Nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 35km về phía Bắc, xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) là một trong những xã thuần nông với thu nhập từ nông nghiệp là chủ yếu. Những năm qua, cùng với sự phát triển của nông nghiệp đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm, an sinh xã hội được đảm bảo. Góp phần không nhỏ trong việc cải thiện đời sống nhân dân, tạo việc làm cho người lao động là các mô hình Hợp tác xã. Đến hỏi người dân nơi đây ai cũng biết tới Hợp tác xã Sản xuất Chế biến và Tiêu thụ Sản phẩm Nấm Sáng Thiện Quảng Hội do chị Đào Thị Thiện là Chủ nhiệm. Người phụ nữ đã vượt khó thành công từ mô hình trồng nấm.
Trồng nấm ở HTX |
Hợp tác xã được thành lập từ ngày 1/7/2010 với số vốn ban đầu là 160 triệu đồng và bao gồm 10 xã viên. Thời gian đầu khi mới thành lập, hợp tác xã gặp không ít khó khăn về mặt bằng, thiếu vốn để đầu tư, tay nghề của người lao động chưa có kinh nghiệm, mấy năm đầu sản phẩm chưa được chứng nhận an toàn thực phẩm... dẫn đến việc tiêu thụ ít chưa được ổn định. Trong quá trình sản xuất và chế biến nấm vì chưa có kinh nghiệm trong việc xử lý nguyên liệu như cách ngâm rơm trong nước vôi chưa đúng kỹ thuật, chọn giống chưa tốt, trong thời gian ươm sợi chưa biết cách điều chỉnh nhiệt độ trong lán nuôi nấm hợp lý (nhiệt độ dưới 40°C nấm phát triển sợi không tốt, nhiệt độ hơn 50°C thì sẽ chết giống) nên những tháng đầu trồng nấm sản phẩm làm bị hỏng và không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, những khó khăn đó không làm chị Thiện nản trí, mà cùng các xã viên quyết tâm vươn lên. Chị chăm chỉ tìm hiểu quy trình trồng nấm qua sách, trung tâm và viện nghiên cứu sau đó hướng dẫn phổ biến cho xã viên rút kinh nghiệm qua từng quy trình. Sau 3 năm, HTX đã thuê lại đất của gia đình chị là 5300m2 với số tiền 30 triệu đồng/năm với thời hạn 20 năm. Được sự quan tâm của chính quyền, Hội phụ nữ, Hội nông dân cùng lãnh đạo các Ban ngành đơn vị và nông dân thôn Quảng Hội trong đó quỹ hỗ trợ phát triển HTX thành phố Hà Nội cho HTX vay vốn từ 100 đến 300 triệu đồng; người lao động được vay vốn từ Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng từ 10 đến 20 triệu đồng/1 người để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Nghề trồng nấm dễ làm và tận dụng được phế thải từ nông nghiệp |
Cùng với sự hỗ trợ và sự cố gắng vươn lên không ngừng, hiện nay HTX đã có 29 xã viên nhân với nguồn vốn điều lệ đến năm 2016 là 3,1 tỷ đồng. HTX đã giải quyết việc làm cho hơn 32 người làm việc thường xuyên và thời vụ có lúc lên đến 60 người. Trong vòng hơn 5 năm gần đây, HTX đã giảm nghèo được cho 9 hộ gia đình. Thu nhập bình quân của các thành viên là từ 1,5 triệu đồng – 3,5 triệu đồng/người. Hàng năm, từ 5 loại nấm là nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ, mộc nhĩ, linh chi dược liệu, HTX cho thu hoạch với số lượng từ 75 đến 77 tấn đã được mang đi tiêu thụ trên 8 tỉnh/thành cả nước. Doanh thu hàng năm đạt từ 2,5 tỷ đến 3,2 tỷ đồng. Tại Hà Nội, sản phẩm Nấm của HTX đã được phân phối tại các siêu thị Nhất Nam, gian hàng Rau quả và thực phẩm an toàn Phụ nữ Thủ đô do Hội LHPN Hà Nội thành lập tại số 37 Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội.
Tiếng lành đồn xa có rất nhiều chị em trên toàn quốc đã về học hỏi Mô hình HTX để về phát triển kinh tế. HTX đã truyền nghề cho 376 lượt người trên toàn quốc về chế biến và tiêu thụ sản phẩm về nấm. Các lớp học được tổ chức tại HTX thời gian khoảng 2 tuần. Trong thời gian học các học viên được học lý thuyết và trực tiếp thực hành. Sau khi về địa phương phát triển mô hình trồng nấm, HTX sẽ hỗ trợ về giống và sẽ bao tiêu sản phẩm nếu có nhu cầu. Chị Thiện cùng HTX đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen từ Hội LHPN Huyện Sóc Sơn, từ Hội nông dân và Liên minh HTX Việt Nam. Năm 2015, Cục sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm của HTX.