Tùy theo kết cấu địa chất nơi xây dựng mà kỹ sư xây dựng có thể chỉ định các loại nền móng khá nhau Ví dụ nền đất cứng, ổn định thì chỉ cần xây móng trực tiếp trên nền đất mà không cần gia cố thêm; những nền đất yếu thì cần phải đóng cừ tràm (đối với công trình nhỏ, thấp tầng), đổ móng băng hay ép cọc bê tông (đối với những công trình có quy mô khá lớn, xây từ 2 đến 3 tầng trở lên).
Ở đây, chúng tôi chỉ đề cập tới những công trình lớn đòi hỏi phải khoan ép cọc bê tông cốt thép. Bởi đây thường là phần việc mà nhiều nhà thầu không đảm nhiệm, “đẩy việc” cho chủ nhà phải “gánh”.
Theo kỹ sư xây dựng Trần Mẫn, các nền đất yếu, có cấu trúc địa chất không đồng nhất, đất bồi lấp… đều phải khoan ép cọc bê tông để đảm bảo an toàn cho công trình. Cọc bê tông cốt thép cho nhà dân thường là loại vuông có tiết diện 200x200 hoặc 250x250, mác bê tông cấp phối /cm2 hoặc cọc tròn được đúc bằng máy ly tâm, đường kính 300mm, mác bê tông cấp phối /cm2. Mặc dù cọc vuông sử dụng cốt thép loại lớn (phổ biến loại 4 cây đường kính kính 18mm), song do phần lớn được làm bằng phương pháp thủ công, nên chất lượng không tốt bằng cọc tròn, dẫu giá thành tương đương nhau (hiện khoảng 250.000 đồng/m). Nếu trước đây người dân thường dùng cọc vuông thì hiện nay phần lớn đã chuyển sang sử dụng cọc tròn, do các công ty bê tông chuyên nghiệp sản xuất.
Bạn cần hết sức thận trọng khi lựa chọn đơn vị phụ trách công đoạn làm móng nhà. Ảnh minh họa.
Trước khi xác định có ép cọc hay không, sử dụng loại cọc nào, chủ nhà cần thông qua chuyên gia tìm hiểu về cấu tạo địa chất nền đất nơi xây nhà, sau đó hỏi ý kiến kỹ sư xây dựng để lựa chọn loại cọc phù hợp.
Có 2 loại máy ép cọc là máy ép neo và máy ép tải. Ép neo đạt tải trọng thấp (khoảng 20 - 40 tấn/đầu cọc), phù hợp với các công trình quy mô nhỏ. Ép tải đạt tải trọng cao hơn (trên 40 tấn/đầu cọc), phù hợp với các công trình quy mô lớn hơn. Khi làm hợp đồng ép cọc bê tông, chủ nhà cần làm rõ với nhà thầu về các thông số cọc như mác bê tông, chủng loại thép... vì các cọc được đúc sẵn nên dễ bị làm gian dối nhằm mục tiêu trục lợi.
Khi ép cọc xuống đất, do địa chất nền đất không đồng đều, nên có chỗ cọc xuống sâu, chỗ xuống nông, xảy ra 2 tình huống là ép âm và ép dương. Cần làm rõ giá cả với nhà thầu trong mỗi tình huống ép âm hoặc ép dương. Chủ nhà cũng nên buộc nhà thầu làm theo các tiêu chuẩn đã quy định cụ thể trong hồ sơ thiết kế nền móng do bên tư vấn xây dựng cung cấp, như chủng loại cọc, vị trí cọc, số lượng cọc, cọc ép thử...
Một lưu ý về việc ép cọc bê tông nói riêng và việc làm móng nói chung là các công việc khoan ép vào lòng đất rất dễ gây ảnh hưởng tới các khu đất và nhà cửa lân cận. Nên thực hiện hướng ép cọc theo chiều sao cho phần đất bị nén đẩy không hướng về bất kỳ nhà cửa hay vật kiến trúc nào. Cụ thể, chủ nhà hãy tham vấn ý kiến của người có chuyên môn.
Móng nhà được thực hiện sau khi việc gia cố nền đất hoàn thành. Việc làm móng bao gồm các công việc sau theo thứ tự: đan thép, ghép cốp pha, đổ và đầm bê tông, chờ bê tông ngưng kết, rút cốp pha, xây tường móng. Đây là công việc của nhà thầu, tuy nhiên chủ nhà nên phối hợp với giám sát công trình, theo dõi và chỉ đạo thợ thực hiện theo đúng bản vẽ kỹ thuật.
Địa chỉ cho bạn * Tại Hà Nội - Công ty CP Xây dựng và Thương mại Hoa Lư, phòng 406 - nhà N2E - Khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính, Lê Văn Lương, Q.Thanh Xuân, ĐT: 04.62967954. - Công ty TNHH xây dựng và thương mại Đức Hiếu, Km 12, quốc lộ 1A, huyện Thanh Trì. ĐT: 0989.129567. * Tại Đà Nẵng: Công ty CP xây dựng xử lý nền móng Phương Nam, số 382 đường Núi Thành, phường Hòa Cường, Q.Hải Châu, ĐT: 0905.181100. * Tại TPHCM - Công ty CP Tư vấn Thiết kế Xây dựng Ngô Huỳnh, số 355 Bình Quới, phường 28, Q.Bình Thạnh, ĐT: 0938.795919. - Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ Mai Việt Trần, số 10/4 Đường số 24, KP7, phường Linh Đông, Q.Thủ Đức, ĐT: 08.37242637. |