Điều kỳ diệu trước lằn ranh sinh - tử

19/12/2015 - 08:02
Hơn 10 năm mang trong mình khối u lớn ở ngực phải, bà Tô Thùy Trang (48 tuổi) từng nghĩ đến khoảnh khắc vĩnh biệt cuộc đời khi khối u bị vỡ và chảy máu dữ dội.

Nhưng chỉ 1 tuần sau ca mổ, sự hồi phục ngoài mong đợi khiến không chỉ bà Trang mà cả các bác sĩ đều vỡ òa trong niềm hạnh phúc. 

“Cứ nghĩ cầm chắc cái chết!”

Trở lại tái khám theo đúng lịch hẹn, bà Trang, ngụ tại quận Bình Tân (TPHCM) không giấu nổi cảm xúc khi nghe bác sĩ thông báo kết quả tốt, không có vấn đề gì phát sinh, vết thương từ ca mổ đang lành sẹo và phục hồi tốt. Hơn 10 năm “sống chung” với khối u và từng đi chữa trị ở khắp nơi, đã nhiều lần bà Trang muốn bỏ cuộc, chấp nhận tình huống xấu nhất có thể xảy đến. Dù vậy, khi khối u ngày một lớn dần và vỡ khiến bà phải nhập viện cấp cứu, nỗi sợ hãi đã chiếm ngự toàn bộ tâm trí, làm cho bà Trang không còn giữ được sự điềm tĩnh, lạc quan.

Bà Trang kể, khoảng hơn 10 năm về trước, bà phát hiện bên ngực phải của mình nhú lên 1 khối u nhỏ, sau đó nó phát triển dần nhưng không có biểu hiện đau hay khó chịu gì nên bà Trang chủ quan không đi kiểm tra. Khoảng 2 năm trở lại đây, khối u bắt đầu phát triển với tốc độ đáng sợ khiến bà và gia đình phải đi khắp các bệnh viện, phòng khám, bác sĩ chuyên khoa… để chẩn đoán và điều trị. “Từ TPHCM ra Hà Nội, ai mách ở bệnh viện hay bác sĩ, phòng khám nào điều trị ung bướu tốt, tôi đều tìm đến, nhưng sau những xét nghiệm, sinh thiết và khám lâm sàng, tôi đều nhận được những cái lắc đầu vì họ bảo nếu phẫu thuật thì không có xương ức thay thế. Tôi không bỏ cuộc, vẫn miệt mài đi khắp nơi với hy vọng ai đó có thể cứu chữa cho mình, cho đến ngày khối u vỡ ra”, bà Trang tâm sự.

Chị Như (phải) vui mừng vì mẹ đã thoát khỏi bạo bệnh 

Luôn bên cạnh mẹ trong suốt những tháng ngày vào Nam ra Bắc và rong ruổi khắp các bệnh viện để tìm phương pháp điều trị, chị Nguyễn Ngọc Quỳnh Như, con gái bà Trang, nhớ lại: “Ba em đang ở nước ngoài nên chúng em luôn bên cạnh, động viên quan tâm và chăm sóc mẹ. Khối u phát triển nhanh nhưng mẹ vẫn khỏe, hàng ngày mẹ vẫn làm nội trợ và chăm sóc gia đình. Nhưng khoảng 10 ngày trước, khối u bỗng dưng bị vỡ, em phải cầm máu cho mẹ, ngày hôm sau tình trạng đó lại tái diễn, máu chảy ồ ạt, không cầm được nên em gọi xe đưa mẹ đi cấp cứu. Thú thật, lúc đó cả bác sĩ và gia đình em đều chuẩn bị sẵn tâm lý, vì nhiều năm qua không có bệnh viện nào điều trị được, em đã nghĩ, cơ hội sống của mẹ khi đó là 0%”.

Sự hồi phục ngoài mong đợi

Không có hy vọng nào cho ca phẫu thuật, không biết khoảnh khắc buông tay các thành viên trong gia đình và bước vào phòng phẫu thuật liệu có phải là khoảnh khắc cuối cùng - điều đó khiến bà Trang bị hoảng loạn. Ngày phẫu thuật diễn ra, bà mang tâm trạng vừa sợ hãi, lo lắng nhưng cũng bất cần bởi “không còn gì để mất”. “Nếu từ chối phẫu thuật, tôi có thể sẽ chết bất cứ lúc nào bởi khối u đã vỡ, còn nếu phẫu thuật, các bác sĩ không hứa hẹn gì, nhưng biết đâu tôi có thể vượt qua. Suy nghĩ đó khiến tôi càng có thêm động lực và cuối cùng thì phép màu đã xuất hiện, ca phẫu thuật không chỉ thành công mà tôi còn phục hồi rất nhanh, ngoài sự mong đợi của cả ê kíp bác sĩ và gia đình”, bà Trang không giấu được niềm vui.

Trong khi mẹ được đưa vào phòng phẫu thuật, không giống như người thân của nhiều bệnh nhân khác ngồi ngoài chờ đợi kết quả, chị Như cùng các thành viên trong gia đình rời bệnh viện, lên chùa thắp hương, cầu nguyện bình an sẽ đến với mẹ và dành trọn niềm tin ở bác sĩ. Một tuần sau ca mổ thành công và được bác sĩ cho xuất viện, mọi sinh hoạt của bà Trang đang dần trở về như trước, ngực phải không còn tức, khó chịu hay đau nhói, việc đi lại, hoạt động trở nên dễ dàng hơn…

Chị Như chia sẻ: “Hãy tưởng tượng, khi bạn đã không còn một chút hy vọng nào vào điều gì đó, rồi mọi thứ diễn ra hơn cả mong đợi, niềm hạnh phúc ấy không thể đong đếm được. Cảm ơn các bác sĩ đã tận tâm, cảm ơn cuộc đời đã cho mẹ em thêm cơ hội sống để gia đình em lại được sum vầy”. Tổng chi phí cho ca phẫu thuật và điều trị của bà Trang là khoảng 100 triệu đồng.

U xương ức là một dạng khó và phức tạp, mỗi lần đứng trước ca mổ khối u xương ức là chúng tôi rất cân nhắc, u nhỏ đã là vấn đề thách thức, nhiều ca khối u chỉ lớn bằng quả chanh, người bệnh đã suýt chết trên bàn mổ.
Bệnh nhân Tô Thùy Trang nhập viện trong tình trạng khối u ở xương ức có kích thước khoảng 30x30cm, khối u lồi ra chiếm trọn vùng ngực, đè vào tim. Chúng tôi đã tiến hành hội chẩn nhiều lần và đấu tranh khá căng thẳng khi đồng ý mổ ca “cầm chắc cái chết” này.
Trong thời gian chuẩn bị, đến hẹn mổ thì bệnh nhân bất ngờ xuất hiện chảy máu, lần đầu mất khoảng 1 lít máu, lần sau 3 lít nhưng may mắn được cấp cứu kịp thời. Trước tình hình đó, xác định tình thế không thể chờ đợi thêm được nữa, chúng tôi tiếp tục hội chẩn để tiến hành mổ khẩn. Đây cũng là cơ hội cho bác sĩ, bởi nếu bệnh nhân không bị chảy máu thì ca mổ phải cân nhắc rất kỹ, còn với tình thế không có đường lùi này lại giúp các bác sĩ có thể tự tin hơn với tình huống bất khả kháng.
Kế hoạch mổ được đưa ra là cắt toàn bộ xương ức với nhiều vấn đề phải đối đầu. Bản thân xương ức là một cái hồ máu, việc chảy máu khủng khiếp có thể đe dọa tính mạng ngay lập tức. Thứ hai là sau khi mổ, cắt toàn bộ xương ức thì lấy cái gì thay thế vì nếu không có khung lồng ngực, không tạo áp lực âm thì phổi không thể hô hấp được. Vì vậy, thay vì mổ từ ngoài vào, chúng tôi quyết định rạch đường mổ 2 bên đi từ trong ra, khống chế 2 động mạch chính nuôi cùng xương ức để hạn chế mất máu. Ngoài ra, mổ từ ngoài vào có thể chạm vào tim gây tử vong, nếu đi từ trong ra sẽ không ảnh hưởng đến tim. Sau khi mổ cắt toàn bộ xương ức thành công, chúng dùng 2 miếng titanium, mỗi miếng 15x20 cm để thay thế xương ức. Titanium là vật liệu tương thích với cơ thể, có thể dùng suốt đời. Việc tạo hình này giúp giữ thành ngực có độ kín, tạo áp lực âm để bệnh nhân có thể tự thở sau mổ bình thường.
Sau 5 giờ căng thẳng, ca mổ kết thúc thành công ngoài mong đợi, chỉ truyền 3 đơn vị máu thay vì dự kiến 30 như ban đầu. Điều thần kỳ là sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục nhanh chóng, sau hơn một tuần, bệnh nhân đã có thể đi lại, ăn uống bình thường và được xuất viện. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện một ca phẫu thuật dạng này.



Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Hữu Vĩnh, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm