Điện Biên tan hoang sau lũ

16/09/2015 - 11:16
Ngói vỡ, kèo cột gãy, nhà cửa đổ nát. Màu xanh của cây cối đã thành màu vàng úa, héo quắt, cá trong ao mất sạch… là thực trạng của người dân vùng cao tỉnh Điện Biên sau khi cơn lũ đi qua.
Nước rút sau hơn 1 tháng, các hộ dân ở bản Đề Chia C, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, mới được trở về ngôi nhà của mình.

Cảnh tượng tan hoang sau khi nước rút

Bản Đề Chia C nằm rải rác theo triền núi. Đợt lũ vừa qua, nước dâng nhấn chìm 9 hộ gia đình và gây thiệt hại nặng cho 21 gia đình khác. Nhiều chỗ nước dâng cao đến 20m. Nước không rút ngay mà ứ đọng hơn 1 tháng trời.

Con đường mòn dẫn vào bản Đề Chia C vẫn lầy lội, trơn trượt. Mấy hôm trước, người dân nơi đây muốn về nhà phải dùng bè di chuyển. Mưa đã tạnh, song bà con đang đứng trước cả núi khó khăn.

Ngôi nhà gỗ kiên cố của gia đình chị Vừ Thị La ở bản Đề Chia C bị đổ nát, hoang tàn. Mái ngói vỡ vụn. Đồ đạc ẩm mốc đang bốc mùi khó chịu. Hàng rào quanh nhà nhuộm màu héo úa của sự chết chóc.

“Mất hết cả rồi. Nhà cửa, lương thực, chuồng trại... không còn một thứ gì cả”, chị La than thở. Anh Thào Súa Sà, chồng chị La, và mấy người hàng xóm đang cố gắng nhặt nhạnh những gì còn sót lại của ngôi nhà.

Chị La đang cố gắng nhặt nhạnh những gì còn sót lại

Hiện màu xanh của cây cối đã biến mất, thay vào đó là màu vàng úa, héo quắt. Cá trong ao mất sạch... Đồ đạc nhuộm một màu bùn.
 
Cách đây 6 tháng, Gia đình anh Vàng A Lềnh phải bán trâu, bán lợn... cộng với số tiền tiết kiệm được sau bao năm tích góp, gia đình anh mới sửa sang lại được ngôi nhà gỗ khang trang. Giờ ngôi nhà gỗ đã bị kéo sập.

“Ngói vỡ hết, không dùng lại được. Kèo cột cũng gãy mất nhiều. Gia đình tôi đang cố dựng lại ngôi nhà này, hy vọng lũ sẽ không về nữa”, anh Lềnh buồn rầu nói.

Ông Sùng Dũng Phía, Chủ tịch UBND xã Pú Nhung, cho biết, những năm trước đây cũng có nhiều trận mưa to xảy ra, nhưng nước rút ngay, chứ không ngập như lần này. Một số nhà khoa học đã lên đây nghiên cứu và họ cho rằng, những hang đá đã bị đất bùn lấp đầy. Chúng không thoát nước mà còn đẩy nước chảy ngược. Để đảm bảo an toàn cho người dân, giải pháp tốt nhất lúc này là phải chuyển những hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Được biết, xã Pú Nhung đã kiến nghị lên huyện đề xuất di 9 hộ dân đi nơi khác. “Đến giờ đã có tới 30 hộ dân trong vùng nguy hiểm xin chuyển đến nơi ở mới. Chúng tôi đang nỗ lực hoàn thành thủ tục để giải quyết nguyện vọng này của bà con. Tuy nhiên, việc chuyển đến đâu vẫn còn là bài toán nan giải. Bởi lẽ ở Pú Nhung tìm được nơi an toàn mà có đất sản xuất là rất khó khăn”, ông Phía chia sẻ.

Dọn dẹp đống đổ nát sau cơn lũ

Xót xa khi ngôi nhà giờ chỉ còn bộ khung

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm