pnvnonline@phunuvietnam.vn
Điểm danh các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc quai bị
Quai bị là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus làm sưng tuyến nước bọt và gây đau cho người bệnh. Đây là căn bệnh có tỷ lệ mắc cao ở những khu vực tập trung dân cư đông đúc và khí hậu lạnh.
Tuy là căn bệnh có vắc xin phòng bệnh và không gây nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh nhưng quai bị có thể để lại những biến chứng nguy hiểm về sức khỏe nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời. Một trong những biến chứng thường gặp và tác động tiêu cực tới chất lượng cuộc sống người mắc quai bị chính là vô sinh do mắc biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới và viêm buồng trứng ở nữ giới.
Điều đáng lưu ý là quai bị có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bất cứ đối tượng nào cũng có thể mắc căn bệnh quai bị. Tuy nhiên, có những đối tượng dễ mắc phải căn bệnh này hơn. Dưới đây là các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc quai bị bạn cần phải biết.
1. Độ tuổi là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc quai bị
Một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc quai bị đầu tiên mà ta phải chú ý đó chính là độ tuổi. Các nghiên cứu và các thống kê cho thấy những đối tượng là trẻ em có độ tuổi từ 2 tới 12 tuổi, đặc biệt là những trẻ em chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ số mũi phòng bệnh quai bị là trường hợp có nguy cơ mắc quai bị cao nhất.
Chính vì vậy, phụ huynh cần có chế độ chăm sóc khoa học để làm giảm nguy cơ mắc quai bị cho con em mình. Bên cạnh việc tăng cường miễn dịch và nâng cao sức đề kháng của cơ thể cho trẻ, biện pháp ngăn ngừa bệnh quai bị tốt nhất chính là tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị.
Các bác sĩ khuyến cáo hầu hết trẻ em đều có miễn dịch với bệnh quai bị nếu được tiêm phòng đầy đủ. Theo đó, vắc xin quai bị thường được tiêm dưới dạng tiêm kết hợp phòng 3 bệnh sởi-quai bị-rubella (MMR II).
Có thể bạn cần tìm hiểu thêm về bảo vệ và phòng ngừa quai bị qua bài viết: Vắc xin quai bị và tổng hợp những thông tin chắc chắn cần biết.
2. Tiếp xúc hoặc dùng chung đồ vật với người bệnh
Như đã nói, quai bị là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Quai bị dễ dàng lây từ người này sang người khác qua đường hô hấp và có thể trở thành đại dịch. Vì vậy, yếu tố làm tăng nguy cơ mắc quai bị tiếp theo chính là tiếp xúc hoặc dùng chung vật dụng với những người mắc quai bị.
Cụ thể, đường lây của quai bị là khi người bệnh ho, hắt hơi, khạc nhổ..., virus trong dịch mũi họng hoặc các hạt nước bọt,... phát tán ra ngoài không khí hoặc bám vào các bề mặt, người khác hít trực tiếp hoặc chạm vào các vật dụng bị nhiễm virus sẽ có nguy cơ mắc bệnh.
Vì thế, để phòng tránh mắc bệnh quai bị, cần tránh tiếp xúc hoặc dùng chung vật dụng với những người bệnh. Những đối tượng đã mắc quai bị cần được cách ly để tránh lây lan bệnh ra cộng đồng.
3. Hệ miễn dịch yếu làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Hệ miễn dịch yếu là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc quai bị. Những người có hệ miễn dịch yếu dễ bị nhiễm vi khuẩn hay virus gây bệnh hơn những người khác. Vì vậy, những đối tượng này có nguy cơ cao mắc các bệnh lý khác nhau, trong đó có bệnh quai bị. Những người có hệ miễn dịch yếu dễ dàng bị lây bệnh quai bị. Hơn nữa, nếu mắc bệnh thì sẽ mất nhiều thời gian hơn để chữa lành bệnh.
Chính vì vậy, cách tốt nhất để phòng bệnh quai bị với những đối tượng này là cần chủ động cách ly với người bệnh. Ngoài ra, để phòng bệnh quai bị cũng như các bệnh lý khác, cần tập trung bổ sung và cân đối các thực phẩm lành mạnh, điều trị các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, thường xuyên tập luyện, ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng và đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Những việc làm này sẽ giúp phục hồi và duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.