáng tạo, góp phần phòng ngừa bạo lực gia đình, bạo lực giới, mua bán phụ nữ và trẻ em tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi". Bên cạnh đó, Ban Điều hành sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương để đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, lồng ghép linh hoạt các nội dung, từ đó nâng cao tính hiệu quả và tính bền vững của mô hình.

Dù còn không ít khó khăn như nội dung truyền thông đôi lúc chưa đủ sâu, nhận thức một bộ phận người dân còn hạn chế, song mô hình ĐCTC thôn Đồng Tâm đang cho thấy hướng đi đúng đắn, đầy triển vọng. Đó vừa là địa chỉ an toàn cho người dân vừa là địa chỉ tin cậy để khơi dậy những thay đổi tích cực trong từng ngõ nhỏ, từng mái nhà nơi vùng biên A Dơi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm