pnvnonline@phunuvietnam.vn
Điểm danh 5 bài tập vật lý trị liệu cho người bị bệnh COPD đơn giản có thể thực hiện tại nhà
Những bài tập vật lý trị liệu cho người bị bệnh COPD được đánh giá rất cao và được Hội lồng ngực Mỹ và Châu Âu khuyến cáo nên được áp dụng như một phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hiệu quả.
Đặc biệt, những bài tập này có thể áp dụng cho tất cả bệnh nhân COPD đang gặp khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. COPD hay còn gọi là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là một căn bệnh về đường hô hấp mãn tính có thể gặp ở bất kỳ ai.
Khi mắc bệnh, đường dẫn khí bị dày lên, phù nề và co thắt. Lúc thở ra, không khí trong phổi không thể thoát ra hết được gây nên ứ khí trong phổi gây ra triệu chứng khó thở. Đồng thời, khi mắc COPD, đường dẫn khí cũng tăng tiết chất nhày khiến bệnh nhân bị ho khạc đàm.
1. Tác dụng của vật lý trị liệu với COPD
Việc thực hiện các bài tập vật lý trị liệu có tác dụng rất lớn với bệnh nhân COPD. Các chuyên gia y tế đã chỉ rằng nếu luyện tập thường xuyên, vật lý trị liệu có thể là một biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả. Dưới đây là một số tác dụng có thể thấy rõ ràng ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính khi luyện tập hằng ngày:
- Cải thiện tình trạng khó thở,
- Cải thiện sức mạnh của tay và chân.
- Cải thiện sức mạnh của xương,
- Giúp làm sạch chất nhày, giảm tình trạng ho có đờm.
- Cải thiện tâm trạng và sức khỏe tinh thần, giúp bệnh nhân trở về cuộc sống sinh hoạt hằng ngày một cách dễ dàng.
- Giúp bệnh nhân tự lập trong các sinh hoạt cá nhân, kiểm soát cân nặng hiệu quả...
2. Các bài tập vật lý trị liệu cho người bị bệnh COPD
Các bài tập cơ bản dành cho người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính bao gồm 2 khía cạnh chính là tập thở và tập vận động. Các bài tập thở có thể giúp người bệnh kiểm soát hô hấp ổn định hơn trong khi các bài tập vận động đều đặn, vừa sức,... sẽ giúp các cơ hoạt động hiệu quả hơn, cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh hơn.
2.1. Các bài tập thở
Các kỹ thuật thở đơn giản nhưng hiệu quả cho người mắc bệnh COPD có thể kể đến thở cơ hoành và thở chúm môi.
Thở cơ hoành:
- Đặt 1 tay lên phần phía trên ngực, tay còn lại ở dưới xương sườn. Tư thế tay này có thể giúp người bệnh cảm nhận cơ hoành di động theo từng nhịp thở.
- Cố gắng hít vào chậm qua mũi cho đến khi bụng phình ra và đẩy bàn tay ở dưới lên. Giữ lồng ngực khộng di chuyển.
- Hóp bụng lại và thở ra chậm qua miệng với thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào và bàn tay trên bụng có cảm giác bụng lõm xuống.
Thở chúm môi:
- Thở chúm môi giúp cho đường thở không bị xẹp lại khi thở ra nên khí thoát ra ngoài dễ dàng hơn.
- Để thực hiện, người bệnh ngồi ở tư thế thoải mái, thả lỏng cổ và vai. Hít vào chậm qua mũi, môi chúm lại như đang huýt sáo. Sau đó thở ra bằng miệng từ từ sao cho thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào.
- Lưu ý trong quá trình tập nên lặp lại động tác thở chúm môi nhiều lần sao cho thật nhuần nhuyễn và trở thành thói quen.
- Nên dùng kỹ thuật thở chúm môi bất cứ lúc nào cảm thấy khó thở như khi leo cầu thang, tắm rửa, tập thể dục…
2.2. Các bài tập vận động
Các bài tập vận động dành cho bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính thông thường sẽ tập trung vào căng giãn các cơ để tăng cường sự dẻo dai của cơ thể.
Bài tập căng cơ lưng rộng:
- Người thực hiện đứng thẳng lưng, 2 chân rộng bằng vai.
- Đưa 2 tay lên trên đầu, tay này nắm tay kia.
- Kéo thẳng tay lên trên và nghiêng người về bên phải.
- Giữ thân dưới thẳng sao cho cảm thấy căng dọc theo bên thân trái.
- Duy trì tư thế này từ 15 đến 30 giây, sau đó đổi bên. Lặp lại 2 đến 4 lần mỗi bên.
Bài tập căng cơ tam đầu:
- Đứng thẳng lưng, 2 chân rộng bằng vai. Người tập cũng có thể thực hiện ở tư thế ngồi.
- Đưa khủy tay trái thẳng lên trên và gập cẳng tay lại.
- Dùng tay phải nắm khủy tay trái. Kéo nhẹ khủy tay trái hướng ra phía sau đầu sao cho cảm thấy căng dọc theo mặt sau cánh tay.
- Giữ nguyên tư thế này từ 15 đến 30 giây, đổi tay. Sau đó lặp lại 2 đến 4 lần với mỗi tay.
Bài tập căng cơ tứ đầu ở đùi:
- Đặt 2 tay vào tường ở tư thế cân bằng.
- Bước chân trái ra sau và giữ thẳng chân, ấn gót chân xuống sàn nhà.
- Đưa hông về phía trước, khụyu nhẹ chân phải cho đến khi cảm thấy căng ở bắp chân trái.
- Giữ căng khoảng 15 đến 30 giây rồi đổi chân. Lặp lại từ 2 đến 4 lần mỗi chân.