Điểm danh 3 sai lầm khiến bệnh tay chân miệng lây lan nhanh chóng

Anh Dũng
18/12/2020 - 06:43
Điểm danh 3 sai lầm khiến bệnh tay chân miệng lây lan nhanh chóng
Nhầm lẫn với các bệnh khác, chủ quan trong công tác phòng chống hay không vệ sinh sạch sẽ môi trường sống là những sai lầm khiến bệnh tay chân miệng lây lan nhanh và bùng phát thành dịch.

Tay chân miệng là một căn bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus gây ra. Bệnh thường gặp nhất ở trẻ nhỏ, người có sức đề kháng, hệ miễn dịch yếu. Căn bệnh này rất dễ lây lan qua đường hô hấp và đường tiêu hoá, có thể bùng phát thành dịch nhanh chóng nếu không được phòng chống đúng cách.

Trong đó, nhầm lẫn với các bệnh khác như loét miệng hay chủ quan trong công tác đảm bảo vệ sinh là những sai lầm khiến tay chân miệng lây lan nhanh. Điểm danh ngay những sai lầm khiến bệnh tay chân miệng lây lan trong cộng đồng.

1. Nhầm lẫn bệnh tay chân miệng với loét miệng

Bệnh tay chân miệng có những dấu hiệu đặc trưng điển hình như các nốt phỏng nước xuất hiện trong niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Do những tổn thương dạng phỏng nước xuất hiện trong miệng, khi vỡ ra sẽ tạo thành vết loét khiến nhiều bậc phụ huynh nhầm lẫn với bệnh loét miệng thông thường.

Vết loét niêm mạc miệng do tay chân miệng gây ra rất dễ nhầm lẫn với bệnh loét miệng nếu không được chú ý (Ảnh: Internet)

Vết loét niêm mạc miệng do tay chân miệng gây ra rất dễ nhầm lẫn với bệnh loét miệng nếu không được chú ý (Ảnh: Internet)

Việc nhầm lẫn này chính là một sai lầm khiến tay chân miệng lây lan nhanh. Không chỉ khiến quá trình điều trị trở nên phức tạp, khó khăn hơn do tình trạng bệnh diễn biến khó lường. Mà còn khiến phụ huynh không cách ly trẻ với những trẻ khác, vẫn cho trẻ đi học và ra những nơi công cộng có nhiều người. Từ đó bệnh có thể lây lan nhanh cho các trẻ khác và bùng phát thành dịch.

Vì vậy, việc hiểu rõ các kiến thức cơ bản để có thể phân biệt loét miệng và tay chân miệng là vô cùng cần thiết. Các bậc phụ huynh khi phát hiện các ban ở quanh vùng miệng hoặc trong niêm mạc miệng trẻ cần xem xét kĩ các ban nước đó có xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông hay đầu gối của trẻ hay không.

Thông thường, các vết viêm loét miệng bình thường sẽ xuất hiện các vết loét nhỏ, mọc đơn lẻ hoặc thành từng đám ở niêm mạc má, môi, nướu hay dưới lưỡi. Vết loét có màu trắng xám hoặc hơi vàng với quầng đỏ xung quanh.

Trong trường hợp không phân biệt được hay có nghi ngờ trẻ mắc bệnh tay chân miệng, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị, cách ly thích hợp.

=>> Còn nhiều bệnh có thể gây nhầm lẫn với tay chân miệng. Tìm hiểu thêm qua bài viết: Nhận biết bệnh tay chân miệng với các bệnh có triệu chứng tương tự.

2. Không vệ sinh nhà cửa mỗi ngày

Thời điểm giao mùa từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm là một trong những thời gian cao điểm bùng phát dịch tay chân miệng.

Trong khoảng thời gian này, phụ huynh nên vệ sinh nhà cửa mỗi ngày, nhất là những khu vực mà trẻ thường xuyên sinh hoạt. Đặc biệt là với trường hợp đã xuất hiện những ca bệnh tay chân miệng ở gần nhà hoặc trên trường mà trẻ đang học.

Sàn nhà là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn, virus và cần được vệ sinh sạch sẽ hằng ngày (Ảnh: Internet)

Sàn nhà là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn, virus và cần được vệ sinh sạch sẽ hằng ngày (Ảnh: Internet)

Việc vệ sinh nhà cửa hằng ngày cũng sẽ giúp trẻ có môi trường sống trong lành, hạn chế lây nhiễm bệnh. Khu vực sàn nhà là nơi đáng lưu ý nhất. Điều này là do sàn nhà có nhiều người đi lại nên là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn, virus mà trẻ cần hạn chế tiếp xúc.

Phụ huynh cần thường xuyên lau sàn hai lần vào buổi sáng, tối mỗi ngày. Có thể sử dụng nước lau sàn sát khuẩn chuyên dụng hoặc nước lạnh có pha chloramin B để đảm bảo sàn nhà được sạch sẽ.

Trẻ nhỏ có làn da vô cùng nhạy cảm, do đó trong thời gian sau khi lau nhà, đặc biệt là ở thời điểm dễ bùng phát dịch, phụ huynh nên hạn chế không để trẻ trườn, bò dưới mặt đất để tránh những tác dụng phụ gây kích ứng da và lây nhiễm bệnh.

3. Chăm sóc, phòng bệnh cho trẻ không đúng cách

Lý thuyết để phòng bệnh tay chân miệng, tránh để bệnh lây lan và bùng phát là điều rất đơn giản. Thế nhưng thực tế lại khó khăn hơn nhiều. Điều này là do nhiều phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ, chủ quan trong việc thực hiện dẫn đến phòng bệnh không đúng cách, mang lại hiệu quả không cao. Đây chính là sai lầm khiến bệnh tay chân miệng lây lan nhanh phổ biến nhất.

Phần lớn mọi người đều biết rằng việc rửa tay đúng cách, đảm bảo vệ sinh trong ăn uống, ăn chín, uống sôi hay sát khuẩn, diệt khuẩn đồ chơi của trẻ là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người lơ là, thực hiện qua loa, nhất là những gia đình chưa có trẻ mắc bệnh.

Rửa tay đúng cách là một trong những biện pháp hạn chế bệnh tay chân miệng lây lan nhanh (Ảnh: Internet)

Rửa tay đúng cách là một trong những biện pháp hạn chế bệnh tay chân miệng lây lan nhanh (Ảnh: Internet)

Rửa tay đúng cách là cần phải rửa tay bằng xà phòng hay nước rửa tay diệt khuẩn dưới vòi nước để rửa trôi đi các virus bám trên tay. Thói quen rửa tay vội vàng và không dùng xà phòng diệt khuẩn rất khó để làm sạch được các chất tiết chứa virus.

Phụ huynh cần lưu ý nhắc nhở trẻ thực hiện rửa tay đúng nguyên tắc theo các bước đã được Bộ Y tế đưa ra như sau:

- Bước 1: Làm ướt hai lòng bàn tay bằng nước, lấy xà phòng vào lòng bàn tay. Chà 2 lòng bàn tay vào nhau.

- Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại.

- Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay vào các kẽ ngón.

- Bước 4: Chà mu các ngón tay này lên lòng bàn tay kia và ngược lại (mu tay để khum khớp với lòng bàn tay).

- Bước 5: Chà ngón cái của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại (lòng bàn tay ôm lấy ngón cái).

- Bước 6: Chà các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và làm khô tay.

Đặc biệt lưu ý cần phải rửa tay ít nhất trong 30 giây, mỗi thao tác lặp lại ít nhất 5 lần.

Do bàn tay của người lớn cũng là tác nhân trung gian dễ lây tay chân miệng cho trẻ nhất. Vì vậy, không chỉ nhắc nhở trẻ, phụ huynh và những người chăm sóc trẻ cũng cần phải rửa tay thường xuyên. Đặc biệt là trước khi chăm sóc trẻ, chế biến đồ ăn thức uống, khi vừa ở bên ngoài về, khi thay tã cho trẻ,… để đảm bảo hạn chế lây lan bệnh.

Với 3 sai lầm thường mắc ở trên khiến dịch bệnh tay chân miệng lây lan. Bạn cần tìm được biện pháp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ nhỏ cũng như bản thân đúng cách trong mùa dịch tay chân miệng đang có nguy cơ bùng phát cao trong cộng đồng.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm